Thị trường

2 bộ và 13 địa phương xin giảm vốn nước ngoài hơn 2.100 tỷ đồng

08/10/2023, 10:30

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa gửi lấy ý kiến về báo cáo tình hình vận động, quản lý và sử dụng ODA, vốn vay nước ngoài 6 tháng đầu năm 2023.

Loạt đơn vị xin giảm vốn nước ngoài

Một trong những thông tin đáng chú ý là tính đến ngày 15/8/2023, đã có 2 bộ và 13 địa phương đề xuất cắt giảm vốn nước ngoài ngân sách Trung ương của các dự án với tổng số vốn là hơn 2.151 tỷ đồng. 

Đó là Bộ Công thương, Tài nguyên và Môi trường, Đại học Quốc gia Hà Nội; An Giang, Cà Mau, Khánh Hòa, Kiên Giang, Lâm Đồng, Phú Yên, Quảng Nam, Quảng Ninh, Tây Ninh, TP Cần Thơ, Trà Vinh, Yên Bái, Vĩnh Phúc.

Ngoài ra, có 8 địa phương đề nghị bổ sung kế hoạch vốn nước ngoài nguồn ngân sách Trung ương là hơn 476 tỷ đồng.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng vốn ODA, vốn vay ưu đãi giải ngân khoảng 7.744 tỷ đồng (đạt 21% kế hoạch), vốn đối ứng giải ngân khoảng 2.216 tỷ đồng (đạt 28% kế hoạch).

2 bộ và 13 địa phương xin giảm vốn nước ngoài hơn 2.100 tỷ đồng - Ảnh 1.

Giải ngân đầu tư công vốn nước ngoài năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023 nhiều nhất tập trung ở 3 cơ quan, trong đó, Bộ Giao thông vận tải đạt 31,25%.

Lý do giải ngân chậm?

Còn số liệu tổng hợp của Bộ Tài chính ngày 17/7/2023 cho thấy, giải ngân đầu tư công vốn nước ngoài năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023 là 5.086 tỷ đồng, đạt 18,18% kế hoạch vốn được giao. 

Trong đó, giải ngân của các bộ, ngành là 3.245 tỷ đồng đạt 27,36% kế hoạch vốn năm 2023 được giao, giải ngân của các địa phương là 1.841 tỷ đồng, đạt 11,42%.

Cụ thể, có 5/11 bộ, ngành có giải ngân nhưng số giải ngân tập trung chủ yếu ở 3 bộ/cơ quan là Viện hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (46,66%), Bộ Giao thông vận tải (31,25%), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (30,48%); 2 cơ quan còn lại là Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tài nguyên và Môi trường giải ngân dưới 10%; Có 9/50 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 15%.

Chỉ ra nguyên nhân giải ngân chậm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng: Một số dự án gặp vướng mắc do biến động giá nguyên vật liệu, khó huy động nhân công như Dự án Phát triển các đô thị dọc hành lang tiểu vùng sông Mê Kông lần thứ 2 - Tiểu dự án đô thị Sa Pa tỉnh Lào Cai, Dự án Hệ thống thoát nước và xử lý nước thải khu vực trung tâm phía Nam thành phố Thái Nguyên...

Ngoài ra, Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 3/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý đầu tư xây dựng đã quy định các bước từ thiết kế cơ sở đến thiết kế chi tiết của các dự án nhóm A đều do Bộ Xây dựng thẩm định dẫn đến chậm trễ trong việc thẩm định thiết kế đối với các dự án, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai của các dự án nói chung.

Điển hình như trường hợp của Dự án Phát triển đô thị và tăng cường khả năng thích ứng biến đổi khí hậu thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long vay WB. Việc thẩm định thiết kế tại Bộ Xây dựng bị kéo dài dẫn đến Dự án không triển khai được.

Các dự án còn gặp vướng mắc về quy chuẩn tiêu chuẩn, định mức kinh tế về chuyên ngành đường sắt đô thị. Ví dụ đối với dự án Metro 3, hệ thống định mức đơn giá vật tư, thiết bị chuyên ngành, định mức về chuyên gia tư vấn nước ngoài trong lĩnh vực đường sắt đô thị gần như không có trong hệ thống định mức và công bố của cơ quan quản lý của Việt Nam.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.