Giáo dục

Trẻ không chào hỏi người lớn, bố mẹ thấu hiểu giúp con tự tin hơn

29/09/2021, 01:00

Thay vì ép buộc trẻ phải chào hỏi người lớn cho bằng được, bố mẹ nên hiểu lý do tại sao con mình nhút nhát như vậy để có cách dạy dỗ phù hợp.

Có lẽ trong cuộc sống không quá khó để bắt gặp một đứa trẻ bị người thân ép buộc chào hỏi khi gặp người lớn. Nhiều bố mẹ nói rằng, khi họ gặp người quen bên ngoài hoặc có khách đến nhà, con cái cần phải ra chào hỏi. Nếu không dạy phép tắc xã giao ngay từ nhỏ sẽ rất khó dạy khi trẻ lớn lên.

Vì vấn đề chào hỏi này, một số đứa trẻ nhút nhát mỗi khi bị bố mẹ ép chào thường khép nép sợ hãi, không dám mở miệng. Lúc này, bố mẹ cảm thấy mình không biết dạy con hoặc thấy con cái hư quá.

Tại sao trẻ em không thích chào hỏi người lớn?

Trong suy nghĩ của nhiều bố mẹ, chủ động chào hỏi là phép lịch sự tối thiểu, nếu gặp người lớn mà không chào sẽ bị đánh giá rất tiêu cực.

Vì vậy, hầu hết trẻ em sẽ bị bố mẹ ép chào hỏi. Những đứa trẻ không muốn chào, không nghe lời bố mẹ sẽ bị gắn nhãn “rụt rè, nhút nhát, hư…”.

Sau đây là 2 nguyên nhân khiến trẻ không thích chào hỏi người lớn:

1. Do tính cách hướng nội

Tính cách được chia làm 2 loại: hướng nội và hướng ngoại. Trẻ không thích chào hỏi, nguyên nhân có thể do bởi tính cách hướng nội, không thích tiếp xúc với người lạ.

Tuy nhiên, bạn cần chú ý rằng, hướng nội chỉ là đặc điểm tính cách chứ không phải khuyết điểm. Những đứa trẻ hướng nội thường không thích nói nhiều, có phần nhút nhát, ý thức đề phòng người lạ cao nhưng lại là người có tinh thần trách nhiệm cao, tế nhị và chu đáo.

Việc ép buộc một đứa trẻ hướng nội phải chào hỏi rất dễ phá bỏ ranh giới an toàn trong bản năng của chúng.

img

2. Trẻ có cảm giác sợ hãi, đang tự bảo vệ chính mình

Nhiều bố mẹ cảm thấy khó hiểu, khi trẻ còn nhỏ có thể dễ dàng cho người lạ bế, tại sao bây giờ lại sợ hãi và nhút nhát đến vậy.

Lý giải cho điều này là do sự nhận thức của trẻ đã phát triển đến một giai đoạn nhất định, có thể phân biệt được đâu là người lạ và người quen.

Từ 0 đến 6 tuổi, trẻ sẽ bắt đầu cảnh giác với người lạ, đây là phản xạ bình thường để tự bảo vệ mình của mỗi người. Thông qua điều này, trẻ sẽ dần học cách phân biệt và tin tưởng người khác.

Người lớn thường thích những đứa trẻ hoạt bát, vui vẻ nên khi thấy những đứa trẻ nhút nhát như vậy sẽ nhận xét một cách tiêu cực: “Đứa trẻ này không biết nói à?”, “Thằng bé này sống nội tâm quá”…

Những câu nói tiêu cực này sẽ khiến trẻ cảm thấy buồn, để lại cái bóng tâm lý đối với những trẻ nhạy cảm.

Bố mẹ có thể làm gì để cải thiện việc chào hỏi của con cái?

Bất kể đứa trẻ có chào hỏi người lớn hay không, bạn cũng không nên tùy ý dán nhãn, càng không nên đổ lỗi hay so sánh.

- Bảo vệ con cái bằng thái độ tích cực

Những đứa trẻ không thích chào hỏi thường rất nhạy cảm, bố mẹ cần kiên nhẫn hơn trong chuyện dạy dỗ.

Đầu tiên, bố mẹ cần thấu hiểu và chấp nhận tính cách hướng nội của con mình. Đừng ép con cái phải chào trong khi chúng cảm thấy khó chịu. Đặc biệt, không nên tập trung vào điểm yếu của con mình mà chỉ trích, điều này sẽ càng khiến chúng thu mình và càng không muốn chào hỏi.

Đồng thời, bố mẹ cần đứng về phía con mình, bảo vệ trẻ với thái độ tích cực nếu chúng không chào hỏi người khác. Bạn có thể đáp lại người khác như: “Không phải thằng bé không thích chào, chỉ là bây giờ nó chưa muốn, nó sẽ chào cô chú khi đã sẵn sàng”.

img

- Bố mẹ làm gương cho con cái

Bố mẹ là những thầy đầu tiên của con cái, trẻ cần thời gian để quan sát và bắt chước người lớn. Mỗi khi ra ngoài gặp người quen, bố mẹ nên làm gương, chỉ cho trẻ cách tiếp xúc với mọi người, từng cử chỉ chào hỏi sẽ được chúng ghi nhớ trong âm thầm.

Trẻ càng thấy bố mẹ chào hỏi nhiều, chúng cũng sẽ phần nào ấn tượng về điều này và dần bắt chước theo.

- Hướng dẫn trẻ một cách có ý thức

Bố mẹ cũng có thể hướng dẫn trẻ tập chào hỏi dần dần thay vì ra lệnh. Ví dụ, khi gặp người quen, bố mẹ chào hỏi trước sau đó khuyến khích trẻ bắt chước chào hỏi theo. Ngay cả khi trẻ không chào, bố mẹ cũng đừng tạo áp lực quá lớn trong hoàn cảnh này.

- Đưa trẻ đi chơi nhiều hơn

Ngoài những điều ở trên, bố mẹ cũng phải tạo cơ hội để cho con cái tiếp xúc với người lạ nhiều hơn. Ví dụ, bố mẹ có thể đưa trẻ đến buổi họp mặt gia đình hoặc lúc tụ tập bạn bè của mình.

Thông qua việc giao tiếp với mọi người, trẻ sẽ dần bớt căng thẳng và dạn dĩ hơn trong việc tiếp xúc với người lạ, lúc này việc chào hỏi sẽ trở thành chuyện rất thoải mái.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.