2 tuần chứng khoán đỏ sàn, nhiều đại gia bốc hơi nghìn tỷ

30/05/2018, 07:05

Sau hai phiên “đỏ lửa”, phiên giao dịch ngày 29/5, thị trường chứng khoán đã “tươi” trở lại.

19

2 tuần chứng khoán đỏ sàn, nhiều đại gia bốc hơi nghìn tỷ

10 đại gia mất khoảng 1,7 tỷ USD

Trong nhóm 30 cổ phiếu (CP) có mức vốn hóa lớn nhất, ngoài MBB (Ngân hàng TMCP Quân đội), VCB (Ngân hàng TMCP Ngoại thương), SSI (CTCP Chứng khoán Sài Gòn) cùng một số mã khác giữ được sắc tím tới cuối phiên thì một số mã như HPG (CTCP Tập đoàn Hòa Phát) hay VVL (CTCP Đầu tư địa ốc Novaland) cũng giữ được mức tăng trần tới gần cuối phiên. Dù rất khởi sắc trong phiên này nhưng nếu tính từ đầu sóng giảm (ngày 15/5) tới nay, CP HPG cũng giảm khá mạnh (6,1%) khiến giá trị CP mà ông Trần Đình Long giảm theo khoảng 1.297 tỷ đồng về 19.838 tỷ đồng. Bà Vũ Thị Hiền, vợ ông Long cũng bị giảm giá trị CP nắm giữ khoảng 375,7 tỷ đồng, còn 5.747 tỷ đồng. Tương tự, chỉ với một phiên tăng trần cũng không ngăn được NVL giảm 0,7% khiến ông Bùi Thành Nhơn giảm 58,2 tỷ đồng về 7.737,5 tỷ đồng.

Không chỉ hai đại gia nói trên mà hầu hết các đại gia chứng khoán trên sàn đều sụt giảm giá trị CP nắm giữ. Với việc CP VIC giảm từ 132.000 đồng về 110.000 đồng/CP, ông Phạm Nhật Vượng giảm khoảng 15.928 tỷ đồng về khoảng 79.640 tỷ đồng. Cùng nắm giữ lượng lớn CP VIC, tài sản của hai bà Phạm Thúy Hằng và bà Phạm Thu Hương cũng giảm tương ứng là 1.834,8 tỷ đồng về 9.174 tỷ đồng và giảm 2.745 tỷ đồng về 13.728 tỷ đồng.

Tỷ phú giàu thứ hai trên sàn chứng khoán ông Trịnh Văn Quyết với sở hữu CP tại ba doanh nghiệp là FLC, ROS và ART cũng bị sụt giảm tổng cộng 9.360 tỷ đồng về 17.659 tỷ đồng, trong đó riêng giá trị tài sản nắm giữ tại ROS giảm tới 9.300 tỷ đồng về gần 17.000 tỷ đồng. Cùng nắm giữ lượng lớn CP ROS, vợ ông Quyết là bà Lê Thị Ngọc Diệp cũng bị sụt giảm giá trị CP khoảng 648,8 tỷ đồng về 1.182 tỷ đồng.

Nữ tỷ phú đô la Việt Nam duy nhất trong bảng xếp hạng của Forbes, bà Phạm Thị Phương Thảo với tỷ lệ nắm giữ lớn tại VJC (CTCP Hàng không Vietjet) và HDB (HDBank) tài sản trên sàn chứng khoán của bà Thảo cũng sụt giảm tổng cộng 1.499,4 tỷ đồng về 5.195 tỷ đồng; trong đó riêng tài sản nắm giữ tại VJC sụt giảm khoảng 1.439 tỷ đồng về 4.833.6 tỷ đồng. Mới nâng tỷ lệ sở hữu tại PDR (CTCP Phát triển BĐS Phát Đạt), ông Nguyễn Văn Đạt cũng chịu chung tình cảnh “bớt giàu” như các địa gia nói trên khi tài sản nắm giữ tại đây giảm khoảng 176,5 tỷ đồng về 4.072,7 tỷ đồng.

Theo thống kê và tính toán của PV Báo Giao thông, chỉ tính từ phiên giao dịch ngày 15/5 tới nay, tài sản nắm giữ trên sàn chứng khoán của 10 đại gia nói trên đã giảm mạnh khoảng 33.923,4 tỷ đồng (tương đương 1,48 tỷ USD) và còn nắm giữ khoảng 163.973,2 tỷ đồng (tương đương hơn 7,1 tỷ USD).

Chứng khoán đảo chiều nhờ tiền vào mạnh

Trong phiên giao dịch ngày 29/5, chỉ số VN-Index đã phục hồi mạnh nhờ lực cầu ồ ạt bắt đáy đã đẩy hàng loạt CP tăng điểm ngay từ đầu phiên. Cho tới cuối phiên, lực cầu tiếp tục dồn dập chảy vào thị trường, đặc biệt tại nhóm CP ngân hàng khiến nhóm này đồng loạt tăng trần, giúp VN-Index tăng hơn 20 điểm. Khác với hai phiên “đỏ lửa” trước khi tâm lý nhà đầu tư bị ép cực độ cùng với hoạt động giải chấp khi giá CP xuống thấp, thì tới phiên này nhà đầu tư đã phấn khởi trở lại. Do đó, không chỉ nhóm CP ngân hàng mà nhiều nhóm khác như: Chứng khoán, dầu khí, bất động sản - xây dựng... cũng nhận được sự lan toả.  

Trong rổ VN30, có gần 10 mã chốt ở mức trần như: STB, MBB, VCB… và một số mã giữ được mức trần đến gần phút chót như: DHG, NVL, HPG... Ngoài ra, nhiều mã trung bình khác cũng tăng kịch trần phiên này như: VND, IMP, SJF, TGG... Biên độ dao động trong phiên tới 45 điểm. Điểm tích cực là các nhóm CP dẫn dắt như ngân hàng, chứng khoán... giữ được nhịp tăng ổn định tới hết phiên, kéo VN-Index chốt phiên với mức tăng cao gần nhất trong phiên.

Thời điểm đóng cửa, thị trường có 232 mã tăng, trong đó có 37 mã tăng trần áp đảo so với 66 mã giảm (6 mã giảm sàn). Chỉ số VN-Index tăng 20,43 điểm (2,19%) lên 938,68 điểm. Tổng khối lượng giao dịch phiên này đạt hơn 183,98 triệu đơn vị, giá trị  5.339,82 tỷ đồng, giảm 16% về khối lượng và 12% về giá trị so với phiên trước. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 28,68 triệu đơn vị, giá trị 1.093 tỷ đồng. CP NVL phiên này cũng có giao dịch thỏa thuận 4,264 triệu CP, giá trị 237 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo thống kê, kể từ đỉnh 1.073,5 điểm thiết lập ngày 15/5, đến thời điểm này chỉ số chứng khoán mất tới 121,32 điểm. Riêng trong hai phiên “đỏ sàn” ngày 25 và 28/5, chỉ số VN-Index giảm mạnh 33,74 điểm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.