Công nghệ

2016: Nga giao 2 chiến hạm chống ngầm lớp Gepard 3.9 cho Việt Nam

13/11/2014, 16:52

Kỹ sư trưởng Cục Thiết kế Zelenodolsk của Nga cho biết, 2 chiếc tàu hộ tống tên lửa lớp Gepard 3.9 mà nước này đang đóng cho Hải quân Việt Nam sẽ được bàn giao vào cuối năm 2016.

img

Như ANTĐ đưa, tại Triển lãm quốc phòng “Indo Defence 2014” đang diễn ra ở Jakarta, Indonesia, kỹ sư trưởng Yevgeny Matveyev cho biết: “Một cặp tàu hộ tống đã được đóng cho Việt Nam trước đó, hiện nay, cặp thứ 2 đang được đóng, nhưng chúng khác với 2 tàu chiến trước đó ở việc lắp đặt các vũ khí và trang thiết bị quân sự. Thời hạn bàn giao cặp tàu hộ tống thứ 2 này cho Việt Nam là vào cuối năm 2016”.

Việc đóng tàu được chia thành nhiều giai đoạn khác nhau và sau mỗi giai đoạn được hoàn thành, phía đối tác sẽ thực hiện nghiệm thu kết quả đạt được theo tiến độ đã định trước. Hiện, cặp tàu hộ tống này đang được đóng tại nhà máy đóng tàu Gorky Zelenodolsk trong khuôn khổ hợp tác kỹ thuật quân sự quốc tế.

Theo kế hoạch được Zelenodolsk và Hải quân Việt Nam ký kết, công đoạn thử nghiệm 2 tàu Gepard 3.9 thứ ba và thứ tư dự kiến sẽ diễn ra trên biển Baltic vào giữa năm 2016, sau đó sẽ diễn ra lễ bàn giao chính thức vào cuối năm 2016. “Tới nay, không có yếu tố nào tác động đến việc không hoàn thành nghĩa vụ của hợp đồng. Công việc đóng tàu vẫn đang diễn ra theo đúng tiến độ”, ông Yevgeny Matveyev nói.

Tàu hộ tống HQ-012 Lý Thái Tổ
Tàu hộ tống HQ-012 Lý Thái Tổ

Sự khác biệt chính giữa cặp tàu hộ tống Gepard 3.9 thứ 2 này so với 2 tàu cùng loại trước đó là HQ-011 Đinh Tiên Hoàng và HQ-012 Lý Thái Tổ là chúng được trang bị hệ thống vũ khí chống ngầm, và việc sử dụng hệ thống máy điện hiện đại với những đặc điểm cải tiến mới.

Theo nhà máy Zelenodolsk, 2 tàu Gepard 3.9 biến thể chống ngầm này sẽ có lượng choán nước đầy tải 2.200 tấn, chiều dài 102,4 m, chiều rộng 14,4 m, chiều cao 7,25 m, tốc độ di chuyển tối đa khoảng 29 hải lý/giờ; tầm hoạt động 4.000 hải lý khi di chuyển với tốc độ 10 hải lý/giờ; khả năng hoạt động độc lập liên tục 20 ngày trên biển và được vận hành bởi kíp thủy thủ 84 người.

Ngoài ra, các tàu chiến Gepard 3.9 thứ 3 và thứ 4 đang đóng cho Việt Nam tiếp tục được trang bị thêm hệ thống phòng không Palma với tên lửa Sosna-R - theo Kiến thức.

Hệ thống pháo - tên lửa phòng không Palma.
Hệ thống phòng không Palma được bố trí ở ngay sau tháp pháo AK-176, trước mặt đài chỉ huy tàu hộ vệ Gepard 3.9.

Truyền thông Nga dẫn lời Giám đốc phụ trách Kinh tế – Đối ngoại thuộc Viện Thiết kế Cơ khí Chính xác Nudelman (hay gọi là KB Tochmash), ông Ignatov cho biết, 2 tàu hộ vệ Gepard 3.9 Project 11661E tiếp theo xuất khẩu cho Hải quân Nhân dân Việt Nam sẽ được trang bị hệ thống pháo – tên lửa phòng không Palma.

“Hai hệ thống phòng không trên hạm Palma đã được lắp đặt trên 2 tàu Gepard 3.9 đầu tiên của Hải quân Việt Nam sẽ tiếp tục được chuyển giao để lắp đặt trên 2 con tàu mới”, ông Ignatov nói.

Hệ thống pháo – tên lửa phòng không Palma được thiết kế để tấn công các mục tiêu trên không (gồm máy bay, trực thăng, bom hàng không, tên lửa hành trình chống tàu), mục tiêu trên biển (tàu cỡ nhỏ) và thậm chí là cả mục tiêu đất liền. Nó có thể tham chiến cùng lúc với 6 mục tiêu ở cự ly 200m đến 8.000m, độ cao tối đa 3.500m, thời gian phản ứng (chiến đấu) chỉ trong 3-5 giây.

Hệ thống phòng không Palma được bố trí ở ngay sau tháp pháo AK-176, trước mặt đài chỉ huy tàu hộ vệ Gepard 3.9.
Hệ thống pháo - tên lửa phòng không Palma

Vũ khí trang bị cho hệ thống gồm: 2 pháo 6 nòng cỡ 30mm AO-18KD/6K30GSh đạt tầm bắn 200-4000m, độ cao 3.000m, tốc độ bắn đạt tới 10.000 phát/phút (2 khẩu); 8 tên lửa hải đối không tốc độ siêu âm dẫn đường bằng laze Sosna-R (đạt tầm bắn 1.300-8.000m, độ cao diệt mục tiêu 2-3.500m).

Hệ thống điều khiển hỏa lực của Palma gồm: camera hồng ngoại, đo xa laze, hệ thống dẫn đường laze cho tên lửa và đài radar bám bắt mục tiêu 3Ts-99.

Mậu Ngọ (Tổng hợp)

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.