Thị trường

Năm 2019 sẽ chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ của công nghệ thanh toán

15/01/2019, 17:17

Hiện có hơn 90% khách hàng tại TP.HCM thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt.

img
Phó thống đốc Nguyễn Kim Anh tại hội thảo

Sáng 15/1, Báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng với Ngân hàng Nhà nước tổ chức Hội thảo Hướng đến một xã hội không dùng tiền mặt.

Ông Nguyễn Kim Anh, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, hiện có 76 đơn vị đã triển khai dịch vụ thanh toán qua Internet và 41 đơn vị triển khai thanh toán qua di động. Một số ngân hàng thương mại đã nghiên cứu, hợp tác triển khai các công nghệ, giải pháp mới vào hoạt động thanh toán trên thiết bị di động như: xác thực sinh trắc học, mã phản hồi nhanh (QR Code), mã hóa thông tin thẻ (Tokenization), thanh toán phi tiếp xúc (contactless), công nghệ mPOS... Chỉ tính riêng trong năm 2018, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng đã xử lý an toàn 137,6 triệu giao dịch với giá trị 73 triệu tỉ đồng, gấp 13 lần GDP. Hành lang pháp lý cho thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng hoàn thiện.

Về hệ thống ATM, theo thống kê của Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 30/9/2018, cả nước có ATM có 18.170 ATM, tăng 4% so với cuối năm 2016; máy chấp nhận thanh toán (POS) là 294.500, tăng 11,8% so với cuối năm 2016. Số lượng thẻ tăng trưởng mạnh đến nay đạt khoảng 101 triệu thẻ.

“Thực tế, thanh toán điện tử trong khu vực Chính phủ, dịch vụ hành chính công hiện có trên 81% đơn vị hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, tương đương 80% cán bộ, công chức, viên chức nhận lương qua tài khoản ngân hàng. Tính đến giữa năm 2018, cả nước có trên 43 triệu người có tài khoản tại ngân hàng, chiếm khoảng trên 60% người từ 15 tuổi trở lên, theo ông Dũng”, Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng nhà nước Phạm Tiến Dũng cho biết.

Một dẫn chứng cho thấy tỉ lệ thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng tăng từ Tổng công ty Điện lực TP.HCM. Ông Nguyễn Duy Quốc Việt, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP.HCM, cho biết, việc phát triển các phương thức thanh toán hiện đại, nhằm tạo thuận lợi cho khách hàng trong thanh toán tiền điện, đến cuối năm 2018, Tổng công ty điện lực TP.HCM đã hợp tác với 23 ngân hàng và 9 đối tác để thu tiền điện khách hàng qua 2.279 máy ATM; 6.973 điểm thu là các phòng giao dịch ngân hàng, các siêu thị tiện ích, hoặc qua SMS; Mobile, Internet Banking,... Hiện, tỉ lệ khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt tại Tổng công ty điện lực TP.HCM đạt 90,51%.

Tại đây các chuyên gia cũng chia sẻ kiến nghị giải pháp để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt như: Giảm chi phí, thời gian với thanh toán điện tử liên ngân hàng; Quy định pháp luật với xác thực điện tử; Ban hành chuẩn quốc gia về QR Code; Thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ POS; Xây dựng lộ trình cụ thể cho từng đơn vị cung ứng dịch vụ công trong việc xoá bỏ thu tiền mặt; Chuẩn hoá hệ thống CNTT của các cơ quan, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công; Tăng cường tuyên truyền, khuyến khích người dân sử dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.

2019 sẽ chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ của công nghệ thanh toán

Cũng trong hội thảo, ông Thomas William Tobin, Giám đốc khối bán lẻ Ngân hàng Ngoại Thương VN (Vietcombank) dự báo xu hướng công nghệ số trong đời sống, thành tựu của CMCN 4.0 đang tác động mạnh mẽ đến cuộc sống hàng ngày. Ông Thomas William Tobin cho rằng Việt Nam đang dần tiến đến chính phủ điện tử, thành phố thông minh, vì thế mô hình ngân hàng cũng phải thay đổi theo. Từ mô hình ngân hàng truyền thống trước đây đặt ngân hàng là trung tâm, khách hàng phải đến nhà băng để giao dịch, thì nay mối quan hệ giữa khách hàng, ngân hàng không còn là 1-1 mà là cả hệ sinh thái, gồm cả các công ty fintech.

"Năm 2019 sẽ là năm thay đổi rất lớn trong công nghệ thanh toán, nhất là loại thẻ không tiếp xúc, sau khi Ngân hàng Nhà nước ban hành Ban hành Bộ tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa và Bộ tiêu chuẩn cơ sở "Đặc tả kỹ thuật QR Code. Tới đây Vietcombank sẽ nâng cấp các điểm chấp nhận thẻ để chấp nhận được thẻ không tiếp xúc", ông Tobin nêu.

Cũng theo ông Tobin, phương thức thanh toán qua thẻ không tiếp xúc mang lại lợi ích rất lớn, đặc biệt với những giao dịch nhỏ vì không cần quẹt mà chỉ cần chạm là có thể thanh toán. Tại nhiều thị trường như Singapore, 80% giao dịch bằng thẻ không tiếp xúc. Với loại hình thanh toán QR Code cũng rất có lợi cho những điểm thanh toán nhỏ.

Tuy nhiên, ông Thomas William Tobin nhấn mạnh rằng, với việc lớn mạnh của phương thức thanh toán mới, ngân hàng cần chú trọng giải thích để khách hàng hiểu đây là phương thức an toàn hơn phương thức đưa thẻ quẹt như hiện nay.

"Và nếu họ đã dùng và quen với phương thức mới thì họ sẽ không muốn quay lại với việc quẹt thẻ và ký 2 lần như hiện nay", ông Tobin nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.