Giao thông

21/6 ở Trường Sa

21/06/2014, 22:35

Một công nhân xây dựng đèn biển nhảy khỏi xuồng bơi về phía đảo mang theo gói quà của Đoàn nghiệm thu đảo đèn Trường Sa, đã bọc túi ni lông cẩn thận.

Giữa mênh mông trời biển, người nhấp nhô trên xuồng, người chơi vơi trên chốt, chẳng có rượu, chúng tôi cụng ly bằng nước khoáng. Nước trong cốc sóng sánh chực trào ra, không hiểu do tàu nhấp nhô theo nhịp sóng hay người mình nôn nao... Cách đây tròn 20 năm, chúng tôi đã đón ngày Báo chí Cách mạng VN theo cách không thể đặc biệt hơn.

Nhà báo Quang Tuấn (bên trái) và Anh Tôn tại Trường Sa ngày 21/6/1994
Nhà báo Quang Tuấn (bên trái) và Anh Tôn tại Trường Sa ngày 21/6/1994

Khoảng 20h ngày 20/6/1994, cách đây tròn 20 năm, trên khoang lái chật hẹp của chiếc tàu vận tải mang tên Biển Đông 02 đang neo đậu kề đảo chìm Đá Lát diễn ra cuộc gặp mặt ngoài dự kiến. Ông Bùi Văn Sướng (khi đó là Thứ trưởng Bộ GTVT), Trưởng đoàn nghiệm thu Công trình đèn biển Trường Sa nói với nhóm phóng viên mấy lời giản dị: “Trước hết xin lỗi vì mãi tới mấy phút trước đây, chúng tôi mới chợt nhớ: Ngày mai là ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, lễ trọng của các nhà báo.

Theo chương trình công tác, ngày mai 21/6 lại là ngày hết sức bận rộn của hoạt động nghiệm thu ở vịnh Đá Tây. Do đó, tối nay, tôi thay mặt các sĩ quan, thuyền viên của tàu Biển Đông 02, các kỹ sư và công nhân xây dựng đèn biển Trường Sa chúc mừng và cảm ơn các nhà báo. Việc các bạn có mặt ở đây, vào thời điểm này đã đủ nói lên ý thức trách nhiệm cao cả, đáng được tôn vinh”.

Tất cả cười vui và xúc động. Không ai bảo ai, mắt mọi người đều hướng ra cây đèn biển gần nhất cao lừng lững đang chớp sáng liên tục. Dưới chân nó là đảo chìm - bãi đá ngầm mang tên Đá Lát - nơi các nhà hàng hải quốc tế kinh hoàng đặt tên là cái “bẫy tàu”, từng gây không ít tai họa trên tuyến hàng hải biển Đông... Không rượu, chúng tôi cụng ly bằng nước khoáng. Nước trong cốc cứ sóng sa sóng sánh, không hiểu do tàu đánh võng theo nhịp sóng hay người mình nôn nao...

Tháng 6, gió Tây Nam dữ dằn, không có công chuyện, mấy ai đi Trường Sa bằng tàu nhỏ. Nhưng những trận say sóng đến lả người đều đã được Trường Sa đền bù thỏa đáng. Ngày 21/6, đoàn nghiệm thu làm việc với chủ đầu tư và nhà thầu, còn nhóm báo chí gồm có Quang Tuấn (Báo Nhân dân), Nguyễn Hiếu (Đài TNVN), Anh Tôn (TTXVN), Phan Duyên (Đài THVN), Hữu Minh, Nguyễn Bình (Báo QĐND), Lương Tuấn (Báo GTVT) lặn lội khắp nơi.

Tất cả đều quần soóc lửng, khoác áo phao, chân đi giầy vải buộc chặt, lúc ngồi trên xuồng máy, lúc lội bãi đá ngầm, khi leo lên đảo đèn chuyện trò với kỹ sư, công nhân xây dựng. Người nào người nấy quay phim, chụp ảnh liên hồi, mải miết ghi ghi, chép chép.

Buổi chiều, khi xong việc đoàn nghiệm thu đi xuồng định ghé thăm bộ đội chốt trên đảo chìm ở phía bên kia Vịnh Đá Tây. Nhưng sóng mạnh, xuồng mà vào gần kè đá sẽ bị va đập vỡ ngay. Giữa mênh mông trời biển, người nhấp nhô trên xuồng, người chơi vơi trên chốt cuộn tay làm loa chào nhau, hỏi thăm nhau và nhận đồng hương.

Một công nhân xây dựng đèn biển nhảy khỏi xuồng bơi về phía đảo mang theo gói quà của Đoàn nghiệm thu đảo đèn Trường Sa, đã bọc túi ni lông cẩn thận. Thấy thế, một người lính từ chốt cũng nhào xuống nước, bơi ra đón. Hai người gặp nhau, ôm nhau, trao quà rồi bơi về nơi xuất phát. Thôi “đành lòng vậy, cầm lòng vậy” chia tay các chiến sĩ trên chốt, chúng tôi trở lại tàu Biển Đông 02.

Tối đó, cánh nhà báo được làm “lính đảo một đêm” khi tàu cập cảng đảo Trường Sa Lớn. Mấy nhà báo theo chân lính đi tuần dọc bãi cát ven đảo và chuyện trò không dứt. 23h đêm, chủ và khách đánh trần ngồi lố nhố trên bãi đá xem truyền hình trực tiếp một trận bóng đá giải World Cup đang sôi nổi diễn ra tại Mỹ... Sáng vẫn dậy đúng giờ tập thể dục của bộ đội.

Mặt trời chưa nhô lên khỏi mặt biển, tôi vác máy ảnh đi lang thang, chợt thấy một sĩ quan lớn tuổi đang ngồi tập thiền ngay cạnh cột mốc chủ quyền, chụp được bức ảnh hay. Định chỉ ở đây một đêm, sáng hôm sau trở lại tàu nhưng sóng dữ quá, chưa xuất phát được. Đến ngày thứ hai, thời tiết vẫn thế, ông Bùi Văn Sướng, người có chức cao nhất quyết định nhổ neo, song ông Nguyễn Văn Vượng - Tổng gi

iám đốc Liên hiệp Các xí nghiệp đóng tàu - “cậy” là chủ tàu bảo “cố chờ”, vì phải chịu trách nhiệm về sự an toàn của cả đoàn. Thủy thủ không biết nghe ai. Cuối cùng, anh Bùi Đức Nhuận - Phó Cục trưởng Cục Hàng hải nói: “Ở giữa Trường Sa thì phải tuân theo luật nhà binh, ai có chức cao nhất người đó ra quyết định, tất cả phải chấp hành...”. Thế là sự dùng dằng được giải tỏa. Nhà bếp của tàu chỉ giữ lại đủ thức ăn đi đường, còn tất cả thực phẩm tươi mang từ đất liền như bắp cải, xu hào, cà rốt đều đem tặng lính đảo.

Nhà báo Quang Tuấn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.