Góc nhìn

23 “nhạc công lỗi nhịp” văng khỏi “dàn nhạc” Donald Trump

23/03/2018, 10:26

Chỉ trong vòng 14 tháng từ khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã sa thải, thay đổi tới 23 nhân sự.

22

Tổng thống Mỹ Donald Trump

Chỉ trong vòng 14 tháng từ khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã sa thải, thay đổi tới 23 nhân sự. Trong đó, nhiều người là những cố vấn thân cận, những trợ lý được ông hết sức tin tưởng, hay những chiến lược gia về kinh tế, chính trị, ngoại giao hàng đầu.

Việc nối dài danh sách nhân sự rời khỏi Nhà Trắng được báo chí ví như trò “giành ghế theo nhạc” mà nhạc trưởng chính là ông Donald Trump.

Tuân thủ luật chơi

Theo CNN, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson và trợ lý Ngoại trưởng, ông Steven Goldstein là hai người mới nhất gia nhập danh sách dài chưa từng có những nhân sự rời Nhà Trắng chỉ trong hơn 1 năm nhiệm kỳ của một tổng thống. Sự ra đi của hai người này được cho là “tuân thủ luật chơi” khi đã “không nhảy đúng điệu nhạc” mà nhạc trưởng đưa ra.

Từng nhiều năm là Giám đốc điều hành hãng dầu lửa hàng đầu Mỹ Exxon Mobile, ông Tillerson ban đầu được ông Trump đánh giá cao với tư cách là một nhà thương lượng theo khuôn mẫu phù hợp với chủ trương “nước Mỹ trên hết” của ông Trump.

Tuy nhiên, sau thời kỳ đầu tốt đẹp, mối quan hệ giữa ông Trump với ông Tillerson dần chuyển xấu với những bất đồng quan điểm trong nhiều vấn đề, từ thỏa thuận chống biến đổi khí hậu Paris, mức độ ủng hộ của Mỹ đối với việc các nước vùng Vịnh cấm vận Qatar, đàm phán về Hiệp định Tự do thương mại Bắc Mỹ (NAFTA), hay giải pháp ngoại giao đối với vấn đề hạt nhân của Triều Tiên.

Còn việc ra đi của Thứ trưởng Ngoại giao Steve Goldstein, phát ngôn viên của cựu Ngoại trưởng Rex Tillerson và là nhà ngoại giao hàng đầu tại Bộ Ngoại giao Mỹ, là do bất đồng với quyết định của ông Donald Trump về việc cho cấp trên của ông thôi giữ chức.

Tương tự như trên, Giám đốc Hội đồng Kinh tế quốc gia Gary Cohn chia tay Nhà Trắng trước ông Tillerson đúng 1 tuần.

Ông Cohn, một nghị sĩ Dân chủ với chủ trương thương mại tự do, dường như đã tranh cãi với tổng thống về vấn đề áp đặt thuế nhập khẩu cao hơn với các sản phẩm thép và nhôm.

Các chuyên gia phân tích đã lật lại thời gian trước khi trở thành tổng thống của ông Trump và thấy rằng, tổng thống thứ 45 của Mỹ vốn đã nổi tiếng với thói quen cải cách bộ máy khi đoàn tàu đi không đúng hướng.

Trong thời gian tranh cử, vị tỷ phú địa ốc đã nhiều lần thay đổi các vị trí lãnh đạo trong chiến dịch. Những quyết định trọng dụng và thăng cấp cho các cố vấn như bà Kellyanne Conway và ông Steve Bannon đều được đưa ra khá muộn.

Và không phải ai cũng biết cách chiều ý và lấy lòng ông chủ Nhà Trắng. Nhiều ý kiến từ các quan chức Nhà Trắng đã chỉ trích cách bà Conway khi bảo vệ Ivanka Trump trên truyền hình sau khi con gái tổng thống bị các hệ thống bán hàng quay lưng. Tuy nhiên, tổng thống lại rất thích thể hiện này và điều đó cải thiện niềm tin của ông với nữ trợ lý.

Vòng cuối của trò chơi

Trong khi đó, theo ý kiến chuyên gia trên tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) ngày 22/3, vòng cuối cùng của trò chơi “giành ghế theo nhạc” ở Nhà Trắng chính là Hội nghị thượng đỉnh Mỹ và Triều Tiên, dự kiến tổ chức vào cuối tháng 5.

Quyết định chọn Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Mike Pompeo trở thành người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ của ông Trump báo trước một xu hướng ngoại giao hiếu chiến hơn.

Về vấn đề Triều Tiên, ông Pompeo từng tuyên bố: “Đừng ảo tưởng, khi vẫn đang đàm phán, chúng tôi sẽ không có chút nhượng bộ nào”, Fox News dẫn lời ông này ngày 11/3.

Được biết, ông Pompeo từ lâu đã liên lạc chặt chẽ với Giám đốc Cơ quan Tình báo quốc gia Hàn Quốc Suh Hoon, một trong những sứ giả liên Triều của Tổng thống Moon Jae-in cho Hội nghị thượng đỉnh liên Triều sắp tới, dự kiến ​​vào tháng 4.

Giám đốc CIA tin rằng, Washington vẫn có thể đàm phán một thỏa thuận hoàn toàn có thể kiểm chứng được và không thể đảo ngược về phi hạt nhân hóa Triều Tiên từ một vị thế Mỹ với sức mạnh to lớn.

Cũng chính vì có những quan điểm cứng rắn trong các vấn đề an ninh quốc tế, có phần tương đồng với ông Trump mà ông Pompeo đã được lòng Tổng thống Mỹ. Tuy nhiên, danh tiếng của ông Pompeo với tư cách là một người trung thành với ông Trump cho thấy quyết định mọi vấn đề thuộc về tổng thống chứ không phải tham vấn của các trợ lý.

Và đây cũng chính là quy luật của trò chơi, kẻ chiến thắng là người nhảy đúng nhạc và nhanh chân ngồi vào ghế khi nhạc dừng. Vị “nhạc trưởng” quyền lực tại Nhà Trắng chính là ông Donald Trump.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.