Thi viết về GTVT

23 tác phẩm đoạt giải Báo chí viết về ngành GTVT lần II

25/08/2021, 10:00

Sau gần 1 năm phát động, Giải thưởng Báo chí viết về ngành GTVT lần thứ II đã có kết quả chính thức với 23 giải cá nhân và 3 giải tập thể.

Nhiều tác phẩm công phu, sức lan tỏa lớn

Với mong muốn phát hiện và tôn vinh những tấm gương cống hiến vì sự nghiệp phát triển GTVT; ghi nhận những ý tưởng, sáng kiến, giải pháp đổi mới, tạo đột phá phát triển GTVT, tạo tiền đề đưa đất nước tiến lên hiện đại, giàu mạnh, nhân dịp Kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống ngành GTVT (28/8/1945 - 28/8/2020), Bộ GTVT phát động Giải thưởng “Báo chí viết về ngành Giao thông vận tải lần thứ II năm 2020 - 2021.

img

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể trao giải cho nhóm tác giả Báo Tuổi trẻ TP Hồ Chí Minh đoạt giải Nhất cuộc thi “Báo chí viết về ngành GTVT lần thứ nhất năm 2019 - 2020" tổ chức ngày 28/8/2020

Nhà báo Nguyễn Bá Kiên - Tổng biên tập Báo Giao thông, Phó trưởng Ban thường trực, Trưởng ban giám khảo Giải thưởng cho biết, trong bối cảnh cả nước tập trung chống dịch Covid-19, rất nhiều tỉnh, thành thực hiện giãn cách xã hội, Giải vẫn có sức lan tỏa lớn và nhận được số lượng bài dự thi nhiều hơn lần đầu tổ chức.

Sau gần 1 năm phát động, đã có gần 200 tác phẩm, trong đó có khoảng 30 loạt bài dài kỳ của gần 40 cơ quan báo chí Trung ương và địa phương gửi bài tham dự.

“Qua sàng lọc, tuyển chọn, các tác phẩm đa phần đảm bảo đúng thể lệ, có chất lượng tốt, có góc nhìn tươi mới về những thành tựu của ngành GTVT từ khi đất nước đổi mới. Nhiều bài viết có những sáng kiến, đề xuất, ý tưởng mới đóng góp vào công cuộc phát triển ngành GTVT”, ông Kiên thông tin.

Điểm nhấn đáng chú ý của năm nay là nhiều tác phẩm được trình bày công phu, thể hiện sinh động, hấp dẫn, bắt mắt dưới hình thức hiện đại, lôi cuốn bạn đọc như: Longfrom, E-Magazine, Infographics…

Nổi bật là tác phẩm đoạt giải Nhất: “Xây dựng 5.000km đường cao tốc - cuộc cách mạng về hạ tầng giao thông” của Báo Đầu tư. Bài viết không chỉ trình bày đẹp, hấp dẫn mà còn thể hiện cái nhìn tổng thể, sâu sắc về vấn đề đầu tư xây dựng đường cao tốc ở Việt Nam hiện nay.

Chia sẻ về quá trình thực hiện bài viết, tác giả Anh Minh cho biết, đã cố gắng lồng ghép nhiều hệ thống bảng biểu, hình ảnh minh họa để khắc họa tổng thể lịch sử phát triển đường cao tốc tại Việt Nam và những thành tựu, lợi ích to lớn của các tuyến cao tốc đặc biệt này; cùng đó là các mô hình đầu tư phát triển đường cao tốc trong 20 năm để đề xuất, gợi mở tới các cơ quan chức năng về các giải pháp khai phóng nguồn lực để huy động thành công nguồn vốn đầu tư tư nhân cho các dự án PPP đường cao tốc thời gian tới.

“Trong đó, đòi hỏi cả hệ thống chính trị, nhất là lực lượng chủ công là ngành GTVT cần nỗ lực cao độ, có cách làm sáng tạo mới có thể hoàn thành mục tiêu hoàn thành 5.000km đường cao tốc vào năm 2030”, tác giả Anh Minh chia sẻ.

Một điểm đáng chú ý khác là có rất nhiều loạt bài dài kỳ điều tra công phu, thể hiện sự dấn thân đến tận cùng sự việc của các tác giả. Trong đó, nổi bật là tác phẩm đoạt giải Nhì: “Xóa “luật ngầm” ở Bến xe Q.8” của Báo Thanh Niên.

tem-quote-9-right-text-img-left

Chia sẻ về quá trình thực hiện loạt bài, tác giả Trác Rin cho biết, phải nhiều ngày dấn thân đeo bám và điều tra công phu, với nhiều clip, hình ảnh, bằng chứng cụ thể.

“Trực tiếp tiếp xúc với phóng viên, nhiều chủ xe buýt bật khóc vì họ đã chịu đựng việc này quá lâu. Họ làm đơn phản ánh với lãnh đạo bến và chính quyền địa phương nhưng không được giải quyết. Đáng nói, nhóm này hoạt động ngang nhiên trong khuôn viên bến xe, thậm chí đánh đập cả những tài xế, tiếp viên xe buýt nếu không tuân thủ theo luật ngầm”, tác giả Trác Rin bày tỏ.

Cũng theo tác giả Trác Rin, suốt nhiều ngày vào vai khách gửi hàng hóa từ Bến xe Q.8 đi các tỉnh miền Tây để tiếp cận nhóm giang hồ này, ghi lại hình ảnh và thu thập chứng cứ.

Sau khi nắm đầy đủ các chứng cứ mới liên hệ, cung cấp cho Đội cảnh sát hình sự Công an Q.8. Ngay hôm sau, hàng chục trinh sát hình sự đã vây ráp Bến xe Q.8, bắt giữ 6 đối tượng trong nhóm giang hồ.

Luật ngầm được xóa bỏ, an ninh trật tự ở Bến xe Q.8 được tái lập ngay sau đó.

Một tác phẩm đoạt giải Nhì khác là loạt bài 3 kỳ “Trục lợi từ bán vật liệu làm cao tốc Bắc - Nam” cũng được đánh gia cao về kết quả tác nghiệp công phu của nhóm PV Báo Giao thông để thu thập thông tin, điều tra và phản ánh về vấn đề rất mới, liên quan đến việc cung cấp vật liệu thi công cao tốc Bắc - Nam.

Với cách thể hiện sắc sảo, lôi cuốn và đeo bám sự việc đến cùng, sau khi loạt bài đăng tải nhận được sự quan tâm rất lớn của dư luận xã hội và cơ quan chức năng.

Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương liên quan đánh giá và có giải pháp giải quyết dứt điểm bất cập, vướng mắc với tinh thần quyết liệt, trách nhiệm cao nhất; xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân không làm tròn trách nhiệm hoặc bao che hành vi đầu cơ, nâng giá vật liệu xây dựng.

Trao giải gián tiếp do dịch Covid-19 phức tạp

img

Giấy chứng nhận các tác phẩm đoạt giải nhất, nhì

Theo Ban tổ chức, hạn chế lớn nhất của Giải thưởng năm nay là chưa có những tác phẩm có tính sáng tạo và đột phá cao về ý tưởng nội dung, có lối viết thực sự cuốn hút, chạm đến cảm xúc của người đọc.

Chính vì vậy, Ban Giám khảo không lựa chọn được tác phẩm đoạt giải Đặc biệt. Thay vào đó, Ban Tổ chức vẫn quyết định tăng số lượng giải Khuyến khích từ 10 giải ban đầu lên 15 giải.

Về các tác phẩm đạt giải: Sau hai vòng sơ khảo và chung khảo, với sự tham gia chấm giải của lãnh đạo Vụ Báo chí - Xuất bản (Ban Tuyên giáo Trung ương), Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam, Lãnh đạo Văn phòng Bộ GTVT và các nhà báo chuyên nghiệp, có uy tín, Ban tổ chức đã lựa chọn và trao 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 5 giải Ba và 15 giải Khuyến khích cho các tác phẩm dự thi (Không có giải Đặc biệt).

Ban tổ chức cũng trao 3 giải Tập thể, mỗi giải 10 triệu đồng cho 3 đơn vị có tác phẩm dự thi nhiều nhất gồm: Báo Bắc Giang; Tạp chí Heritage và Báo Thanh niên.

Cũng theo ông Nguyễn Bá Kiên, điều đáng tiếc nhất năm nay do tình hình dịch Covid-19 diễn biến khó lường, nhiều tỉnh thành phải tăng cường thực hiện giãn cách xã hội; để tránh lây lan dịch bệnh, Ban tổ chức quyết định không trao giải trực tiếp đúng dịp Kỷ niệm 76 năm Ngày truyền thống ngành GTVT (28/8/2021).

Thay vào đó, Ban tổ chức sẽ trao giải gián tiếp và gửi giải thưởng đến các cá nhân, tập thể thông qua đường bưu điện trong thời gian sớm nhất.

“Thay mặt Ban tổ chức xin gửi lời chúc mừng đến các tập thể, cá nhân đoạt giải lần này mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, nhiệt tình tham gia giải trong những năm tới”, ông Kiên nói.

img

DANH SÁCH CÁC TÁC PHẨM ĐOẠT GIẢI:

01 Giải Nhất, trị giá 30 triệu đồng:

- Tác phẩm: Xây dựng 5.000km đường cao tốc - cuộc cách mạng về hạ tầng giao thông. Thể loại: Phản ánh; Tác giả: Phạm Anh Minh - Báo Đầu tư.

02 Giải Nhì, mỗi giải 15 triệu đồng:

- Tác phẩm: Trục lợi từ bán vật liệu làm cao tốc Bắc - Nam. Thể loại: Điều tra; Tác giả: Nhóm PV - Báo Giao thông.

- Tác phẩm: Xóa “luật ngầm” ở Bến xe Q.8. Thể loại: Điều tra; Tác giả: Trác Rin - Báo Thanh niên.

05 Giải Ba, mỗi giải 10 triệu đồng:

- Tác phẩm: Những cung đường ven biển tuyệt vời nhất Việt Nam. Thể loại: E-Magazine; Tác giả: Trần Trọng Nhân, Phạm Tấn Lực, Nguyễn Đức Bình, Nguyễn Văn Thắng - Báo Tuổi trẻ.

- Tác phẩm: Ăn cơm nhà, vá đường thiên hạ. Thể loại: Phản ánh; Tác giả: Gia Khánh, Trung Hiếu - Báo An Giang.

- Tác phẩm: Giải cứu ngành Đường sắt. Thể loại: Phản ánh; Tác giả Thế Anh, Đông Hùng - Báo Dân Việt.

- Tác phẩm: Điểm mặt “hang ổ” xe dù, bến cóc ở TP.HCM. Thể loại: Điều tra; Tác giả: Nhóm PV - Báo Người lao động.

- Tác phẩm: Hạ tầng giao thông - Động lực phát triển. Thể loại: Phản ánh; Tác giả Nguyễn Thái Thiện - Báo Ấp Bắc.

15 Giải Khuyến khích, mỗi giải 5 triệu đồng

- Tác phẩm: Hạ tầng yếu, phí vận tải cao nhìn từ Cái Mép - Thị Vải: Thành bại là do kết nối; Thể loại: Phản ánh + Phỏng vấn; Tác giả: Trần Ngọc Ẩn, Nguyễn Thu Dung - Báo Tuổi trẻ.

- Tác phẩm: Grab, be âm thầm “móc túi” khách hàng. Thể loại: Phản ánh; Tác giả: Nhóm PV - Báo Giao thông.

- Tác phẩm: Có một nghị quyết của Đảng khơi dậy sức dân. Thể loại: Phản ánh; Tác giả: Thế Phương, Trịnh Lan - Báo Bắc Giang.

- Tác phẩm: Kỳ tích ở “siêu” dự án sân bay Long Thành. Thể loại: Phản ánh; Tác giả Phạm Tùng - Báo Đồng Nai.

- Tác phẩm: Giao thông đi trước mở đường. Thể loại: Longform; Tác giả: Việt Hà, Trà My - Báo Phú Thọ.

- Tác phẩm: Gỡ nút thắt giải ngân vốn đầu tư công. Thể loại: Phản ánh: Tác giả Hồ Quang Phương, Đỗ Mạnh Hưng, Vũ Thị Dung - Báo Quân đội nhân dân.

- Tác phẩm: Cần xốc lại việc thực hiện Nghị định 100. Thể loại: Phản ánh; Tác giả: Nguyễn Thị Hạnh (Trí Nhân, Ánh Dương) - Báo Tuổi trẻ Thủ đô.

- Tác phẩm: Phá thế độc đạo cho hạ tầng giao thông miền núi Quảng Trị. Thể loại: Phản ánh; Tác giả: Phan Hoài Hương, Lâm Thanh - Báo Quảng Trị.

- Tác phẩm: Kinh nghiệm vận tải chống dịch Covid-19 thực hiện mục tiêu kép. Thể loại: Phản ánh; Tác giả: Nhóm PV - Tạp chí Giao thông.

- Tác phẩm: Chọn đường sắt hay sân bay. Thể loại: Phản ánh; Tác giả: Vũ Điệp - Báo Vietnamnet.

- Tác phẩm: “Khan” vật liệu xây dựng ở nhiều dự án giao thông. Thể loại: Phản ánh; Tác giả Trần Quang Hưng - Báo Nhân dân.

- Tác phẩm: Ám ảnh hàng trăm tàu bay “đắp chiếu” nằm la liệt tại Nội Bài, Tân Sơn Nhất. Thể loại: Phóng sự ảnh; Tác giả: Châu Như Quỳnh, Đỗ Linh, Tiến Tuấn - Báo Dân trí.

- Tác phẩm: Giải pháp để đường sắt không tụt hậu. Thể loại: Phản ánh; Tác giả: Đặng Tiến - Báo Lao động.

- Tác phẩm: Người phụ nữ chỉ có một tay làm nghề cắt tóc. Thể loại: Phản ánh; Tác giả: Đình Hưng - Báo Phụ nữ Việt Nam.

- Tác phẩm: Đường BOT xuống cấp nghiêm trọng sau dừng thu phí: Ai chịu trách nhiệm?. Thể loại: Phản ánh; Tác giả Lê Hữu Việt - Báo Tiền Phong.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.