Hạ tầng

25 dự án giao thông dang dở vì... đói vốn

08/08/2019, 13:44

25 dự án giao thông dang dở đang phải tạm dừng thi công, nếu không được bổ sung đủ vốn sẽ gây nguy cơ lãng phí lớn với phần vốn đã bỏ ra đầu tư.

img
Phần nền đường của dự án cải tạo, nâng cấp QL12 trên địa bàn tỉnh Điện Biên bị tàn phá nặng nề sau các đợt mưa lũ

Đường làm dang dở bị lũ tàn phá tang thương

Được khởi công xây dựng từ năm 2014 với tổng mức đầu tư 538 tỷ đồng bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, nhưng đến nay, dự án thảm tăng cường lớp bê tông nhựa mặt đường, cải tạo các đường cong có bán kính nhỏ, kiên cố hoá các công trình phòng hộ, thoát nước và chỉnh lý hướng tuyến tránh các đoạn sụt trượt trên QL12 đoạn Km102-Km 139+650, tỉnh Điện Biên (dự án nâng cấp, cải tạo QL12 đoạn Km102-Km 139+650, tỉnh Điện Biên - PV) vẫn ngổn ngang. Nhiều hạng mục thi công đang phải “đắp chiếu”, phơi sương, phơi nắng. Đặc biệt, đoạn tuyến tránh cung trượt dài khoảng 7km mới chỉ cơ bản thi công xong phần nền đường đang bị tàn phá nặng nề sau các đợt mưa lũ do phần mặt đường chưa được hoàn thiện.

Các dự án giao thông thi công dang dở cần bổ sung nguồn vốn để hoàn thành gồm: Dự án thảm tăng cường bê tông nhựa mặt đường, cải tạo các đường cong có bán kính nhỏ, kiên cố hóa các công trình phòng hộ, thoát nước và chỉnh lý hướng tuyến tránh các đoạn sụt trượt trên QL12 đoạn Km102 - Km 139+650, tỉnh Điện Biên; Dự án cải tạo nền, mặt đường và công trình đoạn Km8 - Km29 và Km40 - Km66 trên QL4A, tỉnh Lạng Sơn; Dự án đầu tư xây dựng nền mặt đường QL14C (GĐ2) đoạn qua tỉnh Gia Lai (Km 124+900 - Km 202); Dự án đầu tư QL56 - tuyến tránh TX Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; Dự án kiên cố hóa QL91 đoạn qua địa phận tỉnh An Giang…


Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Đình Giang, Giám đốc Sở GTVT Điện Biên (chủ đầu tư) cho biết, công trình buộc phải dừng thi công từ cuối năm 2017 do ngân sách Nhà nước chưa cấp bổ sung nguồn vốn còn thiếu để hoàn thiện các hạng mục, dù dự án đã có trong danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020.

Cũng theo ông Giang, sau 3 năm triển khai thi công đến khi tạm dừng, tuyến chính của dự án đã hoàn thành thảm bê tông nhựa và đưa vào khai thác được 13km, còn lại 3km chưa hoàn thiện. Trong khi đó, đoạn tuyến tránh cung trượt của dự án dài khoảng 7km từ Km120 - Km127 vẫn ở giai đoạn thi công nền đường thì phải dừng hoãn vì hết vốn.

Tính đến cuối năm 2017, dự án mới được cấp 245,5 tỷ đồng, còn thiếu khoảng 294,6 tỷ đồng để thi công hoàn thiện các hạng mục còn lại và từ đầu năm 2018 công trình không được cấp thêm bất cứ đồng vốn nào. Đặc biệt, sau gần 2 năm dự án dừng thi công, đoạn tuyến tránh cung trượt cổ Km120 - Km127 do mới chỉ cơ bản hoàn thiện nền đường nên bị mưa lũ tàn phá gây hư hỏng nghiêm trọng.

“Nền đường bị nước lũ tàn phá gây xói mòn thành những rãnh lớn, nhiều đoạn sụt trượt, sạt lở mất cả đường nhìn rất xót xa. Hơn nữa, trên tuyến, các cấu kiện đúc sẵn, nguyên vật liệu như: Đá, cát phục vụ thi công tập kết ngổn ngang, nếu tiếp tục không được bố trí vốn để thi công hoàn thiện công trình sẽ gây ra lãng phí rất lớn đối với các hạng mục đã đầu tư dang dở”, ông Giang chia sẻ và cho biết, đây là dự án có ý nghĩa rất quan trọng đối với địa phương, UBND tỉnh Điện Biên cũng đã có nhiều văn bản kiến nghị Quốc hội, Chính phủ bố trí phần vốn còn lại để dự án thiện các hạng mục dang dở, đảm bảo an toàn cho người dân đi lại.

Một dự án khác tại khu vực miền núi phía Bắc cũng rơi vào tình trạng đang thi công phải “đắp chiếu” do thiếu vốn là Dự án cải tạo nền, mặt đường, công trình đoạn Km8 - Km29 và Km40 - Km66 trên QL4A tỉnh Lạng Sơn do Sở GTVT Lạng Sơn làm chủ đầu tư. Tuy không bi đát như tuyến nâng cấp, cải tạo QL12 bởi mặt đường của QL4A đã cơ bản hoàn thành, nhưng dự án này lại đang đối diện với nguy cơ mất ATGT rất lớn, nhất là đoạn tuyến qua đèo Bông Lau giáp ranh giữa Lạng Sơn và Cao Bằng.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nghiêm Văn Hải, Giám đốc Sở GTVT Lạng Sơn nói: “Phần mặt đường của dự án trước đây tan nát, đi lại rất khó khăn, nay đã được hoàn thiện lại bằng việc thảm hai lớp bê tông nhựa. Hiện tại, trên tuyến còn khoảng 10km đoạn qua đèo Bông Lau, mặt đường mới được thảm một lớp bê tông nhựa và toàn bộ khu vực này còn thiếu hệ thống đảm bảo ATGT, hộ lan bên phía vực kéo dài 6km do hết vốn nên nhà thầu đã dừng thi công từ năm 2017, gây mất ATGT nghiêm trọng. Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 320 tỷ đồng, đến nay ngân sách Nhà nước mới cấp được 166,5 tỷ đồng, còn thiếu khoảng 160 tỷ đồng cần phải bố trí ngay để chủ đầu tư trả nợ nhà thầu và hoàn thiện các hạng mục dang dở, đưa dự án vào khai thác an toàn”.

Thẩm quyền quyết định thuộc Chính phủ

img
Trên tuyến QL12, các cấu kiện đúc sẵn, nguyên vật liệu tập kết ngổn ngang, nếu tiếp tục không được bố trí vốn để thi công hoàn thiện công trình sẽ gây ra lãng phí rất lớn đối với các hạng mục đã đầu tư dở dang

Đây chỉ là 2 trong số 25 dự án giao thông triển khai trên địa bàn 20 tỉnh, thành trên cả nước rơi vào tình trạng đang thi công thì phải dừng lại do thiếu vốn. Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Duy Lâm, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Bộ GTVT) cho biết, 25 dự án giao thông này đều nằm trong danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, để hoàn thành 25 dự án này theo quy mô được duyệt, ngân sách cần bổ sung khoảng 11.000 tỷ đồng.

Theo ông Lâm, dù đã được bố trí nguồn vốn trong kế hoạch trung hạn 2016 - 2020, nhưng trong hai năm đầu 2016 - 2017, số vốn cấp cho các dự án này rất thấp, tiền có đến đâu các chủ đầu tư làm đến đó nên nhiều dự án buộc phải tạm dừng thi công khi chưa đạt đến điểm dừng kỹ thuật.

“Hầu hết các dự án này đều đang thi công dở dang, nếu không được bố trí bổ sung vốn để tiếp tục thực hiện sẽ phải dừng giãn, những hạng mục đã đầu tư trước đó có nguy cơ hư hỏng, phải làm lại, gây ra lãng phí rất lớn phần vốn đã đầu tư. Đồng thời, kéo theo đó là những hệ lụy như mất ATGT, đi lại khó khăn, lãng phí nhân công, thiết bị thi công đã huy động trên công trường và tốn thêm kinh phí khi tái khởi động lại dự án”, ông Lâm chia sẻ và cho biết, Bộ GTVT đã nhiều lần có văn bản kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội quyết định bổ sung vốn cho 25 dự án dở dang chưa được bố trí đủ trong kế hoạch 2016 - 2020.

“Vừa qua, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, trong đó đưa ra các nguyên tắc, tiêu chí chung về việc phân bổ dự phòng chung vốn ngân sách T.Ư trong nước còn lại của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 và giao Chính phủ quyết định. Hiện, Bộ KH&ĐT đang xây dựng phương án sử dụng nguồn vốn dự phòng chung của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, trong đó có các dự án nợ đọng và những dự án giao thông dở dang phải tạm dừng thi công do thiếu vốn để trình Chính phủ xem xét, quyết định”, ông Lâm nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.