25 năm có thể là một khoảng thời gian dài của đời người, cũng có thể chỉ là một khoảnh khắc trong dòng chảy không ngừng của thiên niên kỷ. Nhưng chắc chắn, 25 năm (15/08/1995 - 15/08/2020) là một câu chuyện gắn với nhiều cột mốc đáng nhớ xuyên suốt theo hành trình 25 năm đồng hành cùng dòng khí của Xí nghiệp Khai thác các công trình khí , Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro.
Câu chuyện của thử thách và khát vọng
Vào những năm 1990, cùng với sự phát triển của ngành dầu khí, các ngành công nghiệp khác cũng được khôi phục và phát triển. Nhu cầu tiêu thụ năng lượng phục vụ sản xuất và đời sống tăng cao, dẫn đến tình trạng thiếu năng lượng, thiếu điện trầm trọng. Trong khí đó, sản lượng khai thác dầu trên mỏ Bạch Hổ ngày càng tăng, đồng nghĩa với việc toàn bộ lượng khí đồng hành tại thời điểm đó phải đốt bỏ trên các giàn khoan cố định, kèm theo đó là thách thức to lớn về nguy cơ hủy hoại môi trường, lãng phí tài nguyên quý giá của đất nước. Đến ngày 23/04/1995, Vietsovpetro khai thác đạt mốc 30 triệu tấn dầu từ mỏ Bạch Hổ và mỏ Rồng, tương đương với lượng khí đã đốt bỏ ngoài khơi khoảng 4,5 tỷ m3. Từ thực tại đó yêu cầu phải có biện pháp thu gom, xử lý khí đồng hành để tránh ô nhiễm môi trường và tránh lãng phí nguồn tài nguyên quốc gia ngày càng cấp bách.
Trong giai đoạn này, với vai trò là đơn vị chủ chốt khai thác thượng nguồn và cung cấp nguồn khí cho hệ thống dẫn khí từ bể Cửu Long về bờ và để đặt nền móng cho sự phát triển của một lĩnh vực mới trong hoạt động sản xuất của Vietsovpetro, cần có một đơn vị độc lập để quản lý và phát triển các công trình, dự án liên quan đến thu gom, xử lý và nén khí. Vì vậy, ngày 15/08/1995, Xí nghiệp khai thác các công trình khí đã được thành lập, đánh dấu một bước phát triển mới của Vietsovpetro với sự đồng hành song song của lĩnh vực dầu và khí, là tiền đề quan trọng để bảo đảm cung cấp khí về bờ cũng như cung cấp khí gaslift cho hệ thống khai thác dầu của Vietsovpetro.
Thời gian đầu thành lập có thể xem là thời kỳ đặt nền móng quan trọng về sau cho sự phát triển của XN Khí. Đây là thời kỳ chuẩn bị nhân lực cho các giàn nén khí đi vào hoạt động. Tại thời điểm này, chuyên ngành Công nghệ Khí là một lĩnh vực hoàn toàn mới ở Việt Nam. Vietsovpetro đã phải cử cán bộ sang Cộng hòa Liên bang Nga, Cộng hòa Azerbaizan và Cộng hòa Ucrain để tuyển nhân lực về nước. Ở trong nước, Trưởng phòng Cán bộ Vietsovpetro và đích thân Giám đốc XN Khí đã trực tiếp đến dự lễ bảo vệ tốt nghiệp của ĐH Bách Khoa thành phố Hồ Chí Minh và ĐH Bách Khoa Hà Nội để tuyển những sinh viên ưu tú nhất. Trong nội bộ Vietsovpetro, nguồn cán bộ, kỹ sư, thợ lành nghề được tuyển chọn chủ yếu từ XN Khai thác dầu khí và XN Cơ điện.
Trong thời kỳ đầu, những công nghệ và hệ thống thiết bị công nghệ khí đều là những thứ rất mới đối với Việt Nam nên công tác đào tạo, tập huấn (training) nhân viên vận hành được đặc biệt quan tâm. Hàng loạt các khóa training ở các nước có nền công nghiệp khí phát triển như Nga, Mỹ, Ấn Độ, Ý… dành cho cán bộ kỹ sư được tổ chức liên tục từ cuối năm 1996. Cùng thời kỳ đó, các giàn nén khí được xây lắp (hook-up) tại mỏ Bạch Hổ (giàn nén khí Nhỏ) và tại Koje Hàn Quốc (giàn nén khí Trung tâm).
Những kỹ sư, chuyên gia được gửi đi giám sát thiết kế, xây lắp và học tập tại chỗ có đến hàng chục người. Đó là những người ưu tú, có trình độ tiếng Anh tốt. Chính họ và đội ngũ chuyên gia các hãng đến từ các quốc gia có nền công nghiệp khí phát triển đã hình thành nên phong cách làm việc khoa học, chuyên nghiệp sau này cho tập thể lao động XN Khí.
Những dòng khí đầu tiên
Ngày 28/2/1997, giàn nén khí Nhỏ (GNN) nhận dòng khí đầu tiên (first gas) an toàn và sẵn sàng đi vào hoạt động. Với tư cách là công trình đầu nguồn (up-stream), GNN đã góp phần quyết định vào sự thành công ngoài mong đợi của Dự án cung cấp 2 triệu m3 khí/ngày-đêm của Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam: cung cấp 2 triệu m3 khí/ngày-đêm đảm bảo cho các nhà máy điện Bà Rịa và Phú Mỹ 2.1 vận hành ổn định, với tổng công suất gần 900MW.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận