Điều tra

Nỗi cay đắng của 3 cụ ông hàm oan giết người, 40 năm mới được xin lỗi

09/10/2019, 17:01

3 cụ ông hàm oan giết người vào năm 1980 đã được xin lỗi công khai.

img
Đại diện gia đình ông Thám và các ông Chinh, Đệ tại buổi xin lỗi công khai vì án oan

Sáng 9/10, VKSND tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức buổi xin lỗi, cải chính công khai đối với 3 cụ ông bị hàm oan tội giết người trong vụ án mạng xảy ra vào năm 1980.

Thay mặt các cơ quan tố tụng, ông Ngô Khương Tiến, Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Vĩnh Phúc đã đọc lời xin lỗi đối với ông Trần Ngọc Chinh (78 tuổi); ôngTrần Trung Thám (77 tuổi, em ruột ông Chinh, đã mất năm 1982) và ông Khổng Văn Đệ (86 tuổi, cùng trú cùng tại thôn Vạn Thắng, xã Đồng Thịnh) cùng toàn thể thân nhân của 3 cụ ông này vì các cơ quan tố tụng tỉnh Vĩnh Phú (nay tách ra 2 tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ) đã điều tra khởi tố, tạm giam oan sai.

“Chúng tôi chúc mừng ông Chinh, bà Thắm (vợ ông Thám) và ông Đệ là những người bị thiệt hại trong vụ án giết người xảy ra cách đây gần 40 năm, đồng thời cũng bày tỏ tình cảm tình cảm chân thành của chúng tôi về những lời phát biểu của các gia đình. Vì lời xin lỗi của thế hệ đi sau thay thế hệ đi trước đã được chấp nhận”, ông Tiến nói.

Trước đó, trải lòng về quá khứ đau buồn tại hội trường, ông Trần Ngọc Chinh cho biết, thời gian bị tù oan gần 3 năm đối với ông là những nỗi đắng cay, tủi nhục.

“Mang trong mình nỗi oan tày đình là kẻ giết người nhưng kêu không thấu ai. Nhiều lần tuyệt vọng, tôi đã nghĩ đến cái chết. Giờ đây, tôi vẫn còn nhớ rõ cảm giác đau thương từng trải qua. Trong khi đó, người thân gia đình chịu cảnh cha là kẻ giết người”, ông Chinh chia sẻ.

Trong cảnh bế tắc đường cùng không lối thoát, ông Chinh cho biết bản thân còn nhận thêm nỗi đau tinh thần không nguôi là em trai ông đã bị chết sau gần 3 tháng bị tạm giam. Nhân dịp đặc biệt này, ông Chinh đề nghị các cơ quan thực thi pháp luật cần phối hợp thực hiện nghiệp vụ tốt hơn, nêu cao tinh thần trách nhiệm trên cơ sở pháp luật và tình người. Để không phạm phải những sai lầm như đã xảy ra đối với ông và mọi người.

Tiếp đến, anh Trần Văn Mạnh (con ông Trần Trung Thám) nghẹn lời kể lại nỗi oan ức mà bố mình đã mang xuống mồ sâu gần 40 năm.

“Những tháng ngày cha bị bắt, mang tiếng là kẻ giết người là khoảng thời gian gia đình tôi sống trong ánh nhìn ghẻ lạnh, hắt hủi của dân làng. Đến giờ này, cha tôi đã được minh oan, công khai xin lỗi. Tôi trân trọng cảm ơn tới tất cả mọi người đã trả lại công bằng cho cha tôi, để ông ở dưới suối vàng được thanh thản ra đi”, anh Mạnh thổ lộ.

Cùng chịu chung nỗi oan này, ông Khổng Văn Hậu (con ông Đệ) tâm sự, gần 40 năm qua, án oan dành cho bố ông là bản “án tử” cho cả gia đình. Ngày ông Đệ bị bắt giam cũng là lúc bi kịch của gia đình ập đến.

“Chúng tôi phải sống trong căm hận, khinh thường của người dân vì mang danh là con, là vợ của kẻ giết người… Đến tận bây giờ, chúng tôi cũng không thể biết suốt 833 ngày bị giam giữ khi bố tôi cương quyết không nhận tội thì ông đã thật sự phải chịu đựng những điều gì trong tù”, ông Hậu nói.

Cuối buổi xin lỗi, cải chính, các bị hại trong vụ án cùng đại diện gia đình bày tỏ, việc liên ngành tư pháp tỉnh này tổ chức buổi xin lỗi, cải chính công khai minh oan cho các bị hại trong vụ án, dù muộn nhưng cũng đã trả lại công bằng cho các gia đình.

Theo hồ sơ vụ án, ngày 28/1/1980, tại thôn Vạn Thắng xảy ra vụ án ông Chu Văn Quản, Bí thư chi bộ thôn - bị sát hại. Lúc này, ông Chinh cùng nhiều người dân địa phương đã đứng ngoài theo dõi.

Đến ngày 3/3/1980, khi ông Chinh đang trồng lạc ngoài đồng thì lực lượng Công an tỉnh Vĩnh Phú cùng chủ tịch UBND xã, công an địa phương đến đọc lệnh khởi tố, bắt tạm giam ông về tội Giết người.

Chiều cùng ngày, ông bị đưa lên trại giam Phủ Đức và được xác định là kẻ chủ mưu của vụ án. Tại trại giam, ông Chinh phát hiện ngoài ông, công an còn bắt thêm em trai Trần Trung Thám và ông Khổng Văn Đệ (trú cùng thôn) và ông Nguyễn Đình Ký.

Sau đó, quá trình điều tra xác định chỉ một mình ông Nguyễn Đình Ký phạm tội giết ông Chu Văn Quản. Ngày 15/6/1983, ông Ký bị tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Phú tuyên án tù chung thân. Ngày 10/10/1982, ông Chinh được VKSND tỉnh Vĩnh Phú ra Quyết định đình cứu vì không phạm tội giết người. Sau đó, 3 người đàn ông này lần lượt được trả tự do vì không liên quan đến vụ án ông Quản bị sát hại.

Tuy nhiên, khi được trả tự do, các cơ quan tiến hành tố tụng Vĩnh Phú không hề xin lỗi hoặc cải chính công khai về việc đã hàm oan, khiến cả 3 người cùng gia đình chịu sự tủi nhục, sống trong sự kỳ thị của hàng xóm, láng giềng đến tận bây giờ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.