Thị trường

3 điểm yếu của công nghiệp hỗ trợ sản xuất ô tô Việt Nam

30/10/2018, 17:59

Phó Tổng giám đốc Toyota Việt Nam lý giải nguyên nhân công nghiệp hỗ trợ sản xuất ô tô chưa khởi sắc.

toyota-vinfast-o-to

Phó Tổng giám đốc Toyota Việt Nam trao đổi một số nội dung về công nghiệp phụ trợ ngành ô tô của Việt Nam. Ảnh: L.Th

Trao đổi bên lề “Hội thảo phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô: Tác động của chính sách, các rào cản và giải pháp”, ông Shinjiro Kajikawa, Phó Tổng giám đốc Toyota Việt Nam đã trả lời một số nội dung được dư luận quan tâm về ô tô và công nghiệp phụ trợ ô tô.

Vinfast hay Trường Hải đầu tư công nghệ mới đang ngày càng lớn mạnh, Toyota Việt Nam có chiến lược gì để cạnh tranh với các đối thủ này hay không?

Chúng tôi không biết Vinfast, Hyundai hay Trường Hải đang làm gì. Tuy nhiên chiến lược của chúng tôi là luôn luôn phải nâng cao chất lượng, cải tiến kỹ thuật đáp ứng yêu cầu của khách hàng.

Thuế nhập khẩu từ EU sẽ giảm thêm 7-9%, tới đây Toyota có tăng cường nhập khẩu thay vì lắp ráp?

Chúng tôi không bao giờ tính đến việc thu hẹp sản xuất mà sẽ tiếp tục phát triển cùng với thị trường Việt Nam. Thuế nhập khẩu từ thị trường Châu Âu giảm là câu chuyện trong tương lai nên chúng tôi sẽ theo dõi tình hình. Nguyên lý của chúng tôi là đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng và tùy theo nhu cầu của khách hàng.

Hiện nay, tỷ lệ nội địa hóa của Toyota Việt Nam là bao nhiêu?

Tỷ lệ nội địa hóa có nhiều cách tính và quan điểm khác nhau nhưng chúng tôi khẳng định luôn có kế hoạch nâng cao tỷ lệ này lên. Toyota muốn đóng góp cho Việt Nam như đã làm trước đây và sẽ đẩy mạnh trong thời gian tới.

Công ty có kế hoạch chuyển giao công nghệ, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt đang cung ứng thiết bị phụ trợ hay không?

Chúng tôi đã hỗ trợ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, có thể có thêm hỗ trợ về mặt kỹ thuật nữa. Còn kế hoạch thì chưa thể công bố.

Theo ông, làm thế nào để thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ sản xuất ô tô ở Việt Nam?

Hiện nay công nghiệp hỗ trợ sản xuất ô tô của Việt Nam gặp ba vấn đề là giá thành, chất lượng và giao hàng. Chúng tôi đang hỗ trợ nâng cao chất lượng sản xuất, tăng tính cạnh tranh của các doanh nghiệp này. Chúng tôi mong Chính phủ Việt Nam hỗ trợ để các doanh nghiệp giảm được chi phí khi đầu tư trang thiết bị cho sản xuất.

Một nguyên nhân khác khiến ngành công nghiệp này chưa phát triển được là so với Thái Lan hay Indonesia, sản lượng ô tô của Việt Nam thấp hơn và thị trường còn nhỏ. Hy vọng sau 2018, chúng ta có chính sách cạnh tranh được với xe nhập khẩu có chi phí rẻ hơn từ ASEAN tràn vào thị trường.

Xin cảm ơn ông! 

Theo số liệu vừa được công bố tại một hội thảo tại TP.HCM, cả nước có khoảng 300 doanh nghiệp (DN) thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ sản xuất ô tô. Bình quân mỗi DN lắp ráp ô tô tại VN có chưa đến 2 nhà sản xuất linh kiện phụ trợ cho mình. Hơn 90% linh kiện, phụ tùng ô tô lắp ráp hiện nay vẫn do các công ty mẹ hoặc các DN nước ngoài cung cấp. Trong khi để làm ra một chiếc ô tô, phải cần từ 30.000 - 40.000 chi tiết, linh kiện. Hơn 90% các DN cung cấp linh kiện ô tô tại VN có vốn đầu tư nước ngoài FDI. Trong khi, mới chỉ có một số DN trong nước tham gia vào mạng lưới cung ứng cho sản xuất, lắp ráp ô tô.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.