Thị trường

3 năm chưa tăng giá bán điện, EVN đề nghị được điều chỉnh kịp thời

23/09/2022, 20:50

Trước những biến động khó kiểm soát về giá nhiên liệu, tỷ giá ngoại tệ, chi phí mua điện, EVN đề nghị cho phép điều chỉnh giá điện kịp thời.

3 năm chưa tăng giá bán điện bình quân

Trước thực tế lỗ sau thuế hợp nhất trong nửa năm đầu 2022 là 16.586 tỷ đồng, tham luận tại hội thảo Kinh nghiệm quốc tế về phát triển năng lượng phục vụ các mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia, do Ủy ban Đối ngoại Quốc hội tổ chức ngày 23/9, ông Ngô Sơn Hải, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã nêu lên những khó khăn, thách thức mà ngành điện đang phải đối mặt.

Theo ông Ngô Sơn Hải, 8 tháng đầu năm 2022, tình hình sản xuất kinh doanh của EVN gặp rất nhiều khó khăn vì giá thành khâu phát điện (chiếm tỷ trọng rất lớn 82,45% trong giá thành điện thương phẩm) tăng quá cao do giá nhiên liệu và các chi phí đầu vào tăng mạnh.

Đơn cử, giá than nhập tháng 8 trung bình 417,4 USD/tấn, tăng 3,48 lần so với kế hoạch năm.

“Việc đảm bảo cân đối của EVN chịu ảnh hưởng lớn của các yếu tố đầu vào biến động khó dự báo trước như giá nhiên liệu, tỷ giá ngoại tệ, cơ cấu sản lượng điện phát, chính sách tín dụng, tiền tệ; Chi phí đầu vào của sản xuất điện tăng cao do tỷ trọng nguồn phát giá thành cao tăng (nguồn năng lượng tái tạo, nguồn than nhập khẩu, giá khí tăng rất cao... )”, ông Ngô Sơn Hải nói.

img

Ông Ngô Sơn Hải, Phó Tổng giám đốc EVN tham luận tại hội thảo

Tuy nhiên, đây là năm thứ 3 liên tiếp giá bán điện bình quân chưa được tăng kể từ tháng 3/2019.

"Mặc dù EVN đã nỗ lực cố gắng để tiết kiệm chi phí, huy động tối ưu các nguồn điện... để giảm lỗ, nhưng với các giải pháp trong nội tại EVN đã và đang thực hiện vẫn không thể bù đắp được chi phí mua điện tăng cao so với kế hoạch đầu năm", ông Hải cho hay.

Mong được điều chỉnh giá điện kịp thời

Bởi vậy, đảm bảo an ninh cung cấp điện trong những năm tới, đại diện EVN đề nghị cho phép điều chỉnh giá bán lẻ điện một cách kịp thời theo đúng quy định của Quyết định số 24 của Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở các thông số đầu vào cơ bản trong khâu phát điện tác động trực tiếp đến chi phí mua điện mà đơn vị điện lực không có khả năng kiểm soát, bao gồm giá nhiên liệu, tỷ giá ngoại tệ, cơ cấu sản lượng điện phát và chi phí mua điện trên thị trường điện.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh sản lượng điện sản xuất từ các nhà máy điện của EVN và 3 tổng công ty phát điện trực thuộc sẽ giảm dần giai đoạn 2021-2025, chỉ còn chiếm 40-45% so với tổng sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống.

img

EVN kiến nghị Chính phủ giao EVN đầu tư các dự án nguồn điện trọng điểm quốc gia, nguồn điện đa mục tiêu, lưới điện truyền tải đường trục, xương sống, cấp điện cho phụ tải, an sinh xã hội

Vì thế, EVN kiến nghị Bộ Công thương chỉ đạo các dự án nguồn điện ngoài EVN đảm bảo đúng tiến độ, vận hành ổn định.

Đề xuất có cơ chế để tư nhân đầu tư các hệ thống pin tích trữ năng lượng với quy mô công suất phù hợp (khoảng 20-25% công suất) tại các nhà máy điện gió, mặt trời cũng được đại diện EVN nhấn mạnh, nhằm duy trì vận hành công suất ổn định cho các nhà máy này, hạn chế quá tải cục bộ lưới điện.

Ngoài ra, EVN kiến nghị Chính phủ có cơ chế về thu xếp vốn và bảo lãnh vốn vay cho EVN để đầu tư các dự án nguồn, lưới điện trọng điểm theo Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia;

EVN cũng kiến nghị Chính phủ giao EVN đầu tư các dự án nguồn điện trọng điểm quốc gia, nguồn điện đa mục tiêu, lưới điện truyền tải đường trục, xương sống, cấp điện cho phụ tải, an sinh xã hội,… “Để EVN có đủ thời gian chuẩn bị và thực hiện, tăng tỷ lệ nguồn điện của EVN để đảm bảo vai trò, nhiệm vụ được giao”, ông Ngô Sơn Hải nhấn mạnh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.