Hạ tầng

“3 nhà” cùng hưởng lợi từ đổi mới bảo trì đường bộ

01/02/2017, 06:32

Năm 2013, Tổng cục Đường bộ VN thực hiện đấu thầu bảo trì đường bộ, từng tuyến đường được nghiệm thu, đánh giá...

40

“3 nhà” cùng hưởng lợi từ đổi mới bảo trì đường bộ - Ảnh minh họa

Loại bỏ cơ chế xin - cho

Xã hội hóa để đổi mới toàn diện công tác bảo trì đường bộ được Tổng cục Đường bộ quyết liệt thực hiện trong thời gian qua. Trước năm 2013, các doanh nghiệp quản lý, bảo trì đường bộ vừa làm công tác quản lý nhà nước, vừa làm nhà thầu thi công. Điều này dẫn đến sự chồng chéo giữa chức năng quản lý nhà nước và nhà thầu bảo trì. Điều nữa là các doanh nghiệp này thuộc các khu quản lý đường bộ (nay là các Cục Quản lý đường bộ) có quan hệ “cấp trên cấp dưới”, vốn bảo trì đường bộ hàng năm được thực hiện theo phương thức giao kế hoạch nên dễ nảy sinh cơ chế xin - cho dẫn tới nhiều bất cập trong công tác kiểm tra bảo trì.

Theo nội dung của “Đề án đổi mới toàn diện công tác quản lý bảo trì đường bộ” đến hết năm 2013, tổ chức đấu thầu rộng rãi đối với 11 tuyến quốc lộ năm 2014, mở rộng việc đấu thầu rộng rãi đối với ít nhất 30% số tuyến quốc lộ và từ năm 2015 trở đi, tổ chức đấu thầu rộng rãi đối với tất cả các tuyến quốc lộ. Đến hết năm 2015, Tổng cục Đường bộ đã hoàn thành đấu thầu bảo trì đường bộ trên 21 nghìn km quốc lộ.

Ông Lê Hồng Điệp, Vụ trưởng Vụ Bảo trì đường bộ (Tổng cục Đường bộ VN) cho biết: Phương thức giao kế hoạch vốn là hàng năm trên cơ sở tổng km đường doanh nghiệp quản lý và định mức tiền cho mỗi km, Nhà nước sẽ cấp vốn cho doanh nghiệp nên các doanh nghiệp coi công việc hàng năm được nhận quản lý đường là “đương nhiên”. Vì vậy, doanh nghiệp bảo trì hầu như không đầu tư, đổi mới phương tiện, dẫn đến thiết bị bảo trì lạc hậu, chi phí cho nhân công chiếm trên 60% chi phí bảo trì đường bộ, những tuyến đường duy tu đường bộ trở thành những công trường thủ công, vừa gây lãng phí kinh phí, thời gian, vừa gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, việc kiểm tra, kiểm soát về chất lượng và khối lượng bảo trì rất khó, vì không có tiêu chí cụ thể và không có chế tài xử phạt… Đây là nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng nhiều tuyến đường xuống cấp liên tục, không kịp duy tu, sửa chữa.

Từ năm 2013 đến nay, khắc phục thực tế này, Tổng cục Đường bộ VN đã đổi mới phương thức quản lý theo hình thức đấu thầu quản lý bảo trì đường bộ. Các doanh nghiệp bảo trì được cổ phần hóa, huy động nguồn lực xã hội trong bảo trì. Các doanh nghiệp muốn tham gia bảo trì đường bộ đều phải qua đấu thầu năng lực, không còn cơ chế xin - cho trước đây. Thực hiện mô hình này, Tổng cục Đường bộ VN hiện nay đóng vai người đặt hàng và tổ chức đấu thầu, còn doanh nghiệp bảo trì trở thành nhà cung cấp dịch vụ.

Thừa nhận hiệu quả của việc đổi mới công tác bảo trì, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho hay: Từ năm 2014 đến nay, công tác bảo trì đường bộ đã có sự tiến bộ rõ rệt, doanh nghiệp bảo trì đã áp dụng mạnh khoa học, kỹ thuật, máy móc hiện đại hơn. Vì thế, chất lượng mặt đường tốt lên, đảm bảo sạch đẹp, êm thuận cho người tham gia giao thông. Đường tốt thì vận tải sẽ nâng cao được năng suất phương tiện, chạy nhanh hơn, an toàn hơn.

Minh bạch, tiết kiệm vốn

Theo ông Lê Hồng Điệp, việc đổi mới công tác bảo trì đường bộ trong hơn ba năm qua thực hiện đúng tinh thần xã hội hóa những lĩnh vực mà Nhà nước không cần làm, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp giao thông không ngừng đổi mới, nâng cao năng lực. Quỹ Bảo trì đường bộ T.Ư vừa đấu thầu trên 1.480 tỷ đồng vốn bảo trì thường xuyên cho các doanh nghiệp thực hiện trong ba năm từ 2015 - 2017, tiết kiệm được trên 82 tỷ đồng cho quỹ. Ngoài ý nghĩa về mặt kinh tế, thông qua hình thức đấu thầu, các doanh nghiệp có một sân chơi bình đẳng, minh bạch vốn bảo trì, trúng thầu đến đâu làm đến đó, hạn chế được tình trạng xin - cho quản lý bảo trì đường bộ.

Tại cuộc họp mới đây của Bộ GTVT về kiểm soát nguồn vốn Quỹ Bảo trì đường bộ, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Bảo trì đường bộ T.Ư khẳng định: Từng đồng vốn thu chi của quỹ cần minh bạch, công khai để người dân biết tiền của mình đóng vào quỹ nằm ở đâu, sử dụng ra sao? Qua đấu thầu quyền bảo trì, các doanh nghiệp sẽ phát huy được hiệu quả nguồn vốn, tiết giảm chi phí cho công tác duy tu, bảo dưỡng thường xuyên. Các doanh nghiệp trúng thầu đã góp phần công khai hóa nguồn vốn đóng góp của người dân. Tới đây, các doanh nghiệp bảo trì sẽ công khai vốn bảo trì đường bộ trên truyền thông để người dân, người sử dụng phương tiện chia sẻ với Nhà nước trong việc thu phí. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.