Trả lời Báo Giao thông bên lề Hội nghị tăng cường công tác ứng phó với hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn và phòng chống thiên tai khu vực Bắc Trung Bộ, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, trước tình hình thiên tai khắc nghiệt thời gian qua, Bộ đã đưa ra 3 nhóm giải pháp để ứng phó.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, hạn hán tại 6 tỉnh khu vực Bắc miền Trung đang diễn ra khốc liệt. Có 2 yếu tố gây ra hạn, thứ nhất là diễn biến dòng chảy khu vực bị suy kiệt khi ngay từ cuối năm 2019, lưu lượng dòng chảy thấp hơn bình quân hàng năm 20 - 30%. Thứ hai là lượng mưa trong vùng 6 tháng qua thấp hơn bình quân hàng năm từ 30 - 60%, cá biệt có nơi thấp hơn 80%. Hạn hán đã ảnh hưởng tới 26.000/321.000ha lúa mùa, hè thu đã gieo cấy, trong đó một nửa bị hạn rất nặng. Nếu 1 tuần hoặc 10 ngày tới không có mưa hạn nặng sẽ lan rộng hơn.
“Mặc dù các vùng này đã có biện pháp, dự báo hạn hán, tập trung chỉ đạo sớm, tổ chức điều tiết các hệ thống hồ chứa, thủy điện... nhưng do đặc thù nên vẫn gây ra hạn 7,6% diện tích. Các địa phương cũng đã chủ động chuyển đổi hơn 6.000ha không trồng lúa trong vụ này mà chuyển sang cây màu nhưng vẫn còn 9.000ha đang chờ mưa xuống mới gieo trồng được”, ông Cường nói và cho biết, hạn vùng Bắc Trung Bộ nặng nhất trong 6 vùng kinh tế của cả nước.
Nói về các giải pháp chống hạn và giảm thiểu thiệt hại từ biến đổi khí hậu, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, tác động biến đổi khí hậu trong thời gian tới sẽ diễn ra gay gắt hơn trên tất cả các vùng miền, nhưng riêng vùng Bắc Trung Bộ hết sức khốc liệt.
Trước tình hình đó, Bộ đã đưa ra 3 nhóm giải pháp: Thứ nhất là tổng rà soát cơ cấu sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy hải sản nói chung để bố trí cây trồng vật nuôi theo hướng thích ứng. Nguyên tắc chung là giảm diện tích đất lúa ở những nơi bấp bênh, tăng cường các đối tượng thích ứng, như phát triển các loại cỏ, ngô sinh khối để tập trung cho phát triển đàn gia súc vốn rất phù hợp với vùng này; cơ cấu ngành thủy sản cho phù hợp, để diện tích lớn quá sau này dễ bị tổn thương; phát triển kinh tế lâm nghiệp khu vực sườn Tây để giảm thiểu nguy cơ cháy rừng.
Nhóm thứ 2 là tổng rà soát thiết chế hạ tầng về thủy lợi, thủy điện trên cơ sở đó, bổ sung những thiết chế mang tính chất quy mô vùng, mang tính chất công trình trọng điểm. Đặc biệt sẽ rà soát quy trình liên hồ chứa để tận dụng tài nguyên tốt nhất. Phục vụ sản xuất điện nhưng vẫn đáp ứng tưới tiêu, cắt lũ vào mùa mưa.
Nhóm thứ 3 là điều phối hệ thống thủy lợi, hệ thống sản xuất, tính toán lại làm sao để vận hành được nhuần nhuyễn, phù hợp với tái cơ cấu của vùng, trong đó có khu vực nông nghiệp, trong bối cảnh biến đổi khí hậu, đảm bảo an ninh nguồn nước như hiện nay.
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, 6 tháng đầu năm, ở khu vực Bắc Trung Bộ đã xảy ra 6 đợt nắng nóng kéo dài (đợt dài nhất là 14 ngày). Riêng Hà Tĩnh duy trì nhiệt độ cao trên 35 độ trong 26 ngày liên tục (cao nhất từ năm 1971 đến nay). Lượng mưa trong 6 tháng phổ biến từ 200 - 500mm, thấp hơn trung bình cùng kỳ từ 20 - 50%, dẫn đến thiếu hụt nhiều về lượng mưa, mực nước ao hồ sông suối thấp. Dự báo cuối năm ở khu vực này sẽ xảy ra La Nina với xác suất khoảng 60%. Bên cạnh đó, khả năng sẽ có từ 9 - 11 cơn bão đổ bộ vào Việt Nam, trong đó khu vực Bắc Trung Bộ là vùng trọng điểm của bão và áp thấp nhiệt đới.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận