Vận tải

3 tàu biển Việt Nam bị lưu giữ tại cảng biển nước ngoài

21/02/2020, 13:31

3 tàu biển của Việt Nam đã bị lưu giữ tại cảng biển Trung Quốc, Nhật Bản do mắc nhiều khiếm khuyết kỹ thuật trong tháng 1/2020.

img
Nhiều tàu biển Việt Nam vẫn bị cơ quan chuyên ngành các cảng nước ngoài phát hiện khiếm khuyết và lưu giữ - Ảnh minh họa

Đại diện Phòng An toàn - An ninh hàng hải, Cục Hàng hải VN cho biết, trong tháng 1/2020, 3 tàu biển thuộc đội tàu Việt Nam, gồm: tàu Sao Mai 36, tàu PVT Aroma, tàu Viễn Đông 3 đã bị lưu giữ tại một số cảng nước ngoài vì chưa đáp ứng đủ yêu cầu kỹ thuật khi vận hành tàu.

Cụ thể, tàu Sao Mai 36 (số phân cấp: VR011752/ Số IMO: IMO9023938) thuộc Công ty TNHH vận tải biển Sao Mai bị lưu giữ tại cảng Qinzhao (Trung Quốc) do mắc phải 12 khiếm khuyết. Một số khiếm khuyết lớn như: phao cứu sinh trên tàu không được chứng nhận và không có đèn; Hải đồ cho chuyến đi không đầy đủ và không được cập nhật; AIS bị lỗi; Bình cứu hỏa không được kiểm tra và bảo dưỡng định kỳ,…

Tàu PVT Aroma (số phân cấp VR084177/số IMO: IMO9334480) thuộc Công ty cổ phần vận tải dầu khí Hà Nội bị lưu giữ tại Cảng Hạ Môn (Trung Quốc) do mắc phải 10 khiếm khuyết. Trong đó, một số khiếm khuyết lớn như: Kế hoạch hành trình từ cảng Hongkong tới cảng Hạ Môn không có thông tin vị trí tàu và phương thức định vị; Hệ thống báo động mức dầu thấp của máy lái bị trục trặc; Đường ống cứu hỏa chính bị rò nước,…

Tàu Viễn Đông 3 (số phân cấp VR042209/ số IMO: IMO9318670) thuộc Công ty CP vận tải và thuê tàu biển Việt Nam bị lưu giữ tại cảng biển Aichi, Nhật Bản do mắc phải 10 khiếm khuyết như: Không có hải đồ chi tiết của cảng; kế hoạch chạy tàu không an toàn,…

Theo đại diện Cục Hàng hải VN, các tàu bị lưu giữ sẽ phải đậu lại cảng nước sở tại để sửa chữa, thay thế trang thiết bị. Sau khi kiểm tra đạt yêu cầu thì tàu đó mới được phép rời cảng. Việc sửa chữa sẽ phát sinh chi phí cho chủ tàu do phải mua thiết bị, thuê nhân công nước sở tại với giá cao.

“Nếu tỷ lệ bị bắt giữ tăng cao sẽ khiến đội tàu Việt Nam rơi vào “danh sách đen” của Tokyo MoU. Khi đó, đội tàu của nước ta sẽ thường xuyên bị chú ý, kiểm tra ngặt nghèo, khả năng bị lưu giữ cao, ảnh hưởng tới lịch vận tải và hàng hóa. Chủ tàu đối mặt với nguy cơ bị chủ hàng phạt nặng, gây tốn kém thời gian, kinh phí bảo lãnh”, đại diện này nói và cho biết, trước nguy cơ đó, Cục Hàng hải VN đã tăng cường các biện pháp kiểm soát, đưa đội tàu Việt Nam nằm trong danh sách an toàn.

“Cục đã kiểm soát chặt chẽ quá trình đăng kiểm chất lượng tàu biển đóng mới và thường xuyên kiểm tra đột xuất tàu đang khai thác, hoạt động quốc tế, hậu kiểm sau khi kiểm tra định kỳ.

Ngoài ra, đội tàu biển Việt Nam trước khi rời cảng đều được các đơn vị chuyên ngành kiểm tra nghiêm ngặt theo thỏa thuận Tokyo - MoU và hợp tác quốc tế với các nước như: Liên bang Nga, Hồng Kông, New Zealand, Nhật Bản, Hàn Quốc… Các giải pháp trên đã giúp đội tàu biển Việt Nam được các hãng vận tải quốc tế nhìn nhận an toàn hơn, ít bị chính quyền cảng kiểm tra hơn”, đại diện Cục Hàng hải VN cho hay.

Trước đó, theo báo cáo của Cục Hàng hải VN, tính đến hết ngày 15/12/2019, có 975 lượt tàu biển Việt Nam bị kiểm tra (giảm 80 lượt tàu so với năm 2018). Trong đó, 743 lượt tàu biển bị kiểm tra lần đầu, phát hiện hơn 2.700 khiếm khuyết liên quan đến 617 lượt tàu, lưu giữ 39 lượt tàu (tăng 14 lượt so với năm 2018), tỷ lệ lưu giữ là 5,25%. Với kết quả này, đội tàu biển Việt Nam năm thứ 5 liên tiếp nằm trong danh sách trắng của tổ chức Tokyo MoU.

Tính đến tháng 12/2019, đội tàu biển Việt Nam có 1.507 tàu (trong đó tàu vận tải hàng hóa là 1.047 tàu), với tổng dung tích 4,65 triệu GT và tổng trọng tải khoảng 7,55 triệu DWT, đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN (sau Singapore, Indonesia, Malaysia) và thứ 29 trên thế giới (Số liệu của Diễn đàn Thương mại và phát triển Liên Hiệp quốc)

"Hiện, Cục Đăng kiểm Việt Nam tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Cục Hàng hải Việt Nam thực hiện Quyết định số 3411/QĐ-BGTVT ngày 01/11/2016 của Bộ trưởng Bộ GTVT phê duyệt Đề án "Duy trì đội tàu biển Việt Nam trong Danh sách trắng - xám của Tokyo - Mou" với các giải pháp ngắn hạn và dài hạn. Cục ĐKVN cử đăng kiểm viên thực hiện giám sát các tàu bị lưu giữ khắc phục các khiếm khuyết về an toàn, an ninh hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường. Cương quyết thu hồi giấy chứng nhận hoạt động tuyến quốc tế của các tàu này đến khi khắc phục thỏa mãn các quy định.

Cục ĐKVN tiếp tục kiểm soát chặt chẽ quá trình đăng kiểm chất lượng tàu biển đóng mới và thường xuyên kiểm tra đột xuất tàu đang khai thác, hoạt động quốc tế, hậu kiểm sau khi kiểm tra trên đà, định kỳ đối với các tàu hoạt động tuyến quốc tế.

Từ kết quả phân tích các khiếm khuyết phát hiện trong năm 2019, Cục ĐKVN tiếp tục chỉ đạo kiểm tra tăng cường trạng thái kỹ thuật các tàu biển Việt Nam trong năm 2020 tập trung vào các nhóm các khiếm khuyết dẫn đến lưu giữ bao gồm: an toàn chống cháy, an toàn hành hải, an toàn cứu sinh, các hệ thống sử dụng trong trường hợp sự cố, tình trạng kín nước và kín thời tiết của tàu, hệ thống quản lý an toàn."

Phạm Hải Bằng - Trưởng Phòng Tầu biển Cục Đăng kiểm VN

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.