Y tế

3 trẻ em ở Nghệ An bị nhiễm "vi khuẩn ăn thịt người"

15/09/2019, 11:27

Trong 2 tháng ở Nghệ An phát hiện 3 ca dương tính với "vi khuẩn ăn thịt người" với biểu hiện áp xe viêm tuyến nước bọt mang tai.

img
Các bệnh nhi mắc bệnh truyền nhiễm "vi khuẩn ăn thịt người"

Sáng 15/9, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết, hiện đang điều trị cho 3 bệnh nhi bị nhiễm “vi khuẩn ăn thịt người” Burkholderia pseudomalle hay còn gọi là bệnh Whitmore - bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm.

Theo thống kê, từ tháng 7- 9/2019, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An đã tiếp nhận và điều trị cho 3 trường hợp mắc chứng bệnh Whitmore gồm cháu: Nghiêm Thanh Tuấn (14 tuổi, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh); Hoàng Văn Cao (10 tuổi, huyện Thanh Chương, Nghệ An) và Nguyễn Công Hào (11 tuổi, huyện Yên Thành, Nghệ An).

Bác sĩ Nguyễn Thị Huyền Ngân, Khoa Tai Mũi họng - Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An) cho biết, cả 3 bệnh nhi khi đến viện đều trong tình trạng bệnh cảnh áp xe viêm tuyến nước bọt màng tai. Gia đình cho biết, cứ nghĩ con bị quai bị nên tự điều trị, nhưng mấy hôm thấy không đỡ, gia đình mới đưa con đến BV. Vì vậy, các bé nhập viện tình trạng đã nặng. Tại BV, các bác sĩ cấy mủ, xét nghiệm máu thì phát hiện dương tính với whitmore.

“Bệnh Whitmore là một bệnh lây nhiễm gây ra bởi vi khuẩn Gram âm Burkholderia pseudomallei gây bệnh cảnh nhiễm trùng máu. Bệnh không có triệu chứng rõ ràng và dễ nhầm lẫn với nhiều bệnh khác, nhưng có thể gây tử vong nhanh chóng. Tỷ lệ tử vong của bệnh Whitmore có thể lên đến 50 - 60%”, bác sĩ Ngân cho biết thêm.

Đáng lưu ý, các triệu chứng lâm sàng của bệnh cũng rất mơ hồ, chẩn đoán rất khó nên dễ bị chẩn đoán nhầm sang các bệnh viêm phổi, nhiễm khuẩn da mô mềm, nhiễm khuẩn xương khớp, nhiễm khuẩn huyết do tụ cầu, liên cầu...

Ngay cả khi được khẳng định chẩn đoán bệnh Whitmore, việc điều trị cũng hết sức khó khăn. Bệnh nhân thường phải dùng kháng sinh tấn công liều cao tĩnh mạch kéo dài liên tục trong ít nhất khoảng 2-4 tuần, sau đó dùng kháng sinh duy trì khoảng từ 3 đến 6 tháng.

Hiện nay, bệnh Whitmore không có vaccine và không phương pháp phòng bệnh đặc hiệu, trong khi bệnh lại dễ bị lây nhiễm khi tiếp xúc với các vi khuẩn mang bệnh qua da trầy xước, đường hô hấp, ăn uống.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.