Chất lượng sống

30% dân số Việt Nam rối loạn tâm thần

05/04/2017, 11:18

Con số này được đưa ra tại hội thảo truyền thông với chủ đề “Trầm cảm - Hãy cùng trò chuyện”...

26

Căng thẳng quá nhiều dễ dẫn tới chứng rối loạn tâm thần

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, chỉ tính riêng năm 2010, trên thế giới có gần 300 triệu người mắc trầm cảm (chiếm 4,3% dân số toàn cầu). Trầm cảm có thể xảy ra ở nhiều lứa tuổi nhưng phổ biến nhất ở độ tuổi từ 18-45, phụ nữ nhiều hơn nam giới.

Tại Việt Nam, thống kê của Viện Sức khỏe tâm thần T.Ư cho biết, hiện có khoảng 30% dân số mắc rối loạn tâm thần, trong đó tỷ lệ trầm cảm chiếm 25%. Tính riêng trong năm 2016, Viện Sức khỏe tâm thần khám và điều trị ngoại trú cho hơn 18 nghìn lượt bệnh nhân trầm cảm; Điều trị nội trú gần 500 lượt bệnh nhân. Trung bình, mỗi ngày có 50 bệnh nhân đến khám và điều trị về trầm cảm tại Viện Sức khỏe tâm thần. Mỗi năm, số người tự sát do trầm cảm ở nước ta từ 36.000 - 40.000 người. Nghiên cứu mới nhất tại Viện Sức khỏe tâm thần năm 2016 ở những bệnh nhân từ 45 tuổi bị trầm cảm cho thấy, 36,5% bệnh nhân có ý tưởng hoặc hành vi tự sát. Đa số tự sát do bệnh nhân cảm thấy mình vô dụng, tội lỗi, không xứng đáng sống. Phần lớn các trường hợp trầm cảm có khuynh hướng trở thành mạn tính và tái diễn cũng như phục hồi không hoàn toàn giữa các giai đoạn.

BS. Nguyễn Doãn Phương, Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần cho biết, phần lớn bệnh nhân trầm cảm đều không được nhận biết và điều trị sớm, nhiều trường hợp còn bị kỳ thị hoặc biểu hiện bằng các triệu chứng cơ thể nên đến khám tại các chuyên khoa khác trước khi đến khám tại chuyên khoa tâm thần. Vấn đề khó khăn khác là thời gian điều trị trầm cảm cần phải kéo dài, việc dùng liệu pháp hóa dược đôi khi có thể có tác dụng không mong muốn, bản thân bệnh nhân và gia đình người bệnh không tuân thủ, bỏ điều trị. Có tới 80% bệnh trầm cảm chưa được điều trị đúng.

Trong thực tế điều trị, hơn 50% bệnh nhân có nguy cơ tái diễn sau cơn thứ nhất, tỉ lệ này tăng dần lên đến 70% sau cơn tái diễn thứ 2 và sau cơn tái diễn thứ 3 là 90%.

Cũng theo ông Phương, một số hoàn cảnh dễ khiến con người rơi vào nguy cơ trầm cảm như: Gặp các cú sốc trong cuộc sống, mất mát người thân; Ly dị, sống độc thân; Tiền sử gia đình có người bị trầm cảm; Lạm dụng rượu và các chất ma túy; Thay đổi môi trường sống, thay đổi công việc… Đặc biệt, phụ nữ có nguy cơ mắc trầm cảm nhiều hơn nam giới 2 lần, nhất là trong các giai đoạn như: Thay đổi hormon ở lứa tuổi dậy thì, trong chu kỳ kinh nguyệt, giai đoạn mang thai, bị sảy thai, giai đoạn mãn kinh có thể làm tăng nguy cơ trầm cảm.

“Trầm cảm là một rối loạn rất phổ biến trong dân số, nhưng chỉ có tỉ lệ thấp được phát hiện và điều trị theo đúng chuyên khoa. Tuy nhiên, rối loạn trầm cảm là rối loạn có thể chữa được, nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời với sự hợp tác tốt của người bệnh, gia đình và cộng đồng sẽ giúp bệnh nhân ổn định và tái hòa nhập với xã hội”, ông Phương nhấn mạnh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.