Giáo dục

30 năm đứng trên bục giảng, cô giáo về hưu mở lớp miễn phí dạy trò nghèo

19/11/2022, 13:05

7 năm qua, cô Vương Thị Hoài Thanh (ở xã Nghi Thái, Nghi Lộc, Nghệ An) vẫn âm thầm dạy học miễn phí cho nhiều lứa học trò nghèo.

Tuổi thơ gian khổ

6h tối, khi mọi nhà đang quây quần chuẩn bị bữa ăn tối thì trong ngôi nhà nhỏ vẫn râm ran tiếng trẻ học bài. Gần chục bộ bàn ghế được xếp ngay ngắn giữa sân nhà.

Trên bục giảng, một cô giáo tóc đã ngả màu hoa râm đang cùng với các em học sinh đang miệt mài ôn luyện. Học sinh ở đây phần lớn là những em có hoàn cảnh khó khăn nhưng giàu nghị lực và đam mê học tập.

img

Lớp học của cô Thanh

Lớp học đó là của cô Vương Thị Hoài Thanh (63 tuổi, ở xã Nghi Thái, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An).

Cô Thanh là con thứ 3 trong gia đình có 8 anh chị em ở vùng quê nghèo của xã Nghi Thái. Nhà nghèo, đông con, bữa cơm hàng ngày hơn phần là độn thêm khoai, sắn nhưng bố mẹ cô Thanh luôn động viên và hướng con cái ăn học để thoát ly bằng con chữ. Nhận thức được điều đó, cả 8 anh chị em đều chăm ngoan, học giỏi.

Riêng với cô Thanh, ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, cô đã mơ ước được vào Khoa Ngôn ngữ, Đại học Tổng hợp Hà Nội. Thế nhưng, duyên số lại đưa đẩy cô đến với nghiệp cầm phấn.

Sau nhiều năm theo học tại Khoa Sư phạm, Cao đẳng Sư phạm Buôn Mê Thuột, cô được phân công về công tác Sở GD&ĐT Đắk Lắk. Cũng tại đây, cô Thanh đã gặp và yêu chàng trai quê Ninh Bình là một giáo viên. Cặp vợ chồng trẻ tuy vất vả nhưng luôn hạnh phúc, tràn trề năng lượng và hoài bão. Niềm vui càng nhân lên khi cô Thanh mang bầu cháu đầu.

Năm 1987, cô Thanh xin về quê ngoại ở xã Nghi Thái, huyện Nghi Lộc để nghỉ sinh. Thế nhưng, niềm hạnh phúc chưa tày gang, hè năm 1987, chồng cô không may bị mất do TNGT.

Người phụ nữ trong kỳ sinh đẻ lại gặp chuyện đau thương, mất mát khiến cô suy sụp hoàn toàn. Nhưng nghĩ về gia đình, con gái còn bé bỏng, cô nén đau thương, vùng dậy để vừa làm mẹ, làm cha.

Vì điều kiện gia đình, năm học 1988, cô Thanh được ngành chức năng cho chuyển về dạy học tại trường THCS Nghi Thái. Nhiều năm sau đó, cô được người thân, bạn bè chắp nối với cùng một người lính Quân đoàn 3 năm xưa và có thêm 1 con trai.

Gần 30 năm đứng lớp, bằng niềm đam mê được đứng bục giảng và tình yêu học trò vô bờ bến, cô Thanh đã xây dựng cho mình được nhiều thế hệ học trò đồng đều và chất lượng.

Cô Thanh chia sẻ: Dù bản thân đã có bằng đại học, đã được đi học lớp hiệu phó, hiệu trưởng nhưng với cô, ước vọng lớn nhất là được đứng bục giảng truyền lại kiến thức và đam mê cho các em học sinh.

Có lẽ vì thế mà, cho đến khi nghỉ hưu, cô Thanh từng 16 năm liên tục là Bí thư Chi bộ; nhiều năm làm tổ trưởng tổ chuyên môn, công đoàn; là hình ảnh đẹp về một nhà giáo mẫu mực, năng lực tốt, tâm huyết với nghề, được đông đảo phụ huynh, học sinh yêu quý, các đồng nghiệp coi trọng… nhưng cô không tham gia quản lý.

img

Các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn đến với lớp của cô được miễn học phí

Với lòng yêu nghề, yêu trò và cách truyền đạt, giảng dạy được đúc rút từ sách vở, kinh nghiệm giảng dạy thực tế, cô đã mang lại nhiều thành quả tích cực cho học trò.

Kể từ khi đảm nhiệm giảng dạy môn Ngữ văn tại Trường THCS Nghi Thái, năm học nào cô cũng mang về cho nhà trường những học sinh giỏi các cấp đầy ấn tượng.

Có năm, đội học sinh giỏi Văn của trường có 5 em đi thi thì cả 5 đều đạt giải, chiếm gần hết học sinh giỏi Văn của toàn huyện. Và sau này, khi mở lớp ở nhà, có nhiều học sinh theo học ở cô đã đạt giải nhất các kỳ thi học sinh giỏi tỉnh, học sinh giỏi quốc gia…

Từ phận mình mà đau đáu với học trò nghèo

Sau gần 30 năm đứng lớp, đến đầu năm 2015, cô Thanh về nghỉ hưu theo chế độ. Thế nhưng nhiệt huyết với nghề, tình yêu với học trò vẫn chưa vơi đi. Trong lòng cô vẫn luôn đau đáu với học trò, đặc biệt là những em có hoàn cảnh khó khăn.

“Cuộc đời cô khoai sắn nuôi khôn lớn, lại trải qua nhiều đau thương mất mát. Cô không muốn các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn phải dang dở những ước mơ, hoài bão. Trong khi đó, sức khoẻ mình vẫn còn, nhiệt huyết và tình yêu học sinh vẫn còn nguyên vẹn nên cô quyết định mở lớp học ở nhà.

Sau khi nghỉ hưu, cô được mời làm cố vấn tổ Văn cho 1 trường quốc tế ở TP Vinh. Ở đây, được tiếp cận với những kiến thức, phương pháp giảng dạy mới; chứng kiến học sinh có điều kiện tốt hơn trong môi trường học tập hiện đại, cô lại càng thấy yêu, càng thương hơn những học trò có hoàn cảnh khó khăn”, cô Thanh tâm sự.

Tiếng lành đồn xa, học trò đến với cô không chỉ là ở xã Nghi Thái mà nhiều xã khác như Phúc Thọ, Nghi Xuân; thậm chí là ở TP Vinh, TX Cửa Lò cũng tìm về theo học. Trong số đó, phần đông là các em có hoàn cảnh khó khăn nhưng hiếu học.

img

Từ cuộc đời gian khổ của mình, cô Thanh càng thương những học trò nghèo

Nói rồi, cô Thanh kể, lúc đầu gia đình, nhất là các con kiên quyết ngăn cản khi biết mẹ dạy học ở nhà, mong mẹ được nghỉ ngơi. Nhưng khi nghe cô tâm sự mục đích của mình, các con lại động viên cô giữ gìn sức khoẻ để dạy được nhiều thế hệ học trò…

Đối với những học sinh không khó khăn, cô thu một phần học phí để trang trải tiền điện nước, còn với những học trò nghèo, cô dạy hoàn toàn miễn phí. Không những vậy, cô Thanh còn gom góp mua sách vở, quần áo, gạo để hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn, để các em được an tâm tới lớp.

Em Dương Thảo Linh (học sinh lớp 9, ở xã Hưng Lộc, TP Vinh) cho biết: Em theo học cô Thanh từ năm lớp 6 đến nay. Thời gian đầu, cô có thu một ít tiền học, nhưng sau khi biết hoàn cảnh, cô không thu nữa. Nhiều bạn trong lớp cũng được cô miễn tiền học như em. Bài giảng của cô cũng rất gần gũi, dễ hiểu. Em biết ơn cô rất nhiều.

Cùng lòng biết ơn, em Nguyễn Hoàng Hào (ở phường Nghi Hoà, TX Cửa Lò) xúc động: Học Văn là học làm người. Từ khi em theo học ở cô, bài học làm người đầu tiên mà em học không ở trong sách vở, mà là ở cô. Đó là bài học về tình yêu thương, giúp đỡ những người xung quanh, đặc biệt là những người có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế trong xã hội.

Khi được hỏi dự định khi nào cô sẽ nghỉ đứng lớp, cô Thanh cười thật tươi: Cô vẫn còn khoẻ, ngọn lửa đam mê với nghề vẫn đang cháy bỏng. Cô vẫn còn đứng lớp cho đến khi nào học trò không đến với cô, hoặc khi sức khoẻ không cho phép mới thôi.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.