Xã hội

30 người chết, mất tích: Yên Bái, Sơn La gồng mình trong lũ

04/08/2017, 06:34

Cơn lũ ống, lũ quét bất ngờ tràn vào hai tỉnh Yên Bái và Sơn La khiến 30 người thiệt mạng, mất tích...

5

Chiều 3/8, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trực tiếp có mặt tại Yên Bái để chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả trận lũ quét - Ảnh: Xuân Tuyến

Hơn 30 người chết, mất tích

Nằm bẹp trên giường nhà người thân với nhiều thương tích trên người, anh Lê Doãn Dũng, tổ 8, thị trấn Mù Cang Chải vẫn chưa nói nên lời bởi nỗi đau quá lớn khi cơn lũ tràn qua sáng 3/8 đã cuốn trôi mất nhà, vợ và 2 con. Khi Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái, bà Phạm Thị Thanh Trà cùng đoàn công tác ghé thăm, anh cũng chỉ mấp máy lời cảm ơn, đôi mắt như vô hồn nhìn lên trần nhà.

Có mặt tại hiện trường, trực tiếp chỉ đạo công tác tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả và thăm hỏi các gia đình nạn nhân bị ảnh hưởng bởi lũ ống, lũ quét, bà Phạm Thị Thanh Trà xót xa: “Đây là trận lũ khủng khiếp nhất ở khu vực này, gây tổn hại nặng nề. Khoảng 2 tuần nữa các cháu học sinh mới đến lớp, do vậy, đã tránh được những thiệt hại vô cùng nghiêm trọng, bởi 2 trường học bị lũ cuốn là trường nội trú”.

Trận lũ ống, lũ quét xảy ra tại huyện Mù Cang Chải lúc 5h30 ngày 3/8, diễn biến trong khoảng 20 phút, làm 15 người mất tích, đến 15h cùng ngày, lực lượng cứu hộ tìm thấy 2 người nhưng đã tử vong. Có 26 ngôi nhà bị lũ cuốn trôi, toàn bộ hệ thống cầu cống và 2 ngôi trường bị lũ cuốn phăng.

Hiện, tỉnh Yên Bái đã huy động 1.000 người tham gia tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả mưa lũ. Trong đó có khoảng 400 - 500 người tập trung ở thị trấn Mù Cang Chải để tìm kiếm người mất tích. Các lực lượng công an, quân đội, thanh niên tình nguyện... tập trung toàn lực dọn vật cản thông đường, giúp dân dọn nhà, hay chuẩn bị những bữa ăn cho người bị lũ cuốn trôi nhà cửa... là sự sẻ chia quý báu, ấm lòng trong cơn hoạn nạn.

Đến 15h19 ngày 3/8, qua thống kê ban đầu trên địa bàn huyện Mường La (Sơn La) có 140 ngôi nhà bị lũ cuốn trôi, 43 nhà bị hư hỏng nặng, 12 người mất tích, 4 người chết và 3 người bị thương. Riêng xã Nặm Păm, là xã bị thiệt hại nặng nề nhất về người và tài sản do mưa, lũ gây ra vẫn đang bị cô lập hoàn toàn. Hiện, toàn xã có 3 người chết, 8 người mất tích; hơn 70 ha diện tích lúa mùa của nhân dân trong xã vừa cấy xong đã bị vùi lấp.

Ông Hoàng Văn Chất, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La đã dẫn đầu đoàn công tác của tỉnh trực tiếp tới hiện trường của trận lũ quét tại thị trấn Ít Ong, huyện Mường La để thị sát tình hình và chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả. “Nhiệm vụ cần kíp trước mắt là nhanh chóng tìm kiếm người mất tích, di dời những hộ dân trong vùng nguy hiểm ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở và bố trí nơi ăn, chốn ở an toàn cho những hộ dân có nhà bị lũ cuốn trôi”, ông Chất chỉ đạo.

Bà Mùa Thị Sinh, Phó chủ tịch UBND huyện Mường La (Sơn La) cho biết, nhằm giảm thiểu thiệt hại về cơ sở vật chất, tài sản của nhân dân, chính quyền địa phương xã đang huy động lực lượng 4 tại chỗ gồm: Chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ để tìm kiếm, cứu nạn và khắc phục hậu quả do mưa, lũ gây ra. Bà Sinh cho biết, ước tính có khoảng 1.000 người gồm nhiều lực lượng như: Công an, quân đội, công nhân viên chức, đoàn thanh niên… của huyện Mường La đã tham gia công tác khắc phục hậu quả của trận lũ quét.

Giao thông bị thiệt hại nặng nề

Hệ thống đường giao thông nơi cơn lũ đi qua bị thiệt hại nặng nề. Tại Sơn La, mưa lũ đã cuốn trôi hai cây cầu cứng ở xã Nặm Păm, huyện Mường La khiến địa phương này gần như bị cô lập hoàn toàn; QL279D đoạn đi qua tiểu khu 5, thị trấn Ít Ong, huyện Mường La bị nước lũ nhấn chìm không thể đi lại được; nhiều tuyến đường liên thôn, liên xã, liên huyện cũng bị ngập, sạt lở khiến giao thông tê liệt hoàn toàn.

Ông Đỗ Văn Dự, Giám đốc Sở GTVT Yên Bái cho biết, mưa lũ đã khiến QL32 qua huyện này bị sụt 4 điểm taluy âm, sụt 35 điểm taluy dương với khối lượng 7.000m3; ước tính thiệt hại lên tới 2 tỷ đồng. Ông Lê Trọng Khang, Phó chủ tịch Thường trực huyện Mù Cang Chải cho biết, đường tại tổ 8, thị trấn Mù Cang Chải, nơi bị thiệt hại nặng nhất, khối lượng đất đá vùi lấp nền đường khoảng 2km, với khối lượng khoảng trên 10.000m3. Đường từ UBND xã Chế Cu Nha về các bản sạt lở nhiều đoạn đường gây ảnh hưởng giao thông, đi lại; khối lượng sạt lở khoảng trên 1.500m3. Đường từ UBND xã Chế Tạo đi Khu II, lũ cuốn trôi mất hai cầu dầm sắt, khối lượng đất đá sạt lở trên đường khoảng trên 5.000m3. Hai cống qua đường bị hỏng do sạt lở tại xã Dế Xu Phình. Hai cầu cứng của xã Lao Chải bị cuốn trôi.

“Hiện, Sở đang huy động máy móc, nhân sự nỗ lực khắc phục các đoạn đường hư hỏng, sạt lở do mưa lũ để đảm bảo giao thông”, ông Dự nói.

Ngày 3/8, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định hậu quả mưa lũ ở tỉnh Yên Bái, Sơn La rất nặng nề. Thủ tướng đã cử Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng đoàn công tác đến hiện trường để cùng địa phương chỉ đạo hỗ trợ, khắc phục hậu quả mưa lũ.

Cùng ngày, sau khi trực tiếp đến hiện trường nơi xảy ra lũ quét tại Yên Bái, thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng gửi lời thăm hỏi và chia buồn tới các gia đình, đặc biệt là các hộ dân tại huyện Mù Cang Chải có người chết, mất tích, bị thương, nhà bị cuốn trôi, sập đổ... Đoàn công tác đã hỗ trợ mỗi gia đình có người chết, mất tích 10 triệu đồng, hộ gia đình có người bị thương 5 triệu đồng. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu trước hết, phải khẩn trương tập trung tìm kiếm trong thời gian ngắn nhất những người mất tích. Nhanh chóng khắc phục hậu quả thiên tai, sửa chữa các công trình giao thông, thông tin liên lạc bảo đảm luôn thông suốt; dọn dẹp vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh; sửa chữa nhà cửa, trường học, bệnh viện, các công trình công cộng thiết yếu. Chủ động khắc phục hậu quả, bảo đảm sản xuất và sinh hoạt bình thường của người dân.

Trước mắt, tỉnh Yên Bái hỗ trợ các hộ gia đình có nhà bị sập và cuốn trôi 20 triệu đồng; hỗ trợ gia đình có người chết và mất tích 10 triệu đồng; hỗ trợ nhà hư hỏng một phần 10 triệu đồng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.