Thế giới giao thông

30 triệu tài xế xe tải Trung Quốc dọa biểu tình toàn quốc

30/06/2018, 08:32

Những tài xế xe tải Trung Quốc chật vật vì đủ loại áp lực đã “tức nước vỡ bờ” xuống đường biểu tình...

23

Tài xế xe tải làm việc 12 tiếng/ngày vẫn không đủ sống

Những tài xế xe tải Trung Quốc chật vật vì đủ loại áp lực đã “tức nước vỡ bờ” xuống đường biểu tình rầm rộ trên tất cả các tỉnh thành, đe dọa làm tê liệt ngành công nghiệp thương mại điện tử trị giá 24 nghìn tỉ nhân dân tệ của nước này.

Chật vật đêm ngày vẫn không đủ nuôi gia đình

Chủ xe tải Du Yun và phụ lái vừa hoàn thành chặng đường 1.600km đến trung tâm hàng hóa tại TP Quảng Châu, phía Nam Trung Quốc nhưng cả hai đã lo lắng cho chặng đường trở về. Chạy đua với thời gian, anh tài và phụ xe không để lãng phí một phút, lập tức bắt tay vào dỡ hàng hóa từ chiếc xe 49 tấn để chuẩn bị quay trở về.

Chuyến hàng chỉ mất hơn một ngày nhưng cả hai vẫn phải đẩy nhanh tốc độ để hạn chế những chi phí phát sinh.

Chi phí đầu tiên phải kể tới là khoản thanh toán hàng tháng của ông Du cho chiếc xe tải vừa mua 2 tháng trước để đáp ứng các tiêu chuẩn khí thải mới (trả góp trong vòng 3 năm) đã tốn tới 20.000 nhân dân tệ (tương đương 3.100 USD).

Ngoài ra, ông vẫn phải chật vật trang trải nhiều loại chi phí khác đang leo thang với giá cắt cổ. “Nhìn chung, năm ngoái, chúng tôi thường chở hàng khoảng 6 chuyến/tháng. Nhưng năm nay kinh tế kém nên chúng tôi mới chỉ đi được 2 chuyến tính đến thời điểm này”, ông Du chia sẻ.

Đây cũng là tình cảnh của khoảng 30 triệu tài xế khác trên khắp Trung Quốc.

Áp lực đổ dồn vào tài xế

Họ đang đứng trước nguy cơ “lao đầu vào bức tường” được dựng lên từ hàng loạt chi phí nhiên liệu, nợ trả góp, doanh số sụt giảm, phạt hành chính đang ở mức cao ngất, trong khi đơn đặt hàng sụt giảm, đặt ra thách thức giải quyết vấn đề lao động mới đối với giới chức.

Kể cả có đơn hàng, điều kiện lao động của tài xế cũng vô cùng khổ cực. Theo nghiên cứu do Công ty Social Sciences Academic Press công bố vào tháng 4, hầu hết tài xế xe tải Trung Quốc đều phải làm việc tới 12 giờ/ngày và hơn 70% người sở hữu xe tải không thể trang trải nổi chi phí thuê thêm một phụ lái.

Ông Wang Xianping, một tài xế 45 tuổi đến từ Hồ Bắc cho biết, thông thường một người lái xe tải có thể kiếm được khoảng 17.000 nhân dân tệ cho một chuyến chở hàng khứ hồi dài 2.500km từ Vũ Hán đến Thâm Quyến. Sau khi trừ chi phí nhiên liệu, các loại phí và khoản tiền lớn nợ xe tải, tài xế chỉ còn khoảng 5.000 nhân dân tệ/chuyến. Và số tiền này “không đủ để nuôi sống gia đình”, ông Wang nói.

Hơn hết, ông Wang cho biết, ông sống cách xa gia đình và chỉ được ngủ 4 tiếng trong mỗi chuyến đi dài 24 giờ. “Cả năm trời, tôi phải sống cách xa vợ con, chạy xe liên tục như đánh bóng mặt đường mà số tiền kiếm được không đủ để trả nợ và trang trải chi phí sống”, ông Wang than thở.

Đe dọa làm tê liệt ngành công nghiệp

Những giọt nước tràn li đã đẩy nhiều tài xế chở hàng tại Trung Quốc phải ra đường biểu thị sự bất bình tại ít nhất hơn chục địa điểm trên khắp lãnh thổ bao gồm các thành phố lớn như Thượng Hải, Trùng Khánh cũng như An Hội, Hà Nam, Sơn Đông, Sơn Tây...

Nhóm hoạt động vì quyền của người lao động Hong Kong (China Labour Bulletin) cho biết, có hàng nghìn tài xế tham gia các cuộc biểu tình thể hiện sự bức xúc.

Một số hình ảnh và video biểu tình trên mạng xã hội cho thấy nhiều tài xế xe tải cố tình đi chậm trên đường cao tốc, bóp còi, hô khẩu hiệu và treo banner thể hiện những nỗi khổ mà họ đang phải gánh chịu khi kiếm sống.

“Chúng tôi phải sống, chúng tôi phải nuôi gia đình” - các tài xế hô khẩu hiệu trong một video đăng tải trên mạng.

Nhiều nhà quan sát cho biết, nếu bức xúc của cánh tài xế xe tải không được giải quyết, hoạt động này có thể lan rộng và làm tê liệt ngành công nghiệp thương mại điện tử cũng như ngành logistics trong 2 - 3 năm tới.

Theo nhận định của chuyên gia, các cuộc biểu tình diễn ra rải rác nhưng có tổ chức hơn và khác biệt so với cách biểu tình từ nhiều thập kỷ trước. Họ kết nối với nhau qua cộng đồng mạng, di chuyển và liên lạc với nhau trên mọi nẻo đường của đất nước.

Giáo sư Pun Ngai, chuyên gia nghiên cứu về lao động Trung Quốc hàng đầu tại Đại học Hong Kong đánh giá, các tài xế đang được tổ chức tốt và nắm trong tay quyền thỏa thuận cao hơn.

“Nhà chức trách nên quan tâm và tìm giải pháp giúp đỡ họ bởi khi biểu tình lan rộng rất có thể sẽ biến thành mối đe dọa tác động đến nền kinh tế, gây ảnh hưởng tới toàn chuỗi cung ứng cũng như có tác động về mặt chính trị nếu không kiểm soát được”, ông Ngai nhận định.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.