Tâm sự

300 hộ dân Quảng Nam mòn mỏi chờ cầu

21/03/2017, 13:02

Hơn 40 năm nay, người dân thuộc 4 thôn của xã Đại Sơn (Đại Lộc, Quảng Nam) luôn ước mơ có một cây cầu...

20

Hơn 40 năm nay, chuyến đò ngang là nơi kết nối 4 thôn của xã Đại Sơn với thế giới bên ngoài

Đại Sơn là xã miền núi vùng sâu của huyện Đại Lộc. Đường lên Đại Sơn vắt vẻo dốc đèo, ôm theo triền núi. Xã có 7 thôn thì 4 thôn nằm bên kia dòng Vu Gia, tựa lưng vào núi. Bến đò Tân Đợi chính là nơi kết nối 4 thôn trên với “thế giới bên ngoài”. Chiếc đò cũ kỹ, chỉ có vài chiếc áo phao trở nên quá nhỏ bé trước dòng nước lớn. Biết nguy hiểm nhưng nhiều người “nhắm mắt” đi đò, bởi không có sự lựa chọn nào khác.

Gần trưa, từng tốp học sinh chờ đò cho buổi đến trường. “Các cháu lớp mẫu giáo, tiểu học đã có trường trong thôn. Nhưng học sinh THCS phải sang trung tâm xã để học. Ngày nào học sinh cũng phải đón đò lúc 11h mới kịp giờ học buổi chiều”, ông Sáu, người lái đò ở đây cho biết. Mỗi lượt đò, học sinh trả 2.000 đồng, tính ra “phí đò” cả tháng nhiều hơn cả học phí… Cơ cực hơn, học sinh thôn Đầu Gò - nơi được xem là “ốc đảo” của Đại Sơn, đường đến trường càng thêm khó khăn, trở ngại. Muốn tới trường, các em phải đi hai chuyến đò và đi trước giờ học chừng 2-3 tiếng. “Những ngày có lớp buổi chiều, 19h bọn em mới về đến nhà”, em Trần Thị Diễm (12 tuổi, trú thôn Đầu Gò, học sinh trường HCS Đại Sơn) nói.

Theo lãnh đạo UBND xã Đại Sơn, do cảnh đò ngang cách trở, nhiều em trong độ tuổi đến trường phải bỏ học giữa chừng, theo cha mẹ kiếm kế sinh nhai. Ông Ngô Vinh, Chủ tịch UBND xã Đại Sơn cho biết: “Thiếu cầu, chịu cảnh ngăn sông, cách đò nên địa phương rất khó phát triển kinh tế. Trái thơm Đại Sơn là đặc sản nổi tiếng khắp cả nước, nhưng cũng chịu cảnh “thăng trầm đầu ra” vì thiếu giao thông kết nối”.

Ông Nguyễn Hoài (65 tuổi, trú thôn Đồng Chàm) cho biết: “Để bán được trái thơm phải qua mấy đợt vận chuyển. Người dân thu hoạch trên rẫy, rồi thuê người đưa ra bến sông, theo đò về tới bến Tân Đợi, sau đó vận chuyển từ đò lên xe tải, vượt QL14B mới có thể về xuôi. Đường sá khó khăn, cách trở nên chi phí rất lớn. Chưa kể trái thơm trồng theo mùa, cứ đến vụ thu hoạch là lâm vào cảnh được mùa - mất giá”.

Theo thống kê của UBND xã Đại Sơn, 4 thôn bên kia sông có khoảng 300 hộ dân, gần 1.500 nhân khẩu nhưng chỉ vài chục hộ kinh tế khá, còn lại đa phần là nghèo và cận nghèo, nhà cửa tạm bợ. “Xã đã kiến nghị nhiều lần về việc đầu tư xây cầu. Đây là ước mơ bao đời của người dân, nhưng đến nay vẫn chưa có vốn triển khai”, ông Vinh nói. Lãnh đạo UBND huyện Đại Lộc cho hay, địa phương từng tính đến phương án xây cầu treo nhưng không khả thi, bởi lòng sông ở khu vực này có khẩu độ rất lớn và dễ quá tải trước nhu cầu đi lại của người dân. Tại đợt khảo sát mới đây của HĐND tỉnh Quảng Nam, Sở GTVT tỉnh đưa hai phương án xây cầu bê tông cốt thép, với tổng mức đầu tư 55-70 tỷ đồng (tùy phương án). “Địa phương quyết tâm xây cầu sớm để bà con đi lại thuận lợi, phát triển kinh tế”, ông Đoàn Ngọc Quang, Phó chủ tịch UBND huyện Đại Lộc cho biết.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.