Đô thị

300 nghìn tỷ có giúp giảm kẹt xe, ngập nước ở thành phố Thủ Đức?

14/12/2020, 10:00

Để phát triển hạ tầng giao thông TP. Thủ Đức theo hướng đô thị thông minh trong 10 năm tới, TP.HCM dự kiến đầu tư khu vực này 300.000 tỷ đồng.

img

Xa lộ Hà Nội kẹt xe kéo dài, xe container lấn sang làn xe máy

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, trước hết ngành chức năng thành phố phải làm tốt khâu quy hoạch.

Ám ảnh kẹt xe như cơm bữa

Những ngày cuối năm, theo ghi nhận của PV Báo Giao thông, tình trạng kẹt xe trở nên căng thẳng hơn ở các tuyến đường trên địa bàn Q.9 và Thủ Đức. Phương tiện đông, xe di chuyển chậm, kẹt xe kéo dài khiến người đi đường ngán ngẩm.

Trên Xa lộ Hà Nội, đoạn từ ngã tư RMK đến cầu vượt Rạch Chiếc là một ví dụ. Những lúc kẹt xe, giao thông nơi đây hỗn loạn, xe máy len lỏi nhích vào làn xe container để vượt thoát đám đông trong khi container lấn sang làn xe máy làm tăng nguy cơ TNGT.

Anh Nguyễn Văn Hoàng hàng ngày đi làm qua đường Xa lộ Hà Nội, bức xúc: “Đường này kẹt xe kinh niên, không ngày nào không kẹt. Từ ngã tư Thủ Đức đến ngã tư RMK chỉ vài cây số nhưng phải mất cả giờ tôi mới vượt qua được”.

Đáng chú ý, tại ngã ba đường Đình Phong Phú và Lê Văn Việt (Q.9) vốn là nút giao quan trọng hướng ra ngã tư Thủ Đức, Khu công nghệ cao, xe đông nhưng đường quá hẹp khiến kẹt xe diễn ra hàng giờ mỗi ngày. Không chỉ kẹt xe, khi trời chỉ mưa nhẹ thì tuyến đường này cũng ngập như sông.

Ngoài ra, đường Đỗ Xuân Hợp đoạn giao với đường Tây Hòa (Q.9) hay đường Tô Ngọc Vân đoạn giao cắt với đường sắt (Q.Thủ Đức) cũng trở thành nỗi ám ảnh của người dân bởi kẹt xe và ngập nước. Đây là những điểm thường xuyên kẹt xe và gần đây tình trạng kẹt xe trầm trọng hơn khi lượng phương tiện ngày càng tăng.

Cần quy hoạch lại hạ tầng giao thông

Theo Sở GTVT TP.HCM, để phát triển hạ tầng giao thông phía Đông Sài Gòn, gồm Q.2, Q.9 và Thủ Đức theo hướng đô thị thông minh trong 10 năm tới, TP.HCM dự kiến đầu tư 300.000 tỷ đồng.

Theo đó, 4 nhóm giải pháp trọng tâm cần tập trung triển khai gồm: Đô thị thông minh; đầu tư hạ tầng; vận tải hành khách công cộng và phát triển mạng lưới giao thông thủy để điều hướng các hành lang kênh rạch lớn, kết nối các mạng lưới sông lớn.

Cụ thể, TP. Thủ Đức đến năm 2030 sẽ hướng tới hình thành hệ thống giao thông thông minh hiện đại, thông qua việc đầu tư hệ thống camera giám sát giao thông thông minh; đèn tín hiệu giao thông; thu thập, phân tích dữ liệu giao thông ứng dụng trí tuệ nhân tạo và triển khai số hóa cơ sở dữ liệu kết cấu hạ tầng giao thông.

Đặc biệt, ở TP. Thủ Đức sẽ có những đoạn đường thí nghiệm xe tự lái thuộc kế hoạch của Khu đô thị tương tác cao phía Đông. Về tổng thể, TP Thủ Đức sẽ vừa phát triển giao thông lớn, giao thông ngắn hạn; quy hoạch khoảng cách nơi ở - làm việc - giải trí. Cùng với đó, phát triển đồng bộ trường học và các cơ sở y tế…

Theo KTS Ngô Viết Nam Sơn, hiện nay hạ tầng giao thông ở Q.9, Thủ Đức đang cắt quy hoạch ra làm nhiều mảng, nhiều tuyến đường thắt cổ chai, tình trạng kẹt xe, ngập nước trở thành vấn nạn nhiều năm.

Do vậy, việc quy hoạch lại hạ tầng giao thông ở khu Đông Sài Gòn là cần thiết. Khu vực này có sẵn các tuyến đường, công trình trọng điểm như Xa lộ Hà Nội, Đại lộ Đông Tây, các tuyến metro… Khi 3 quận hợp lại thành một khối thì cần phải có đồ án quy hoạch rõ ràng, cụ thể.

“Điều quan trọng nhất là cảng Cát Lái còn giữ ở lại hay dời đi? Nếu không tính kỹ đường vận chuyển hàng hóa cho container sẽ tạo sự ngăn cách, chia cắt TP phía Đông làm nhiều mảnh”, KTS Sơn phân tích và cho rằng cần nghiên cứu kỹ lưỡng, nếu không giao thông sẽ trở thành điểm nghẽn khiến TP Thủ Đức trong tương lai rất khó thu hút các nhà đầu tư.

TS. Huỳnh Thế Du, giảng viên Đại học Fulbright VN cho rằng, để thành phố phía Đông có thể bứt phá, cần rất nhiều yếu tố mà quan trọng nhất là được áp dụng cơ chế đặc thù phù hợp. Có thể ưu tiên cho đô thị này giữ lại nguồn thu ở mức tỷ lệ tối đa, thậm chí giữ lại toàn bộ nguồn thu trong 10 - 20 năm đầu để đầu tư cho phát triển, đặc biệt là hoàn thiện cơ sở hạ tầng.

“Với cơ sở hạ tầng sẵn có, TP. Thủ Đức trong tương lai cần có quy hoạch cụ thể, đầu tư khép kín đường Vành đai 2, Vành đai 3; kết nối các khu chức năng hoàn chỉnh mạng lưới đường liên khu vực như Lã Xuân Oai, Nguyễn Duy Trinh, đường liên cảng…

Đồng thời, cải tạo các nút giao thông chính để chống ùn tắc như nút giao An Phú, Mỹ Thủy, Thủ Đức...”, TS. Huỳnh Thế Du nêu ý kiến.

Trong khi đó, theo PGS.TS. Nguyễn Bá Hoàng, Phó hiệu trưởng phụ trách trường Đại học GTVT TP.HCM, khu vực thành phố phía Đông được đầu tư tuyến vận tải công cộng lớn như Metro số 1.

“Tương lai, những tuyến vận tải công cộng vận chuyển khối lượng lớn sẽ giải tỏa áp lực kẹt xe khu vực. Ngoài ra, khu vực này cũng ưu tiên phát triển mạng lưới giao thông thủy.

Do đó, cần hoàn chỉnh đầu tư giao thông đường bộ kết nối hạ tầng với hệ thống cảng biển Cát Lái trên sông Đồng Nai để khai thác tối đa năng lực hàng hóa xuất nhập khẩu thông qua cảng”, ông Hoàng nói.

Giao thông TP. Thủ Đức sẽ tốt nhất TP.HCM

Sau khi Thường vụ Quốc hội đồng ý thành lập TP Thủ Đức, TP.HCM sẽ có nghị quyết về vấn đề này với kế hoạch cụ thể để tháng 7/2021 triển khai. Qua đó, thành phố sẽ có lộ trình giải quyết vấn đề về trụ sở các cơ quan hành chính, cán bộ dôi dư sau sáp nhập để thành lập TP Thủ Đức.

Mới đây, trong một lần trả lời cử tri quận 9, ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM khẳng định: TP. Thủ Đức trong tương lai sẽ là nơi có hệ thống giao thông tốt nhất TP.HCM.

Hiện, khu vực này có lợi thế với cảng vận tải hàng hóa lớn nhất phía Nam, tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên, sân bay ở cả 2 phía (Tân Sơn Nhất ở TP.HCM và Long Thành ở Đồng Nai đang triển khai).

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.