Điều tra

Thu 300 triệu/lốt xe cửa khẩu: Những mắt xích nào có trách nhiệm liên quan?

18/01/2022, 06:30

Các “nhà luật” sẽ không thể tự tung tự tác để ngang nhiên thu tiền của lái xe và chủ hàng, nếu không có sự dung túng và tiếp tay của cán bộ.

Với những quy định kiểm soát nghiêm ngặt tại cửa khẩu, rất khó để một vài cá nhân có thể tác động. Điều đó khiến dư luận nghi ngờ 2 cán bộ Đội Trật tự đô thị huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn vừa bị bắt chỉ là một mắt xích trong cả đường dây.

Vậy, quy trình quản lý xe xuất khẩu nông sản tại cửa khẩu Lạng Sơn ra sao và liệu tiêu cực có thể xảy ra ở khâu nào?

img

Những lực lượng nào chịu trách nhiệm quản lý?

Theo Phòng CSGT Công an tỉnh Lạng Sơn, ngay khi đến Lạng Sơn, các xe xuất, nhập khẩu hàng hóa đi theo QL1A dừng tại Bến xe huyện Hữu Lũng khai báo y tế, xét nghiệm Covid-19.

Các xe đi theo cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn dừng khai báo y tế, xét nghiệm Covid-19 tại huyện Chi Lăng, ngay khi ra khỏi đường cao tốc. Sau khi có kết quả âm tính, các xe tiếp tục được lên biên giới.

Xe vận chuyển nông sản sau đó được phân luồng theo từng cửa khẩu. Với xe đến Cửa khẩu Tân Thanh được phân luồng đến khu vực phi thuế quan và một số bến, bãi do Đồn Biên phòng Cửa khẩu Tân Thanh và Đồn Biên phòng Cửa khẩu Cốc Nam quản lý, sắp xếp, điều tiết.

Các tài xế ăn, nghỉ tại xe, tùy vào tình hình, lưu lượng thông quan hàng hóa mỗi ngày tại cửa khẩu, lực lượng biên phòng điều tiết phương tiện đến làm thủ tục xuất khẩu.

Xe đến Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị được phân luồng, điều tiết đến Khu trung chuyển hàng hóa tại xã Phú Xá, huyện Cao Lộc do Công an huyện Cao Lộc quản lý, điều tiết.

Chốt trưởng và lực lượng công an quản lý toàn diện hoạt động tại bãi, Đội Trật tự đô thị huyện Cao Lộc cử 4 người chia ca hỗ trợ viết phiếu xe vào và thu phiếu các xe ra, thu các khoản phí theo quy định.

Sau khi xe xếp “lốt”, đến khu vực cửa khẩu sẽ được Đồn Biên phòng Cửa khẩu Hữu Nghị tiếp nhận, quản lý đến lúc thông quan qua cửa khẩu.

Sau khi giao phương tiện cho lái xe chuyên trách đưa sang Trung Quốc, lái xe được đưa về khu ăn, nghỉ tập trung do Công ty CP Hữu Nghị Xuân Cương và lực lượng biên phòng quản lý trong thời gian chờ thông quan.

Sau đó, việc sắp xếp “lốt” xe xuất hàng qua Trung Quốc; phương tiện và người ra, vào khu vực cửa khẩu đều được lực lượng biên phòng quản lý nghiêm ngặt.

Mặc dù quy định chặt chẽ, có nhiều lực lượng tham gia, tuy nhiên việc mua bán “lốt” xe vẫn diễn ra, với mức giá từ 200 - 300 triệu đồng. 3 người đã bị bắt, trong đó có 2 viên chức hợp đồng thuộc UBND huyện Cao Lộc.

Thiếu tá Dương Văn Vỹ, Phó Đội trưởng Đội An ninh Công an huyện Cao Lộc, người vừa được phân công làm chốt trưởng chốt kiểm dịch liên ngành cho biết: “Chúng tôi quản lý việc ăn nghỉ, phòng chống dịch cho lái xe ngay tại bãi. Tuy nhiên, mỗi ngày bao nhiêu xe được ra QL1A để lên cửa khẩu thì đều do lực lượng biên phòng quản lý, thông báo”.

Lãnh đạo Chi cục Hải quan Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị cho biết, hiện thủ tục xuất khẩu đơn giản, chỉ vài phút là có thể thông quan ngay. Tuy nhiên, xe nào xuất khẩu trước, xe nào đi sau, mỗi ngày bao nhiêu xe thì phụ thuộc vào kiểm soát của lực lượng biên phòng và lực lượng chức năng Trung Quốc.

Trao đổi với PV về trách nhiệm quản lý, sắp xếp phương tiện xuất khẩu hàng hóa tại cửa khẩu, Đại tá Trịnh Hữu Tăng, Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Lạng Sơn khẳng định: “Sau khi có chỉ đạo của tỉnh, chúng tôi đã giao cơ quan chuyên môn tại Bộ Chỉ huy phối hợp công an và các ngành để nắm tình hình. Khi nào có kết quả sẽ trao đổi sau”.

Từ các khâu và quy trình như trên, dư luận cho rằng, các “nhà luật” sẽ không thể tự tung tự tác để ngang nhiên thu tiền của lái xe và chủ hàng, nếu không có sự dung túng và tiếp tay của những cán bộ có quyền quyết định việc cho xe nào đi trước, xe nào nằm chờ. Đây là vấn đề cần được cơ quan điều tra làm rõ.

Xử nghiêm cán bộ liên quan, dù đó là ai

img

Hiện tại, các cửa khẩu Lạng Sơn vẫn tồn 1.200 xe nông sản chưa thể thông quan

Theo ghi nhận của Báo Giao thông, đến ngày 16/1, hoạt động xuất khẩu tại các cửa khẩu ở Lạng Sơn diễn ra thông thoáng.

Tính đến 20h ngày 16/1, tại Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị chỉ còn tồn 691 xe, trong đó có 399 xe tại khu trung chuyển, phần lớn vẫn là mặt hàng trái cây tươi.

Hiện, tại các cửa khẩu của Lạng Sơn còn hơn 1.200 xe tồn đọng. Riêng tại Cửa khẩu Hữu Nghị, từ ngày 14 - 16/1, trung bình mỗi ngày có 80 - 100 xe thông quan, gấp 1,5 lần so với trước đó.

Các lái xe cũng phản ánh, chi phí làm thủ tục liên quan cũng giảm 1/3 so với trước, hiện chỉ còn 7 triệu đồng. Đặc biệt, các “nhà luật” mà Báo Giao thông điểm tên đã không còn hoạt động tại đây nữa.

Chủ tịch Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu cho biết, khi Báo Giao thông phản ánh, tỉnh chỉ đạo quyết liệt, công an tỉnh đã phát hiện vi phạm, đã khởi tố vụ án và bắt tạm giam những cá nhân có liên quan. Hiện, vụ việc đang tiếp tục được điều tra mở rộng.

Khi được hỏi liệu có tồn tại một đường dây mua bán “lốt” xe hay không, ông Thiệu cho rằng cần chờ kết quả điều tra cụ thể. Quan điểm của Lạng Sơn là không có vùng cấm trong xử lý, không dung túng cho cá nhân nào, dù đó là ai.

Để ngăn ngừa sai phạm, ông Thiệu cho biết, tỉnh đã thực hiện niêm yết công khai số điện thoại đường dây nóng của lãnh đạo các cơ quan, đơn vị tại khu vực cửa khẩu và thí điểm triển khai cửa khẩu số để minh bạch thông tin.

ĐBQH Lê Thanh Vân:
Có hay không một đường dây “làm luật”?

Trong khi người dân và doanh nghiệp như ngồi trên “đống lửa” thì họ lại có hành vi táng tận lương tâm, không khác gì “ăn cả xương tủy” của nhà xe, chủ hàng.

Sự việc này khiến tôi liên tưởng đến vụ việc Công ty Việt Á đẩy giá kit xét nghiệm mà Bộ Công an đang điều tra.

Vừa qua Chính phủ, Thủ tướng và các bộ, ban, ngành liên tục họp bàn và đưa ra những quyết sách để khắc phục tình trạng ùn ứ nông sản ở các cửa khẩu biên giới phía Bắc. Ấy vậy mà, ngay tại nơi cửa khẩu lại xuất hiện tình trạng người dân phải bỏ số tiền rất lớn để “làm luật” thì mới được xuất hàng sang biên giới! Vụ việc này cần phải được điều tra mở rộng, từ đó trả lời rõ câu hỏi về việc có hay không đường dây “làm luật”, tại cửa khẩu ở Lạng Sơn?

Phùng Đô (Ghi)

Ông Trần Thanh Hải, Cục phó Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương):
Công khai việc thông quan sẽ hết tiêu cực!

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, dư luận đánh giá cao loạt bài điều tra mua bán lốt xe xuất khẩu nông sản của Báo Giao thông. “Có như thế mới bớt tình trạng làm luật đi”, ông Hải nói.

“Nếu không được báo chí phát hiện thì việc làm luật như hiện nay sẽ trở thành chuyện “đương nhiên phải chi” của các nhà xe. Nó xuất phát từ các vấn đề liên quan đến hải quan, biên phòng cho đến ban quản lý”, ông Hải nói và cho rằng cần đưa việc đăng ký thông quan lên website. Tất cả mọi người cùng giám sát về số lượng xe và số xe thông quan mỗi ngày. Hình thức này đơn giản, không có gì khó khăn.

Hồng Hạnh

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.