Thế giới

3.000 người bỏ mạng trên biển vì "giấc mơ châu Âu"

26/09/2014, 07:27

Trong 9 tháng đầu năm 2014 số người tử nạn vì "giấc mơ châu Âu" là khoảng 3.000 người, gấp gần bốn lần năm 2013.

Theo Tổ chức di trú quốc tế (IOM), số người thiệt mạng trên đường khi di cư bất hợp pháp sang châu Âu đang tăng theo cấp số nhân. Trong 9 tháng đầu năm 2014 số người tử nạn vì “giấc mơ châu Âu” là khoảng 3.000 người, gấp gần bốn lần năm 2013.

Một người di cư đang được cảnh sát biển Thổ Nhĩ Kỳ cứu hộ ngày 12/9/2014
Một người di cư đang được cảnh sát biển Thổ Nhĩ Kỳ cứu hộ ngày 12/9/2014

Nửa tháng, 700 người thiệt mạng

Chỉ riêng hai vụ đắm tàu trong nửa đầu tháng 9 đã khiến 700 người thiệt mạng. Đầu tháng 9, tại khu vực ngoài khơi Malta nối Bắc Phi với châu Âu, xảy ra vụ chìm tàu chở 500 người tị nạn, khiến 400 người mất tích. Đến nay, giới chức các nước liên quan vẫn chưa xác minh về số người thiệt mạng và nguyên nhân chìm tàu.

Thảm họa này được phác họa phần nào qua lời kể của 11 người được nhân viên cứu hộ Italia và Hy Lạp. Những người sống sót cho biết, tàu của họ bị chính những kẻ tổ chức chuyến đi người Palestine và Ai Cập cố tình đâm, bởi những người tị nạn không muốn đổi sang con tàu khác nhỏ hơn.

Frontex, cơ quan hải quan EU ước tính, năm 2013, ít nhất 72.000 người tị nạn bất hợp pháp vào châu Âu qua đường bộ và đường biển, con số thực tế khả năng còn cao hơn. Theo báo cáo “Phân tích rủi ro năm 2013” của Frontex, khoảng 51% người tị nạn chọn tuyến Đông Địa Trung Hải với lộ trình đi qua Hy Lạp, tiếp tục đi vào phía Tây Balkans bằng đường bộ cuối cùng đi phà tới Italia. Châu Âu dự kiến sẽ thành lập một lực lượng đặc nhiệm tại Địa Trung Hải và hệ thống giám sát biên giới mới để tăng cường nỗ lực ngăn chặn dòng người tị nạn.

Theo lời kể, họ bị 10 kẻ tổ chức trái phép chuyến đi ép phải chuyển tàu ba lần trong bốn ngày đầu. Đến ngày thứ năm, chúng tiếp tục yêu cầu chuyển tàu, nhưng họ không đồng ý và chúng dọa sẽ trả họ trở về Ai Cập.

“Những người tị nạn khăng khăng thà bị đưa quay trở về chứ không chuyển tàu. Lúc đó, những tay buôn lậu hét lên và ném gậy gộc vào mọi người. Tàu của chúng dần áp sát vào tàu chở người tị nạn sau đó đâm thẳng vào chiếc tàu này. Ngay lập tức chiếc tàu chìm dần, còn những kẻ buôn lậu vẫn đứng đó trơ trơ nhìn để chắc chắn chiếc tàu chìm hẳn”, IOM trích lời kể của người tị nạn sống sót.

Hamed, 16 tuổi, người Palestine, người được một tàu thương mại ngang qua cứu sống cho biết: “Khi tàu chìm, tôi và nhiều người khác không biết bơi. Chúng tôi kêu cứu thảm thiết nhưng chúng đứng nhìn chúng tôi như đang xem phim trong rạp. Tàu chở hàng trăm người chìm nghỉm, chúng bỏ đi và để lại những tiếng cười man rợ”.

Hành trình tử thần

Những người tị nạnvốn không thể chịu được cảnh sống chật vật khổ sở vì chiến tranh bom đạn tại quê nhà, quyết định ra đi tìm “giấc mơ châu Âu”. Họ chủ yếu đến từ Syria, Palestine (phần lớn từ Gaza - nơi vừa phải trải qua gần hai tháng giao tranh khiến hơn 2.200 người thiệt mạng), Ai Cập, Sudan, Libya.

Hai người Palestine sống sót cho biết, họ phải trả 2.000 USD/người cho một “văn phòng du lịch” tại Gaza. Đây là khoản tiền hỗ trợ để xây lại nhà cửa hư hỏng do giao tranh giữa Hamas và Israel. “Văn phòng du lịch” yêu cầu họ tới điểm hẹn ở Ai Cập, từ đây, được đưa đi bằng xe bus tới cảng Damietta và bắt đầu hành trình tới châu Âu.

Trên tàu, viên thuyền trưởng đếm một lượt, tổng cộng 400-450 người, kể cả những trẻ em dưới 10 tuổi. Khoảng 300 người bị đưa xuống khoang dưới của tàu, 200 người khác ngồi bên trên. Khi tàu bị đâm chìm, những người ngồi tầng dưới đều bị kẹt khó có thể thoát ra ngoài.

Những người thoát ra ngoài bám vào các vật trôi nổi, gắng gượng lênh đênh trên biển chờ người cứu. Nhưng nhiều người trong số đó không thể chịu được vì sóng to gió lớn. Dựa trên lời kể của những người sống sót, IOM tin chắc rằng, trong số những người mất tích, có khoảng 100 trẻ em.

Ngày 19/9, Cao ủy Liên hợp quốc về quyền con người Zeid Ra’ad Al Hussein lên án hành động cố tình đâm chìm tàu chở 500 người tị nạn. Đồng thời yêu cầu phải trừng phạt những kẻ phạm tội bằng mọi giá.

Ông Zeid kêu gọi Ai Cập và các nước châu Âu, Bắc Phi trong phạm vi khu vực Địa Trung Hải “phối hợp kiểm soát những kẻ buôn lậu, lợi dụng những nhóm người dễ bị tổn thương trên thế giới, gây nguy hiểm tới tính mạng của họ chỉ vì mối lợi tài chính”. Ông Zeid lên án: “Nếu lời kể của những người sống sót thực sự đúng - vụ việc này cần phải được nhìn nhận dưới góc độ một vụ giết người hàng loạt” và “những kẻ phạm tội không thể không bị trừng phạt”.

Trang Trần

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.