Tại Diễn đàn quốc gia Phát triển doanh nghiệp (DN) công nghệ Việt Nam do Bộ Thông tin và Truyền thông lần đầu tiên tổ chức tại Hà Nội, ngày 9/5 xuất hiện một slogan bằng tiếng Anh khá lạ: “Make in Vietnam”. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cắt nghĩa: “Make in Vietnam” có hàm ý rộng hơn “Made in Vietnam”, bao gồm cả sáng tạo tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam, làm ra tại Việt Nam. Đây đều là những điều Việt Nam khao khát, mong muốn. Nhưng làm thế nào để thực hiện được? Các chuyên gia chia sẻ với PV Báo Giao thông xung quanh vấn đề này.
TS. Lê Đăng Doanh, Nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế T.Ư:
Nhà nước tạo khung pháp lý, DN phải tự lớn lên
Thông điệp mà Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đưa ra nhắc nhở ta phải cải cách để cải tiến thể chế và nâng cao năng lực cạnh tranh, trong đó các DN phải mau chóng lớn lên, nâng cao trình độ hợp tác với DN đến đầu tư tại Việt Nam. Hiện nay, 94% DN của ta là nhỏ và siêu nhỏ, năng lực công nghệ thấp dưới mức thế giới.
Tôi lấy ví dụ, Công ty Samsung vừa rồi công bố 55% giá trị của điện thoại Samsung được sản xuất tại Việt Nam. Nhưng công trình nghiên cứu trường Đại học Fulbright lại cho thấy giá trị gia tăng của DN Việt Nam tham gia chỉ chiếm 18%. Phần chênh lệch này thuộc về DN Hàn Quốc theo Samsung sang Việt Nam sản xuất. Các chuyên gia Fulbright không tính phần này vào giá trị gia tăng cho Việt Nam. Nếu tính kỹ thì phần giá trị gia tăng cho Việt Nam chỉ là tiền lương lao động, bao bì, in ấn.
Nên hiện nay Chính phủ phải khuyến khích để DN có thể liên kết, lớn lên, đủ trình độ tham gia chuỗi giá trị quốc tế, phải tiến lên nền kinh tế số hóa, có năng lực hợp tác với người ta. Ví dụ như Chính phủ cho phép hợp pháp hóa chữ ký điện tử, hợp đồng điện tử, giao hàng qua mạng… Những cái đó, kể cả ngân hàng điện tử và trả tiền qua điện thoại di động, cũng cần có khung pháp lý cho DN thực hiện. Nhà nước cần nhanh chóng tạo khung pháp lý, còn DN phải tự nỗ lực lớn hơn để tham gia chuỗi giá trị, cung cấp linh kiện hợp tác với DN nước ngoài.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan:
Rút ngắn thời gian học để đi làm ở độ tuổi trẻ hơn
Ông Nguyễn Mạnh Hùng đưa ra ý tưởng đó rất tuyệt vời, nhất là khi ông ấy ở cương vị Bộ trưởng một bộ quan trọng trong thời buổi cách mạng 4.0. Điều quan trọng là hãy biến những mục tiêu đó thành chính sách cụ thể để tạo nền tảng trong thực hiện “Make in Việt Nam”, đừng để nó chỉ là một lời kêu gọi. Ví dụ, phải chuẩn bị hạ tầng như hệ thống năng lượng, hạ tầng CNTT…
Còn để đột phá thì con người, giáo dục đào tạo phải thay đổi. Không thể cứ “tầm chương trích cú” những kiến thức không cần thiết nữa vì nó phí thời gian, sức lực của giới trẻ và cũng bào mòn niềm tin của những người sử dụng lao động khi tuyển dụng ai về cũng phải đào tạo lại thì lấy sức đâu. Các nước họ đều theo xu hướng rút ngắn thời gian giáo dục tại trường để đi làm ở độ tuổi trẻ hơn. Tuổi trẻ là sức mạnh trong nền kinh tế hiện đại mà mình cứ kéo dài thời gian học những thứ vô bổ sẽ thành một sự lãng phí. Đừng nghĩ là người nước ngoài vào đây để đào tạo lại người Việt Nam. Samsung cũng vậy, họ tuyển dụng nhiều như vậy vì biết rằng hiện năng suất lao động gần như ở Hàn Quốc mà lương chỉ bằng 10% thì họ mới ở đây.
Chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh, Giám đốc Nghiên cứu Công ty Nghiên cứu thị trường VietAnalytics:
Tạo môi trường để tư nhân đầu tư vào đào tạo
Thông điệp “Make in Vietnam” được Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đưa ra rất rõ nhưng vấn đề mấu chốt của mình là không có lực lượng nhân sự có thể giúp nhanh chóng xây dựng sản phẩm đạt chuẩn mực mà các tập đoàn toàn cầu mong muốn. Những quy định hiện tại của Việt Nam về đầu tư phát triển cho các trường đào tạo kỹ thuật hay cao đẳng đều đang rất lỗi thời. Hiện một số tập đoàn tư nhân đã xây dựng được các trung tâm đào tạo kỹ thuật như VinGroup, Trường Hải (Thaco)… Họ tham gia sản xuất nên họ hiểu kỹ thuật, làm thế nào tạo ra được lực lượng lao động đáp ứng yêu cầu trình độ chuyên môn, ngôn ngữ, luật pháp… để thích ứng được.
Phải đi từ kỹ năng lao động. Để giải quyết không phải chỉ Bộ LĐ-TB&XH mà phải là từ DN, tạo cơ chế để DN nhìn nhận ra rằng đây là cơ hội mà Chính phủ tạo cho họ để đào tạo kỹ năng, tay nghề đạt chuẩn mực toàn cầu. Lực lượng lao động do VinGroup hay Thaco đào tạo không chỉ các DN này sử dụng mà còn cho cả những DN khác để phục vụ nhu cầu kinh doanh của mình. Tôi muốn nhấn mạnh vấn đề phải có lực lượng sẵn sàng, khi vào DN về cơ bản là đã có thể tham gia vào quy trình hoạt động đạt chuẩn.
Vừa rồi, một công ty con của Apple mong muốn chuyển địa điểm sản xuất đến Việt Nam nhưng khi họ thấy mình không đủ nhân lực có đủ kỹ năng để giúp họ trong 6 tháng tới 1 năm có thể bắt tay vào vận hành ngay được thì họ đã rời sang Indonesia. Các DN khác muốn vào Việt Nam cũng như vậy. Họ muốn đến là phải có sẵn lao động, trong ngắn hạn guồng máy của họ phải chạy ngay. Điều này mình không đáp ứng được.
Do đó, Chính phủ làm sao tạo ra được chính sách khuyến khích đầu tư vào mảng đào tạo kỹ thuật, rồi đến môi trường để chuyên gia đến Việt Nam sinh sống và làm việc. Môi trường ở đây không chỉ là môi trường văn hóa, kinh tế, đời sống, y tế mà còn là môi trường cho con cái họ học hành phát triển ở Việt Nam. Như vậy mới giữ được chuyên gia. Đây là điểm căn cơ nhất, nếu không “Make in Vietnam” sẽ chỉ dừng ở hô hào.
TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách:
Chất lượng nhân sự và thực thi quyền sở hữu
Nhìn vào dân số lực lượng trẻ của ta, đông nhưng trình độ đào tạo kém nên chỉ làm công việc chân tay và giá trị chất lượng thấp. Nhiều người nói mua trang thiết bị hiện đại nhưng khi không được học thì mua về làm gì? Nếu được đào tạo có trình độ thì cái máy móc hiện đại đó sẽ được sử dụng rất hiệu quả.
Hiện nay, DN Việt Nam hầu như chỉ mua đi bán lại, ít sáng tạo. Nói thế không phải DN Việt kém mà vì họ không sáng tạo vì không được bảo vệ. Đúng ra phải trả tiền trên từng sản phẩm, tiền bản quyền cho các sáng chế, phát minh như tôi nói ở trên. Ví dụ, một chiếc điện thoại giá 1.000 USD. Trong điện thoại có khoảng 500 chi tiết. Mỗi lần bán điện thoại, nhà sản xuất chỉ cần trả ví dụ là 0,1 USD cho một chi tiết có bản quyền thì khi bán 1 triệu cái điện thoại người có bản quyền của một chi tiết được trả 100 nghìn USD. Ô tô hay các sản phẩm khác cũng vậy. Như thế, người tạo ra sản phẩm mới sống được, mới tiếp tục sáng tạo được. Đất nước nào thành công trong việc phân phối đó thì sẽ phát triển.
Muốn làm được vấn đề Bộ trưởng Hùng đưa ra, tôi muốn nhấn mạnh vấn đề chất lượng nhân lực và việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Về chất lượng nhân lực thì phải cải cách lại giáo dục. Hãy tự do hóa sách giáo khoa, cho phép nhiều người tham gia viết sách. Người lựa chọn là người tiêu dùng, là các trường. Lúc đó mới tìm được trí tuệ. Còn chương trình, Bộ vẫn có thẩm quyền đưa ra chương trình khung như học sinh hết lớp 1 phải biết đọc biết viết, lớp 2 biết lịch sử… Còn làm sao dạy được cái đó là do sách giáo khoa các trường họ thực hiện. Nếu có cơ chế đó sẽ giải phóng nguồn lực khổng lồ của xã hội, thay đổi hệ thống động lực của cả xã hội.
Thứ hai là phải bảo vệ bản quyền, sở hữu trí tuệ. Người sáng tạo và được trả tiền thì họ sẽ sống được và sẽ vui với nghề, cống hiến cho xã hội. Họ làm, được ghi nhận và có tiền. Điều quan trọng hơn, sâu xa hơn là thế hệ sau nhìn vào đó, thấy nghề chụp ảnh rất hay và sống được nên sẽ thi vào và học ngành đó. Đông người thi sẽ có chọn lọc, từ đó tạo ra tầng lớp chuyên tâm chụp ảnh có chất lượng. Điều ấy cũng áp dụng cho các nghề khác như vật lý, thiên văn, kinh tế... Nhưng phải suy nghĩ dài hạn thì mới có tương lai ấy. Các nước nghèo đều nên làm như thế.
“Make in Vietnam”, theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng bao gồm 4 loại doanh nghiệp. Thứ nhất là các start-up, đòi hỏi sự sáng tạo ra cái mới đầy “bất ngờ và kinh ngạc” nhưng rất hữu dụng. Đây là điều khó và các start-up Việt còn thiếu. Thứ hai, đó là các công ty công nghệ - sẽ phải tìm cách đưa những công nghệ mà thế giới đã có sẵn để áp dụng một cách sáng tạo vào các lĩnh vực trong nước. Điều này được cho là khả thi và không khó làm. Thứ ba, đó là các doanh nghiệp đầu đàn, những doanh nghiệp công nghệ lớn mang tính dẫn dắt như FPT, CMC, VinaGame… Cuối cùng chính là các doanh nghiệp trước đây chỉ làm dịch vụ, đã gặt hái được nhiều thành công, nay rất có tiềm lực và đang chuyển hướng sang lĩnh vực công nghệ - công nghiệp.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận