Hơn 1 năm sau cơn lũ dữ ập tới hồi tháng 7/2018 cướp đi sinh mạng 8 người và làm 13 người bị thương, “rốn lũ” Văn Chấn đã phủ kín sắc xanh, cuộc sống của người dân tại khu tái định cư đã dần ổn định.
Đám cưới nơi tái định cư
Ngày đầu tháng 11, PV Báo Giao thông quay trở lại xã Sơn Lương, huyện Văn Chấn (Yên Bái), nơi trận lũ lịch sử cuối tháng 7/2018 cướp đi sinh mạng 8 người và 13 người bị thương, 15 ngôi nhà bị trôi sập hoàn toàn, hàng trăm ngôi nhà bị hư hỏng, 55 ha lúa và hoa mầu mất trắng...
Khi chúng tôi đến được bản Noong Mi, xã Lương Sơn thì trời đã nhá nhem tối. Các hộ dân mới tái định cư nơi đây đang tổ chức làm đám cưới cho anh Hà Văn Nguyện, người có bố mất trong đợt lũ kinh hoàng năm ngoái. “Hôm đó, em may mắn thoát chết là do em đến chơi nhà vợ sắp cưới nên không kịp về, nhưng cơn lũ dữ đã vùi mất bố, cuốn sạch nhà cửa, ruộng vườn...”, anh Nguyện xót xa kể lại.
Tháng 7/2018, cơn lũ đổ về huyện Văn Chấn, Yên Bái làm 8 người chết, 13 người bị thương. Có 531 hộ có nhà ở bị sập, trôi hoàn toàn, bị hư hỏng nặng và phải di dời nhà ở khẩn cấp. Hàng nghìn ha đất nông nghiệp, lâm nghiệp trồng cây lúa, cây hoa mầu bị thiệt hại.
Lũ cũng làm 4 ngầm tràn bị trôi, sập, hư hỏng nặng, 14 cầu, 33 cống qua đường tại 14 xã, kè 02 công trình; đất đá bị sạt, lở và gây ách tắc giao thông tại một số xã (trong đó đã gây sụt lở, ách tắc trong nhiều ngày tại các tuyến đường từ huyện đến trung tâm các xã Nậm Mười, Sùng Đô, An Lương).
Trận lũ dữ khiến đám cưới của anh Nguyện sắp diễn ra phải dời lại để anh chịu tang bố. Theo phong tục địa phương, sau khi làm đám giỗ đầu cho bố hồi tháng 7, giờ anh Nguyện mới tổ chức lễ cưới. Nhưng theo anh Nguyện, đám cưới vẫn không trọn vẹn vì bố không còn.
“Cơn lũ đi qua để lại nỗi đau, mất mát không gì bù đắp được. Nhưng nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước và các tổ chức từ thiện, gia đình em bây giờ được ở trong ngôi nhà mới ở khu tái định cư này. Hơn một năm qua, gia đình đã tập trung vào sản xuất, ổn định đời sống”, anh Nguyện chia sẻ.
Cùng đông đảo người dân đến chia vui cùng đôi bạn trẻ, anh Hà Văn Huyên, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn bản Tủ phấn khởi cho biết: Khu tái định cư Noong Mi (bản Tủ) có 27 hộ dân thuộc diện phải di dời khẩn cấp trong cơn lũ tháng 7/2018, hiện nay đã có 25 hộ xây được nhà mới. Nhà nào cũng đảm bảo “ba cứng” (cứng mái, cứng nền, cứng tường) và đủ 3 công trình vệ sinh (nhà tắm, nhà tiêu, hố xử lý rác thải). Con đường nối từ trung tâm xã vào khu tái định cư cũng đang được cho đổ đá, bê tông để thi công trong nay mai.
“Bản thân gia đình tôi cũng thuộc diện phải di dời khẩn cấp sau cơn lũ. Được hỗ trợ của Nhà nước, sự đóng góp, ủng hộ của anh em trong dòng họ và bà con thôn bản, gia đình tôi đã xây dựng được 1 căn nhà cấp 4 rộng hơn 100m2, trị giá 200 triệu đồng. Năm nay, gia đình tôi được đón Tết trong ngôi nhà mới, không còn nơm nớp nỗi lo mỗi khi mùa mưa lũ đến”, anh Huyên nói và đưa tay chỉ về phía ngôi nhà của mình.
Ngồi quây quần xem tivi trong căn nhà mới nằm giữa khu tái định cư rộng 100m2 có đầy đủ phòng khách, bếp, anh Sa Văn Minh (SN 1993, trú tại bản Tủ, xã Sơn Lương) kể, khi cơn lũ ập về năm ngoái, cả gia đình anh bị lũ cuốn phăng, may mắn bám được vào cây nhãn cổ thụ mà được cứu sống. Nhưng toàn bộ gia sản, nhà cửa bị cuốn trôi.
“Lúc đó, con gái đầu của tôi mới hơn 1 tuổi, vợ thì đang mang thai 2 tháng. Nhìn cảnh nhà tan hoang, mất sạch vì nước lũ, hoang mang lắm, chỉ lo chết đói. Nhưng rồi nghĩ, mình còn may mắn hơn bao người đã mất mạng vì nước lũ, nên chúng tôi gắng gượng đứng lên. Được chính quyền chia đất ở khu tái định cư, rồi được một ít tiền hỗ trợ, vợ chồng tôi động viên nhau vay mượn xây nhà, cố gắng cải tạo đất trồng hoa màu, tranh thủ thời gian rảnh của vụ mùa, đưa nhau đi làm thuê. Đến giờ, cũng có nhà mới, con thứ hai cũng chào đời, con lớn dần lớn lên, yên tâm rồi”, anh Minh tâm sự.
Thúc đẩy sản xuất, củng cố hạ tầng
Những ngày này, xã Lương Sơn đã ngập sắc xanh của cây cối. Phía bên bờ suối Nậm Mìn - nơi cơn lũ dữ tràn về vào cuốn phăng tất cả, những tảng đá to được người dân xếp gọn vào, hoặc trồng cấy cây xanh bên kẽ đá. Một màu xanh ngắt của ngô, sắn, rau màu… đang dần được hồi sinh, thay thế cho màu của bùn đất, màu ảm đạm của sự chết chóc. Đâu đó trong tiếng râm ran, í ới trên những triền đồi của bà con dân bản như dự báo cho một mùa thu hoạch hoa màu đầy hứa hẹn, đời sống của người dân lũ theo đó cũng dần được ổn định.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Đinh Văn Trường - Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Văn Chấn cho biết: Sau khi cơ bản khắc phục hậu quả do mưa bão, dựng nhà, lo hồi phục sản xuất cho bà con, hiện huyện đang tiếp tục đầu tư sửa chữa đường sá, cầu cống bị hư hỏng lớn. Cuộc sống bà con nhân dân đã ổn định, những dấu vết của trận lũ hầu như không còn.
Ông Hà Văn Hưng, Chủ tịch UBND xã Sơn Lương cho biết: Trong đợt mưa lũ xảy ra vào tháng 7 năm ngoái, xã Sơn Lương có 39 hộ phải di dời khẩn cấp. Xã đã bố trí được đất cho 25 hộ tại khu tái định cư tập trung Noong Mi, 14 hộ bố trí theo hình thức tái định cư xen ghép.
Qua rà soát, xã có 73 hộ nằm trong vùng nguy hiểm, nguy cơ bị lũ ống, lũ quét và sạt lở đất. Chính quyền địa phương đã tuyên truyền vận động 51 hộ gia đình di chuyển đến nơi an toàn theo hình thức bố trí tái định cư xen ghép, 22 hộ còn lại xã đề nghị huyện tiếp tục có phương án bố trí tái định cư, ổn định cuộc sống của các hộ dân trước mùa mưa lũ tới.
“Bên cạnh việc xây dựng nhà ở, người dân trong xã Sơn Lương cũng đang tập trung khôi phục sản xuất, trong đó đã khôi phục được 40ha đất sản xuất tại bản Tủ, bản Mười, bản Lằm, bản Tành Hanh, bản Đồng Hẻo... 10ha còn lại xã đang tiếp tục vận động người dân cải tạo để có đất chuẩn bị cho sản xuất vụ tới”, ông Hưng cho biết thêm và tự tin khẳng định: Với niềm tin vào sự chăm chỉ, chịu khó của bao con người nơi đây cùng với sự chung tay của các cấp chính quyền địa phương, đời sống người dân ở khu tái định cư Noong Mi và bản Tủ, bản Lằm, thôn Tành Hanh... sẽ ngày càng khấm khá hơn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận