Xã hội

39 người chết ở Anh và ký ức kinh hoàng của người từng vượt biên trái phép

31/10/2019, 07:07

Nhớ lại thời gian sang Đức lao động bằng con đường bất hợp pháp, anh T. cho rằng đó là khoảng thời gian kinh hoàng nhất trong cuộc đời mình.

img
Anh N.T.T trao đổi với phóng viên

Vừa qua tại hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh liên tục nhận được trình báo của người dân về việc người thân đi lao động tại châu Âu mất liên lạc. Trước thông tin 39 người nhập cư trái phép ở Anh bị chết ngạt trong xe container càng khiến người dân có người thân mất liên lạc tại châu Âu lo lắng hơn.

Để thấu hiểu phần nào về những số phận của người nhập cư bất hợp pháp, phóng viên Báo Giao thông đã được một người từng nhập cư trái phép vào nước Đức kể lại quá trình đến "miền đất hứa” bằng con đường bất hợp pháp, đó là anh N.T.T (trú tại Hiệp Hòa, Bắc Giang).

Anh T. cho biết, do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, sau khi bàn bạc với gia đình, vợ con, năm 2001, T. quyết định gom góp và vay mượn anh em họ hàng số tiền hơn 100 triệu đồng để sang Đức lao động bằng con đường bất hợp pháp với hi vọng sẽ đổi đời.

“Đầu tiên vợ con cũng khuyên ngăn là không nên đi, vì thấy nguy hiểm. Tuy nhiên, tôi đã trấn an bằng việc nói rằng, mình có người thân ở bên Nga, nếu có gì thì có thể liên lạc với họ để giải quyết”, anh T. nói.

Ngâm mình trong giá lạnh và nước tiểu

Anh T. kể, bắt đầu từ Việt Nam sang Nga bằng con đường du lịch, sau đó mọi giấy tờ như hộ chiếu anh phải vứt bỏ. Nếu giữ lại giấy tờ này khi bị bắt, ngay lập tức sẽ bị trục xuất về Việt Nam.

Hành trình đến "miền đất hứa” phải vượt qua nhiều nước như Ucraina, Slovakia, Séc rồi mới đến được Đức.

Quãng đường từ Nga sang Ucraina các anh ngồi trên ô tô. Nói là ngồi cho sang nhưng thực chất được xếp như một món hàng. Một chiếc xe 4 chỗ chứa 12 người.

“Quãng đường từ Nga sang Ucraina có thể nói là khá suôn sẻ, khi chỉ mất 8 tiếng là chúng tôi đến được kho (nơi tập kết của những người vượt biên trái phép gọi là kho). Sau đó chúng tôi được cho ăn, uống ở đó chờ đủ người rồi tiếp tục từ Ucraina vượt biên sang Slovakia”, anh T. kể lại.

Tuy nhiên, từ Ucraina sang Slovakia là một khoảng thời gian mà trong đời luôn luôn ám ảnh đối với anh T., bởi những gì diễn ra trong khoảng thời gian đó thực sự là gian truân, nhọc nhằn, phó mặc sự sống, cái chết cho thần may rủi.

Anh T. cho biết, khi chờ đủ số người (ước chừng gần 50 người), từ Ucraina, số người này bắt đầu tiếp tục cuộc hành trình sang Slovakia.

Gần 50 người, trong đó có anh T. được đưa đến một chiếc xe loại 50 chỗ, nhiều người "mừng thầm" nghĩ xe rộng rãi thế này mỗi người một ghế không phải nhồi nhét như trước. Tuy nhiên, nhưng suy nghĩ đó ngay lập tức bị dập tắt, bởi những chiếc ghế trên xe không được ngồi, đó chỉ là chiêu bài để qua mắt lực lượng an ninh. Thay vào đó, gần 50 người được xếp vào gầm và trần xe.

“Trần xe được gia cố thêm như một cái thùng có chiều cao 40cm và rộng 60cm chạy dọc từ đầu xe đến cuối xe. Trên khoang cabin gần chỗ tài xế có một cái lỗ để chui vào. Khi chui vào cái hộp trên trần xe đó chúng tôi phải nằm tráo đầu đuôi, chân người này đan xen vào đầu của người kia, tận dụng diện tích đến mức tối đa. Với không gian chật hẹp như vậy chúng tôi không thể nhúc nhích chân tay, hay chuyển tư thế được”, anh T. hồi tưởng lại.

Anh T. cho biết, với cách ngụy trang đầy nguy hiểm như vậy, chiếc xe có gần 50 người nhưng nếu không kiểm tra kỹ sẽ thấy trên xe không có một bóng người nào, 50 ghế ngồi vẫn trống rỗng.

Quá trình nằm trong chiếc hộp như những món hàng lậu là quãng thời gian đáng sợ và kinh hoàng nhất trong cuộc đời của anh T.

“Khi nằm trong cái hộp đó, một số người sợ ngạt khí nên đã đục trần xe để có không khi từ ngoài vào. Nhưng không may gặp trời mưa, nước mưa đã theo những cái lỗ đó vào trong. Không chỉ một người đó ướt mà dọc cả dãy nằm trên cái hộp đó đều bị ướt.

Không những vậy, nhiều người không kiềm chế được đã tiểu ngay tại chỗ, nước tiểu cộng với nước mưa lạnh ngấm vào người, khoảng thời gian đó thực sự là nỗi ám ảnh trong suốt cuộc đời tôi.

Bây giờ nghĩ lại mới thấy lúc đó mình thật là liều lĩnh, bởi nếu xe bị lật, hay tai nạn hoặc lao xuống nước thì chắc chắn mình sẽ chết”, anh T. rùng mình kể lại.

Anh T. tiếp tục cho biết, sau khi trải qua hơn 10 tiếng không ăn không uống, nằm bất động trên trần xe, các anh được đưa xuống một cánh rừng sau đó xuống một căn hầm để ăn uống và vệ sinh cá nhân. Ăn uống cũng chỉ qua loa có bánh mì và nước.

Chờ đêm xuống anh T. và mọi người bắt đầu hành trình đi bộ băng rừng. Hơn 40 người được một người dẫn đi, họ bắt những người vượt biên cầm tay nhau đi để tránh lạc.

"Để tránh bị phát hiện, Người dẫn đường bắt chúng tôi đi liên tục, chỉ được nghỉ 5 đến 10 phút khi đến trạm ăn uống. Trải qua gần 20 tiếng trong rừng chúng tôi mới đến đến được biên giới Slovakia", anh T. kể.

Tiếp tục hành trình từ Slovakia đến Séc, anh T. và mọi người lại bị nhồi nhét vào chiếc xe như một món hàng. Sang được đến Séc rồi tiếp tục là hành trình cuối cùng để đến nước Đức. Tuy nhiên, trên đường từ Séc đến Đức anh T. bị lực lượng an ninh ở biên giới Đức bắt giữ và trả lại về Séc.

Người thân đã lập bàn thờ và di ảnh vì tưởng đã chết

Anh T. kể tiếp, khi trả về Séc tôi bị giam ở đó gần 3 tháng mới được thả ra trại tị nạn. Quãng thời gian này, người thân của tôi ở bên Nga tưởng rằng tôi đã chết, bởi không thấy tôi liên lạc lại. Hồi đó, không có điện thoại kết nối internet thông dụng như hiện nay.

Người thân ở bên Nga càng tin tưởng rằng tôi đã chết, bởi cùng thời gian đó có tin chiếc xe chở 26 người vượt biên sang Đức (trong đó có thông tin là có người Việt Nam) bị tai nạn và 26 người này đều tử vong.

Sau này tôi được kể lại, người thân ở bên Nga đã lập bàn thờ và di ảnh cho tôi khi nghe tin chiếc xe chở 26 người vượt biên sang Đức bị tai nạn, bởi cứ đinh ninh tôi ở trên chuyến xe đó. Tuy nhiên, người thân tôi bên Nga không dám điện về thông báo cho vợ con tôi ở Việt Nam vì mọi người sẽ bị sốc khi nghe tin đó.

Sau hơn 2 tháng bị giam ở Séc, anh T. mới được điện thoại về cho người thân ở Nga, lúc đó người thân mới vỡ òa vui sướng vì T. vẫn còn sống.

“Tôi còn nhớ ý nguyên câu hỏi của anh họ tôi là, có phải là T. không hay đó là hồn ma đấy”, anh T. hồi tưởng lại.

Sau khi được thả ra trại tị nạn anh T. tiếp tục hành trình vượt biên sang Đức, lúc này đã có kinh nghiệm và cộng thêm may mắn nên T. đã đến được nước Đức.

Cưới vợ giả, bằng mọi giá sinh con để tồn tại ở “miền đất hứa”

Đến được nước Đức là một chặng đường đầy gian khổ thì tồn tại và kiếm được việc làm ở đây là thử thách gian nan.

Anh T. cho biết, khi đặt chân được đến Đức việc đầu tiên của những người vượt biên trái phép như anh T. là đến ngay trại tị nạn để có cơm ăn, nước uống vào quần áo mặc.

Sau đó được ra ngoài thì sẽ bỏ trốn để đi làm việc bất hợp pháp, nói là làm việc bất hợp pháp bởi mình không có giấy phép lao động thì bắt buộc phải đi làm chui.

“Đi làm chui rất khổ, phải làm việc vất vả nhưng đồng lương rất thấp, thấp hơn một nửa so với những người có giấy phép lao động”, anh T. bộc bạch.

Theo anh T. để tồn tại hợp pháp ở Đức, phải đánh đổi rất nhiều thứ, đàn ông còn đỡ, chứ phụ nữ thì khổ vô cùng.

“Đàn ông chúng tôi khi kiếm được một khoản tiền sẽ bỏ số tiền đó ra để cưới vợ giả với người Đức, từ đó có thể ở lại hợp pháp. Lúc đó, bên ấy có dịch vụ cưới giả để có thể “ăn theo” vợ”, anh T. cho hay.

Để được cưới vợ giả bên đó, ngoài số tiền bỏ ra là vài chục nghìn đô, những người đã có vợ con ở nhà (Việt Nam) như anh T. phải ly hôn với vợ.

“Đây cũng là một hành trình đấu tranh tư tưởng giữa vợ chồng tôi. Sau rất nhiều lần bàn luận cuối cùng tôi và vợ cũng đồng ý ly hôn để tôi có thể cưới vợ bên Đức”, anh T. cho hay.

Anh T. cho biết, những người phụ nữ thì thực sự khổ vô cùng, nhiều người đã phải bán rẻ danh dự, nhân phẩm để tồn tại được tại Đức, nơi mà trước kia họ nghĩ là “miền đất hứa”.

Khi bước chân ra khỏi trại tị nạn, những người phụ nữ phải nhanh chóng làm sao để có thai và sinh con. Bởi khi sinh con, hiển nhiên người đó sẽ “ăn theo” con và tồn tại hợp pháp ở Đức.

Để thực hiện được điều đó, họ bất chấp tất cả, họ sẵn sàng “sa vào” những người đàn ông bản địa. "Tôi đã chứng kiến có người phụ nữ một ngày “làm chuyện ấy” với nhiều người để nhanh có thai", anh T. cho hay.

Khi được hỏi nếu thời gian quay lại, anh T. có chọn con đường sang Đức nữa không? Anh T. trả lời quả quyết: “Tôi sẽ không bao giờ chọn con đường vượt biên nữa, bởi hành trình đến đó là một nỗi kinh hoàng, hơn nữa không phải sang đó, ai cũng giầu có. Phải đánh đổi rất nhiều thứ, từ mồ hôi, nước mắt thậm chí là cả máu”.

Anh T. cũng dành lời khuyên chân thành đến những người đang ôm mộng đi sang châu Âu bằng con đường bất hợp pháp để làm giàu: “Nếu có cơ hợi đi bằng đường chính ngạch (du học, hay xuất khẩu lao động,…) thì nên đi để mở mang hiểu biết, chứ đi vượt biên trái phép thì nên dẹp ngay từ trong suy nghĩ. Như tôi hồi đó đi đến giữa đường muốn bỏ về lắm nhưng vì tiếc đã bỏ ra số tiền lớn nên đành liều tính mạng để tiếp tục hành trình”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.