Thông tin doanh nghiệp

4 chu kỳ vững đà bứt phá của ô tô Trường Hải

18/02/2019, 14:06

Với 3 chu kỳ đầu tư cốt lõi, sau 15 năm THACO có 32 công ty, nhà máy, 1 tổ hợp cơ khí, trường cao đẳng nghề, hệ thống logistics với tổng vốn...

img
Xe buýt THACO thương hiệu Việt - sản phẩm đạt tỷ lệ nội địa hóa trên 60%

Qua 15 năm thực hiện thành công 3 chu kỳ đầu tư bền vững để tạo dựng nền tảng, Công ty CP Ô tô Trường Hải (THACO) tiếp tục tăng tốc với chu kỳ đầu tư lớn thứ 4 cho giai đoạn sau năm 2018 với mục tiêu trở thành tập đoàn công nghiệp đa ngành.

3 chu kỳ trưởng thành của “sếu đầu đàn” THACO

Năm 2003, Khu Kinh tế mở (KTM) Chu Lai được Thủ tướng ký quyết định thành lập. Hưởng ứng chương trình xúc tiến đầu tư vào Quảng Nam và Chiến lược phát triển ngành ô tô Việt Nam năm 2002 đến năm 2010 - tầm nhìn đến năm 2020, THACO tiên phong đặt chân lên vùng cát trắng Núi Thành, đầu tư xây dựng nhà máy xe tải, buýt có công suất 25.000 xe/năm, diện tích 38ha, tổng vốn đầu tư 2.800 tỷ đồng. Đây cũng là nhà máy đầu tiên tại khu KTM Chu Lai. Một năm sau, những chiếc xe tải đầu tiên đã được xuất xưởng, đến với khách hàng trên cả nước.

Năm 2007, THACO bước sang một cột mốc mới: Đầu tư nhà máy lắp ráp xe du lịch Kia. Với sự chuyển giao công nghệ từ Tập đoàn Hyundai - Kia Motors (Hàn Quốc), THACO đã xây dựng và đưa vào hoạt động nhà máy xe du lịch THACO Kia có công suất 30.000 xe/năm với diện tích 20ha, tổng vốn đầu tư 3.500 tỷ đồng. THACO trở thành công ty đầu tiên tại Việt Nam lắp ráp đầy đủ các chủng loại xe: tải, buýt và du lịch.

THACO vừa dành tặng công trình Nút giao vòng xuyến 2 tầng trị giá 600 tỷ đồng tại Chu Lai cho Quảng Nam như sự tri ân, sau hành trình 15 năm tiên phong đặt chân đến Khu KTM Chu Lai. Ông Trần Bá Dương cho biết, đây là hành trình vươn mình trưởng thành của Trường Hải và cuộc đời doanh nhân của ông. Thống kê 15 năm qua, THACO đã đóng góp vào ngân sách tỉnh Quảng Nam hơn 70.000 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 65-70% tổng thu ngân sách hàng năm của tỉnh Quảng Nam; riêng năm 2018 ước nộp 15.600 tỷ đồng. THACO đã dành 575 tỷ đồng thể hiện trách nhiệm xã hội đối với địa phương; góp phần đưa Quảng Nam từ một tỉnh khó khăn thành tỉnh khá của cả nước.

Trên cơ sở thành công của chu kỳ đầu tư thứ nhất, năm 2010, THACO bước vào chu kỳ đầu tư lớn thứ 2 với mục tiêu mở rộng quy mô; phát triển công nghiệp hỗ trợ để gia tăng tỷ lệ nội địa hóa; đồng thời, phát triển logistics có quy mô phù hợp hướng đến giảm giá thành sản phẩm. Các dự án chủ lực được triển khai bao gồm: Nhà máy xe buýt chuyên biệt; Nhà máy xe du lịch Mazda; Tổ hợp cơ khí; Cụm các nhà máy công nghiệp hỗ trợ sản xuất linh kiện phụ tùng ô tô… Qua đó, THACO đã làm chủ công nghệ, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa cho các dòng xe như: Xe buýt trên 60%; xe tải từ 35% và xe du lịch bước đầu đạt 17%. Cùng với đó, THACO tiên phong xây dựng Trường Cao đẳng nghề; đầu tư mở rộng cảng Chu Lai có công suất 3 triệu tấn/năm (đây là cảng sông có quy mô lớn duy nhất tại miền Trung, được định hướng là cảng container lớn nhất miền Trung) và mở các tuyến hàng hải quốc tế đến các cảng biển lớn ở Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc. Đặc biệt, từ năm 2015, THACO đã xây dựng chiến lược để hội nhập khu vực ASEAN khi thuế xe ô tô về 0% vào năm 2018 và sự thay đổi công nghệ trên tinh thần cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. THACO đã bước vào chu kỳ đầu tư lớn thứ 3 tại Chu Lai, với định hướng là mở rộng khu phức hợp cơ khí ô tô; xây dựng mới và nâng cấp toàn bộ các nhà máy lắp ráp ô tô, tổ hợp cơ khí, các nhà máy sản xuất linh kiện phụ tùng theo hướng tự động hóa, ứng dụng số hóa trong quản trị, nhằm đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng loạt, nhưng theo yêu cầu riêng biệt của khách hàng.

Trong chu kỳ này, THACO đã đưa vào hoạt động các nhà máy sản xuất lắp ráp và công nghiệp hỗ trợ gồm: Nhà máy THACO - Mazda với định vị là nhà máy Mazda hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á, với dây chuyền và thiết bị được chuyển giao từ Tập đoàn Mazda, sản phẩm có chất lượng tương đương sản phẩm của nhà máy Mazda Nhật Bản; Nhà máy Buýt THACO với định vị là nhà máy sản xuất xe buýt lớn nhất và xuất khẩu sang các nước Đông Nam Á; Nhà máy sản xuất ô tô du lịch cao cấp sản xuất các dòng xe từ châu Âu trong đó có thương hiệu Peugeot - Pháp; Nhà máy sản xuất xe tải mới; và các nhà máy công nghiệp hỗ trợ nhằm gia tăng thêm tỷ lệ nội địa hóa cho xe du lịch với công nghệ được chuyển giao và máy móc thiết bị nhập khẩu từ Nhật Bản, Hàn Quốc và phân kỳ đầu tư theo doanh số bán hàng tăng dần (như Nhà máy sản xuất linh kiện nhựa mới, Nhà máy sản xuất linh kiện thân vỏ xe du lịch…).

Với 3 chu kỳ đầu tư cốt lõi, sau 15 năm THACO có 32 công ty, nhà máy, 1 tổ hợp cơ khí, trường cao đẳng nghề, hệ thống logistics với tổng vốn đầu tư trên 80.500 tỷ đồng và được chia thành 2 khu: Khu phức hợp cơ khí và ô tô Chu Lai - Trường Hải (quy mô 210 ha, chia làm 2 phân khu: Phân khu 7 nhà máy lắp ráp ô tô và phân khu công nghiệp hỗ trợ); Khu cảng và hậu cần cảng Chu Lai (diện tích 140 ha bao gồm cảng, kho bãi, công ty vận tải biển và vận tải đường bộ). Đặc biệt, Chu Lai - Trường Hải đã có tên trên bản đồ sản xuất lắp ráp ô tô của các thương hiệu quốc tế như: Kia - Hàn Quốc, Mazda; Mitsubishi Fuso -Nhật Bản, Peugeot - Pháp và đang được xem là địa chỉ sản xuất ô tô lớn và hiện đại trong khu vực ASEAN với đầy đủ các chủng loại ô tô: tải, buýt và du lịch; đầy đủ các phân khúc trung cấp đến cao cấp theo thương hiệu, đã bán ra hơn 594 ngàn xe, chiếm 38% thị phần trong nước và đã xuất khẩu linh kiện phụ tùng với giá trị gần 20 triệu USD.

Nhận diện chu kỳ đầu tư thứ 4

Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT THACO chia sẻ: Với 5 trụ cột cốt lõi là: Triết lý - giá trị; Chiến lược - khác biệt; Quản trị - đặc thù; Nhân sự - phù hợp; Môi trường làm việc - văn hóa và thuận tiện và với tinh thần cách mạng công nghiệp 4.0, THACO đã đề ra chiến lược phát triển sau năm 2018 trở thành tập đoàn công nghiệp đa ngành trong đó lấy cơ khí và ô tô làm chủ lực. Đồng thời phát triển các ngành sản xuất kinh doanh khác như: Nông nghiệp; Đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, Đô thị và KCN; Logistics và Thương mại - Dịch vụ. Theo đó, ngay từ năm 2019, THACO tiếp tục bước vào chu kỳ đầu tư lần thứ 4 với các dự án lớn và có tính động lực.

Cụ thể, đầu tư mở rộng khu phức hợp cơ khí ô tô thêm 126ha và đổi tên thành Khu công nghiệp cơ khí và ô tô THACO - Chu Lai có tổng diện tích 335 ha nhằm gia tăng tỷ lệ nội địa hóa cho xe du lịch đạt trên 40% hướng đến xuất khẩu; phát triển thêm cơ khí nông nghiệp, cơ khí xây dựng và cơ khí thiết bị công nghiệp. Đồng thời triển khai xây dựng ngay Trung tâm R&D tập trung có tổng diện tích 38,6 ha và tổng vốn đầu tư lên đến 800 tỷ đồng. Đầu tư khu công nghiệp chuyên nông lâm nghiệp mà chủ lực là trái cây và đồ gỗ xuất khẩu có diện tích 451ha có tổng vốn đầu tư khoảng 13.800 tỷ đồng được phân kỳ đầu tư trong 5 năm với các phân khu sản xuất vật tư nông nghiệp và phân khu tổng kho, chế biến sau thu hoạch phục vụ xuất khẩu với các phương thức như: Tự đầu tư, liên doanh liên kết (cho thuê mặt bằng). Ngay trong năm 2019, sẽ triển khai xây dựng, đưa vào hoạt động các nhà máy sản xuất vật tư nông nghiệp, tổng kho bảo quản... với chi phí đầu tư khoảng 3.425 tỷ đồng nhằm hoàn thiện chuỗi giá trị trái cây khép kín. Đồng thời, THACO đầu tư bến cảng nước sâu chiều dài 350m có khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải đến 50.000 tấn, tổng vốn đầu tư 1.400 tỷ đồng.

Theo lãnh đạo THACO, với mục tiêu này, sau 5 năm nữa THACO - Chu Lai sẽ là KCN - đô thị bao gồm: KCN cơ khí và ô tô; KCN chuyên nông lâm nghiệp; khu cảng và hậu cần cảng, khu đô thị - nhà ở cho chuyên gia và công nhân. Đồng thời, có đóng góp lớn vào sự phát triển Khu KTM Chu Lai trở thành khu kinh tế lớn nhất miền Trung, hàng đầu trong cả nước, mang tầm khu vực và quốc tế.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.