Bên lề

4 cô gái điền kinh chân đất hóa “chân vàng”

02/01/2018, 06:22

Bốn cô gái Thảo, Hoa, Oanh, Huyền mỗi người mỗi cảnh nhưng đều có chung mong mỏi đổi đời khi đến với điền kinh.

82

Bùi Thị Thu Thảo

Từ chân lấm đến… chân vàng

Điền kinh Việt Nam đã có một năm đáng nhớ với 17 tấm HCV tại SEA Games 29, lần đầu thống trị môn thể thao nữ hoàng ở sân chơi thuộc loại danh giá nhất châu lục. Và cả bốn cái tên làm nên chiến tích này đều là con nhà nông “chính hiệu”.

“Nữ hoàng nhảy xa” là mỹ danh mấy anh phóng viên theo dõi điền kinh đặt cho Bùi Thị Thu Thảo sau khi chứng kiến cô gái quê Ba Vì giành HCV châu Á, rồi HCV SEA Games 29. Còn trước đó, ai quan tâm tới điền kinh đều biết Thảo có biệt danh “Thảo bò vàng”. Nghe tên cũng đoán được cô gái 25 tuổi, sinh ra ở vùng quê thuần nông Ba Vì, ngoại thành Hà Nội, gia đình Thảo quanh năm chỉ trông vào đồng áng, khi thì trồng lúa, khi lại trồng hoa màu (ngô, khoai, đậu...).

Ngày còn cắp sách tới trường, Thảo vẫn thường phụ bố mẹ việc ruộng vườn. Thương con, không muốn con phải chịu khổ nên bố Thảo hướng con theo nghiệp thể thao. Nhưng là phận con, không nhẫn tâm nhìn bố mẹ chạy vạy mưu sinh, Thảo từng có thời gian bỏ thể thao để đi làm... phụ hồ mong có tiền đỡ đần đấng sinh thành. Nhưng rồi cái duyên với thể thao lại đưa cô gái Hà Tây cũ trở lại với hố nhảy, tập luyện thành tài. Giờ đây, “Thảo bò vàng” hoàn toàn đủ tự tin thi thố với những đối thủ hàng đầu khu vực cũng như châu lục.

Năm 2017 được coi là năm đại thành công với điền kinh Việt Nam khi các VĐV thi đấu thành công ở mọi đấu trường. Tuy nhiên, rực rỡ nhất, hoành tráng nhất phải kể đến việc các VĐV của chúng ta giành tới 17 HCV và thống trị tuyệt đối SEA Games 29, đồng thời lần đầu tiên vượt mặt người Thái trong lịch sử Đại hội Thể thao Đông Nam Á.

Cũng như Thu Thảo, Trần Thị Yến Hoa (HCV SEA Games 29 4x100m và 100m rào) sinh ra trong một gia đình thuần nông ở huyện Mỹ Lộc, Nam Định. Hoa kể, cuộc sống gia đình cô chỉ xoay quanh mấy sào ruộng. Khi còn ở nhà với bố mẹ, do là con gái út, lại bị bệnh về da nên Yến Hoa hiếm khi phải lội ruộng cấy lúa. Nhưng vụ gặt thì Hoa vẫn ra đồng phụ giúp mẹ và anh.

Gia đình Hoa vốn lam lũ lại càng khó khăn sau biến cố cha cô mất sớm, khi nhà vô địch SEA Games học lớp 3. Thế là hai anh em không ai bảo ai, tự giác đỡ đần mẹ nhiều hơn. Ý chí đó theo Hoa đến khi cô dấn thân vào nghiệp thể thao. Cô tự nhủ phải thi đấu tốt, giành thành tích cao để có tiền thưởng phụ giúp mẹ.

Sinh trưởng trên vùng quê nghèo Lạng Giang, Bắc Giang, nhà lại đông con nên cuộc sống mưu sinh của gia đình “cô gái thép” Nguyễn Thị Oanh (HCV 1.500m, 5.000m SEA Games 29) cực kỳ trầy trật. Địa phương không có nghề phụ và thu nhập hoàn toàn trông vào mấy sào lúa. Nhà lại đông con nên cuộc sống gia đình Oanh càng càng thiếu thốn. Cũng may, chị em Oanh đều chịu khó, biết thương bố mẹ nên không ai bảo ai xắn tay vào đỡ đần.

83

Nguyễn Thị Huyền

So với các đồng đội ở tuyển điền kinh, Nguyễn Thị Huyền (HCV 100m, 200m, 4x100m tại SEA Games 29) có lẽ vất vả hơn cả. Mồ côi cha từ sớm, chị gái lại không bình thường về nhận thức nên gần như mọi chuyện lớn, bé trong nhà đều do mẹ và Huyền gánh vác. Huyền phải dậy sớm đi bắt cua trước giờ đến trường, chiều về lại đi mò ốc, tối giã cua để mẹ đi bán. Nhà Huyền có tới một mẫu ruộng, nhưng vụ chiêm cũng như vụ mùa chỉ hai mẹ con lăn lộn. Nhưng nhà vô địch SEA Games chưa bao giờ kêu than nửa lời. Những năm tháng tuổi thơ bần hàn tiếp thêm ý chí và nghị lực cho Nguyễn Thị Huyền, đưa cô từ bờ ruộng bay tới đường chạy quốc tế, giành vô số vinh quang.

84

Nguyễn Thị Oanh

Vẫn giữ hương đồng nội

Bốn cô gái Thảo, Hoa, Oanh, Huyền mỗi người mỗi cảnh nhưng đều có chung mong mỏi đổi đời khi đến với điền kinh. Và khi đã thành danh, trở thành “người nổi tiếng”, cả bốn cô gái này vẫn giữ nguyên trong con người mình cái chất nông dân thuần khiết. Nguyễn Thị Huyền nổi lên từ SEA Games 28 khi cô giành ba HCV, đạt 2 chuẩn Olympic. Cùng năm 2015, Huyền còn thi đấu thành công ở đấu trường châu Á và “gặt” được số tiền thưởng lên đến cả tỷ đồng. Huyền dùng gần như toàn bộ số tiền để sửa nhà, lập sổ tiết kiệm cho mẹ và chị gái và chỉ giữ lại chút ít để sinh hoạt, mua dụng cụ tập luyện.

Không chi tiêu hoang phí, “hoa khôi” điền kinh Việt Nam còn khiến nhiều người tấm tắc bởi mỗi lần về nhà đều lao ra đồng giúp mẹ việc cấy cày. Nhìn đôi chân lội bùn thoăn thoắt, đôi tay nhanh nhẹn cắm từng khóm mạ, ít ai có thể tưởng tượng, cô gái này đã và đang làm khuynh đảo đường chạy Đông Nam Á lẫn châu Á các cự ly ngắn.

Bùi Thị Thu Thảo có nhiều thời gian về nhà hơn, bởi Trung tâm Huấn luyện thể thao Quốc gia Nhổn cách không xa Ba Vì. Bố Thảo đau ốm triền miên, mấy năm trở lại đây gần như chỉ chạy chữa và làm mấy việc lặt vặt trong nhà. Chính bởi vậy, cứ cuối tuần, vợ chồng Thảo lại từ căn nhà thuê trên Nhổn về phụ mẹ làm ruộng, vườn. “Em quen rồi, về tới nhà mà không cầm cái cuốc, cái xẻng là ngứa chân, ngứa tay lắm”, Thảo tâm sự. Kỳ SEA Games vừa rồi, được thưởng vài chục triệu đồng, Thảo cũng chắt chiu đưa mẹ đến già nửa để thuốc men cho bố. Phần còn lại hai vợ chồng đút lợn chờ sinh con.

“Em thường chỉ về sau các giải đấu, khi được thày cho nghỉ xả hơi vài ngày. Bố mẹ em giờ cũng lớn tuổi nên ruộng cho họ hàng cấy hết, chỉ giữ lại vài sào làm để lấy thóc ăn. Nếu dịp em về mà vào đúng mùa vụ thì tranh thủ giúp bố mẹ được ít nào hay ít đó. Chủ yếu vẫn là bố mẹ tự xoay xở”, Nguyễn Thị Oanh tâm sự.

Với thành tích 2 HCV giành được, cộng tất cả các khoản thưởng, Oanh nhận được khoảng hơn 100 triệu đồng. Số tiền này Oanh biếu bố mẹ mua thêm một số đồ đạc trong gia đình, gửi thêm mẹ một khoản để sau này lập gia đình có chút vốn giắt lưng. Phần còn lại Oanh dành cho việc học.

85

Trần Thị Yến Hoa

Trong số những cái tên kể trên, Yến Hoa chắc chắc là người ít về quê nhất, bởi cô gái Nam Định đang đầu quân cho Thừa Thiên - Huế. “Chỉ khi được nghỉ dài ngày hoặc gia đình có việc lớn em mới xin nghỉ phép để về nhà. Mẹ em giờ lớn tuổi rồi, anh trai em không cho mẹ làm ruộng nữa nên mẹ chỉ trồng rau, nuôi gà trong vườn. Em về nếu không gấp gáp quá thì xới vài luống đất, reo hạt giống rau cải, rau dền, mồng tơi cho thư giãn đầu óc. Em dự định sau khi kết thúc chương trình học thạc sĩ, toàn bộ số tiền thưởng em sẽ tích cóp để xây một căn nhà mới cho mẹ và anh trai ở quê”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.