Phát triển - Kết nối

4 ngôi làng nông thôn ở Gia Lai được "khoác áo mới"

29/09/2021, 11:20

Chỉ trong một thời gian ngắn, Phú Thiện (Gia Lai) đã làm thay đổi 4 ngôi làng đặc biệt khó khăn, bần hàn trở thành ngôi làng đẹp khang trang...

Làng không đường giao thông

Xã Chư A Thai nằm ở phía Đông Bắc huyện Phú Thiện, điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Toàn xã có 1.124 hộ với 4.761 nhân khẩu, sinh sống tại 11 thôn, làng. Trong số các thôn, làng trên địa bàn xã có 4 làng đồn gồm: Pông, King Pêng, Trớ và Hek với 85% dân số là đồng bào Bahnar sinh sống.

Từng là vùng nghèo khó, đường đất không có lối vào làng, thì hiện nay 4 làng Pông, Trớ, Hek, Kinh Pêng (gọi chung là 4 làng Đồn) thuộc X. Chư A Thai, H. Phú Thiện (Gia Lai) đang thay da đổi thịt trên chính vùng nghèo khó trước đây.

img

Làng Hek, Chư A Thai đẹp như một bức tranh.

Trước thực tế trên, tỉnh Gia Lai đã xây dựng nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội đặc thù dành cho vùng này. Nổi bật là Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai đã ban hành Chỉ thị số 12-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp về xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số và Đề án phát triển kinh tế - xã hội 4 làng đồn của huyện Phú Thiện giai đoạn 2016-2020.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Phùng Trung Toàn, chủ tịch UBND xã Chư A Thai cho biết, trước năm 2018, khu vực 4 làng đồn là vùng đặc biệt khó khăn của xã. Tại khu vực này dân cư ở chen chúc, tập tục lạc hậu. Thậm chí ốm đau phải nhờ thầy cúng chứ không nhờ đến hệ thống y tế cơ sở.

“Có làng chỉ có đường giao thông tới đầu làng. Muốn đi thăm hỏi các gia đình đều phải đi xuyên từ nhà này sang nhà khác. Thậm chí còn “chui” dưới sình lầy của nhà sàn. Xuất phát điểm của người dân thấp, trình độ canh tác lạc hậu, tỷ lệ hộ nghèo rất cao. 4 làng trên cũng chưa có công trình thủy lợi nên sản xuất không ổn định”, ông Toàn thông tin.

“Mặc dù chính quyền địa phương đã tuyên truyền, vận động song một số hộ dân vẫn tiếp tục chăn nuôi gia súc dưới gầm nhà sàn. Nhiều gia đình chưa có nhà tắm, nhà vệ sinh đảm bảo nên ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường. Trong khi đó tại núi Cheng Leng (địa bàn huyện Chư Sê cách xã đó khoảng 15km) có 13 hộ gia đình sống trên núi tách biệt với xã hội, trẻ em vận động đến trường nhưng không xuống. Thực trạng địa phương như vậy nên chất lượng cuộc sống người dân cũng rất thấp.

Để vận động, khuyến khích người dân 4 làng thay đổi tập tục lạc hậu, lãnh đạo Đảng ủy, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức đoàn thể trực tiếp đến từng nhà tuyên truyền với phương châm “mưa dầm thấm lâu”; Xã đứng ra kêu gọi nguồn vốn 600 triệu đồng vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội từ chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường. Theo đó, mỗi hộ dân được vay 20 triệu đồng để khoan giếng và kéo nước từ trên suối về khu dân cư và làm nhà tắm, nhà vệ sinh… thay vì phải dùng nước không hợp vệ sinh như trước đây.

img

Giao thông làm thay đổi bộ mặt làng đồng bào dân tộc thiểu số ở Chư A Thai (Phú Thiện).

Giao thông làm thay đổi bộ mặt nông thôn

Chúng tôi được Chủ tịch xã Chư A Thai - Phùng Trung Toàn dẫn đến thăm làng Hek. Ở đây, ngôi rông nằm rộng giữa khuôn viên xanh của làng, bao quanh là các gia đình người đồng bào dân tộc thiểu số. Tại đây, đường bê tông được trải dài từ đầu làng đến cuối làng. Những ngôi nhà trong làng có một không gian xanh, sạch đẹp. Giới thiệu với chúng tôi, ông Toàn cho biết đó là nỗ lực rất nhiều không chỉ ở chính quyền địa phương, các lực lượng quân đội hỗ trợ giúp dân di dời nhà, sự cố gắng của người dân trong chính ngôi làng này.

“Đứng trên khuôn viên các làng hiện nay đường sá giao thông nông thôn cơ bản đã được bê tông hoá, đường ô tô đi đến tận nhà. Nhiều gia đình còn xây nhà to đẹp, bộ mặt nông thôn thay đổi khiến người dân ở đây rất phấn khởi”, ông Toàn nói.

Dẫn chúng tôi đến nhà anh Siu Loal (SN 1981, làng Hek, Chư A Thai), đón chúng tôi với nụ cười niềm nở. Nơi góc nhà, cháu Ksor Kiệt- con trai anh Loal - đang ê a học bài trong mùa tựu trường mới. Khung cảnh thật bình dị nhưng với anh Loal, cuộc sống đó giống như mơ chứ không phải là hiện tại. "Trước đây tôi ở trên núi Cheng Leng, sau được vận động về đây. Ở đây có nhà, con cái được đi học. Giờ chỉ việc cố gắng làm lụng thôi, anh Loal cười nói.

img

Nhiều ngôi nhà to đẹp mọc lên sau chương trình nông thôn mới ở xã Chư A Thai (Phú Thiện)

Ông Vũ Hồng Duy - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Phú Thiện cho biết: Sau 3 năm thực hiện Chỉ thị số 12 của BTV Tỉnh ủy và Đề án phát triển kinh tế, xã hội 04 làng Đồn, xã Chư A Thai bộ mặt nông thôn của huyện nói chung và 04 làng Đồn, xã Chư A Thai có nhiều khởi sắc, đời sống của bà con nơi đây được nâng lên.

"Có được sự “thay da, đổi thịt” đó, khó khăn nhất của huyện là công tác tuyên truyền, vận động người dân “thay đổi nếp nghĩ, cách làm” vốn dĩ đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người dân. Để thực hiện Đề án, huyện đã huy động mọi nguồn lực, xã hội hóa công tác di dời, theo đó, tổng kinh phí thực hiện trên 2,7 tỷ đồng…Song song với quy hoạch sắp xếp lại dân cư, huyện đã giúp người dân phát triển kinh tế bằng việc chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi vào sản xuất, trồng trọt..

Trong thời gian tới, cụ thể từ năm 2021, huyện đã và đang tiếp tục triển khai giai đoạn 2 của Đề án phát triển kinh tế, xã hội các làng Đồn, xã Chư A Thai với hợp phần công việc chủ yếu là phát triển sản xuất, nâng cao đời sống cho người dân. “Mặc dù để thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số là một việc hết sức khó khăn, trong khi nội lực kinh tế của huyện còn nhiều khó khăn, tuy nhiên, với quyết tâm chính trị cao nhất, huyện đã thống nhất từ nhận thức đến hành động đó là quyết tâm làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của từng hộ dân để giúp người dân biết canh tác, biết chăn nuôi… để nâng cao đời sống, vật chất tinh thần cho bà con”.

Từ 4 làng khó khăn nhất của xã Chư A Thai, đến nay, các làng Đồn thật sự khang trang, có cảnh quan môi trường sạch sẽ hơn. Những ngôi nhà được sắp xếp theo quy hoạch… có thể nói 04 làng Đồn đang thay da, đổi thị trên chính vùng đất nghèo khó trước đây. …

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.