Kinh tế

40% DN bị thanh, kiểm tra trên 2 lần/năm

05/12/2018, 06:58

“Năm 2019 phải đơn giản ít nhất 50% điều kiện đầu tư kinh doanh”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu.

12

Thủ tướng trò chuyện với các đại biểu dự diễn đàn - Ảnh: Quang Hiếu

Đây là thông tin đưa ra tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên - VBF 2018 diễn ra sáng 4/12 tại Hà Nội. Việc thanh, kiểm tra dày đặc khiến doanh nghiệp (DN) không còn thời gian, công sức tập trung cho sản xuất kinh doanh.

DN gặp khó vì bất cập chính sách thu thuế

Theo TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cộng đồng DN đánh giá cao nỗ lực cải cách của Chính phủ trong thời gian qua, đặc biệt là Chương trình cải cách hành chính, cắt giảm 50% điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính kiểm tra chuyên ngành cùng bước đầu xây dựng Chính phủ điện tử và nền kinh tế số. Tuy nhiên, đại diện của cộng đồng DN cũng cho rằng kết quả vẫn chưa được như kỳ vọng bởi khảo sát của VCCI cho thấy, tính đến tháng 9/2018 vẫn có tới 58% DN phải xin các loại giấy phép kinh doanh có điều kiện; 42% DN gặp khó khăn khi xin giấy phép và chỉ có 13% thủ tục đăng ký kinh doanh được tiến hành trực tuyến; 68 thủ tục kiểm tra chuyên ngành có thể thực hiện được trên cổng thông tin một cửa quốc gia; 40% DN bị thanh, kiểm tra từ 2 lần trở lên trong một năm; 14% DN phản ánh còn trùng lặp về nội dung giữa các cuộc thanh, kiểm tra...

Ông Kenneth Atkinson, Chủ tịch Hiệp hội DN Anh Quốc tại Việt  Nam (BBGV) nêu, cộng đồng doanh nghiệp FDI đang khá lo ngại về việc tăng thu thuế và hải quan do những bất cập và không thống nhất trong cách giải thích các luật và quy định; thậm chí ngay giữa các phòng, ban ở các tỉnh, thành phố khác nhau. “Việc thanh tra thuế thường diễn ra muộn, có thể lên đến 5 năm sau kì báo cáo. Thậm chí có trường hợp, nguyên nhân từ sai sót của cơ quan thuế, nhưng lại áp dụng hình phạt hành chính lên DN với lỗi thanh toán chậm là vô lí”, Chủ tịch BBGV nói và cho rằng, nhiều công ty đang phải chịu phí phạt này do cơ quan thuế không kiểm tra kịp thời. Khoản phạt thanh toán muộn được tính theo lãi suất gần 20%/năm. Như vậy, sau 5 năm số tiền phạt sẽ gấp đôi số tiền ban đầu.

Để giúp giải quyết những vấn đề này, BBGV đề xuất thành lập một cơ quan độc lập lắng nghe kháng cáo của người nộp thuế về chính sách nộp phạt và hình phạt hành chính của nhân viên thuế.

Ô tô nhập khẩu phải được quản lý chặt chẽ chất lượng

Tại diễn đàn, Tiểu ban Ô tô - Xe máy của EuroCham tiếp tục đề xuất Bộ GTVT cân nhắc sửa đổi quy trình kiểm tra cho ô tô nhập khẩu theo hướng chỉ kiểm tra mẫu ô tô đại diện cho từng kiểu loại xe đối với tất cả các lô hàng thay vì áp dụng cho từng lô xe nhập khẩu. Việc kiểm tra đó được áp dụng với những công ty nhập khẩu ô tô có hồ sơ tốt về  tuân thủ kỹ thuật trong quá trình đăng kiểm.

Phản hồi các kiến nghị của Nhóm công tác Ô tô - Xe máy, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công cho biết: Theo Nghị định số 116 và Thông tư 03, mỗi lô hàng ô tô nhập khẩu phải kiểm tra thử nghiệm và mẫu ô tô đại diện cho từng kiểu loại ô tô trong lô xe cũng phải kiểm tra thử nghiệm nhằm quản lý chặt chẽ chất lượng, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Thứ trưởng Công cho rằng, trường hợp không thực hiện kiểm soát theo lô như quy định sẽ có những bất cập. Đơn cử, nếu chỉ thử nghiệm an toàn và khí thải ở lô hàng đầu tiên và các lô sau đó không phải kiểm tra sẽ tạo ra kẽ hở để các nhà nhập khẩu đưa hàng hoá kém chất lượng so với lô hàng đã thử nghiệm đạt chất lượng ở lần đầu tiên. Trong trường hợp, tỷ lệ mẫu xe không đạt là 5% nên buộc phải tái xuất ra nước ngoài theo quy định của Nghị định 116.

Chính phủ cam kết gỡ điểm nghẽn

Trả lời một số nội dung của nhóm công tác thuế, các doanh nghiệp và ý kiến của BBGV, bà Vũ Thị Mai, Thứ trưởng Bộ Tài chính giải thích, với DN chấp hành tốt chính sách pháp luật thuế thì cơ quan thuế cung cấp dịch vụ hỗ trợ và khuyến khích DN thực hiện. Cơ quan thuế chỉ tập trung thanh, kiểm tra các trường hợp nằm trong diện rủi ro cao. Với ý kiến do BBGV nêu, bà Mai cho biết, đã nhận được một số kiến nghị trước đó và sẽ tiếp thu để xem xét trong các chương trình sửa đổi pháp luật và chính sách thuế trong năm tới.

Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Chính phủ tiếp tục tăng tốc cải thiện chất lượng môi trường kinh doanh, cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Trên cơ sở Nghị quyết 139 về Chương trình hành động cắt giảm chi phí cho DN, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương ưu tiên đưa vào chương trình nghị sự của mình. “Năm 2019 phải đơn giản ít nhất 50% điều kiện đầu tư kinh doanh”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu.

Người đứng đầu Chính phủ cũng cam kết quyết tâm giữ vững sự ổn định chính trị, xã hội và nền tảng kinh tế vĩ mô; Thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các cải cách về cơ cấu, nâng cao chất lượng thể chế và năng lực quản trị Nhà nước, cả cấp trung ương và địa phương; Cải cách DN Nhà nước, hệ thống tài chính, xử lý nợ xấu, quản lý nợ công; Nỗ lực khơi thông các điểm nghẽn cho phát triển nhanh và bền vững hơn.

Tận dụng cơ hội khi 1/3 DN Mỹ muốn rời Trung Quốc

Hiệp hội Doanh nghiệp Mỹ tại Việt  Nam (AmCham) cho biết, cuộc khảo sát gần đây của AmCham với các DN Mỹ tại Trung Quốc cho thấy, 1/3 DN này đã di dời hoặc đang cân nhắc di chuyển một số cơ sở sản xuất của họ sang nước khác trong bối cảnh căng thẳng thương mại, trong đó Đông Nam Á là lựa chọn hàng đầu. Ông Michael Kelly, Chủ tịch AmCham nhận định, Việt Nam đang có được lợi ích từ diễn biến này và gợi ý, Việt Nam có thể tăng thu hút nhà đầu tư bằng cách: Bảo đảm nguồn cung năng lượng; tạo thuận lợi cho thương mại và luồng hàng hóa; hiện đại hóa giáo dục, đảm bảo chi phí lao động hợp lý; khai phá hoàn toàn tiềm năng của nền kinh tế số tại Việt Nam; tạo ra môi trường kinh doanh hấp dẫn, minh bạch và ổn định hơn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.