Pháp luật

40 năm cơ cực chờ ngày minh oan tội giết người

06/09/2019, 06:26

Phải gần 40 năm sau ông Trần Bê mới được VKSND tỉnh Khánh Hòa công khai xin lỗi.

img
Đại diện cơ quan tố tụng gửi lời xin lỗi ông Trần Bê

Ông Trần Bê (SN 1957, trú thôn Phong Phú, phường Ninh Giang, TX Ninh Hòa, Khánh Hòa) được trả tự do sau 3 năm bị tạm giam. Thế nhưng, phải gần 40 năm sau ông Bê mới được VKSND tỉnh Khánh Hòa công khai xin lỗi.

Nỗi đau kép

Ông Trần Bê sinh ra một gia đình có truyền thống cách mạng, bản thân ông cũng tham gia phục vụ trong quân đội trong 3 năm. Năm 1979, ông trở về quê hương và làm du kích xã. Tai họa đến với chàng thanh niên tuổi đôi mươi vào đêm 18/10/1981. Khi đó, địa phương tổ chức cuộc họp bàn kế hoạch sản xuất tại nhà ông Huỳnh Chiếm Phái, đội trưởng đội sản xuất. Buổi họp này có sự tham dự của ông Phạm Ngưu, Chủ tịch UBND xã Ninh Giang.

“Sau khi tuần tra về, tôi đang ru con ngủ thì nghe tiếng súng nổ cách nhà hơn 100m. Tôi vùng dậy, cầm cây súng AR-16 được trang bị chạy ra đường. Khi thấy ông Ngưu nằm bất động, có vết thương trên ngực, tôi bắn chỉ thiên ba phát đạn để báo động cho lực lượng dân quân tập trung. Sau đó, chính tôi chạy về UBND xã báo cáo sự việc. Không ngờ đến sáng hôm sau thì bị bắt giam”, ông Bê kể lại.

Ngày 18/12/1981, Công an tỉnh Phú Khánh khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tạm giam ông Phái và ông Bê về tội “Giết người”. Ông Bê bị bắt mà lòng càng đau thắt, rối bời bởi đứa con trai mới hơn một tuổi, còn vợ ông vừa qua đời sau cơn bệnh nặng.

Trong quá trình bị giam giữ, ông Phái bệnh nặng nên ngày 2/2/1983 VKSND tỉnh Phú Khánh ra lệnh tạm tha vì “xét thấy bị can tuổi già, sức khỏe sút kém nên không cần phải giam giữ tiếp”. Đến ngày 10/2/1983, ông Phái được ra trại. Còn ông Bê bị tạm giam gần 3 năm (từ ngày 19/10/1981 đến ngày 25/9/1984). Sau ba năm khởi tố điều tra, ngày 25/9/1984, VKSND tỉnh Phú Khánh có quyết định đình chỉ điều tra do chưa có đủ cơ sở, bằng chứng để kết luận ông Trần Bê về tội giết người. Ông Bê được trả tự do.

“Thời gian bị giam, tôi liên tục bị cùm chân trong buồng tối, sau khi được trả tự do tôi bị mù một mắt, mắt còn lại bị mờ”, ông Bê chia sẻ.

Trở về với sức khỏe gần kiệt quệ, không làm được gì để sinh sống, ông Bê và đứa con trai nhỏ hơn 3 tuổi phải bấu víu vào người mẹ già yếu.

Anh Trần Văn Quý, con trai ông Bê nhớ lại: “Tôi mất mẹ từ khi mới lọt lòng nên nghe bà nội kể lại hồi nhỏ tôi thường gọi bà là mẹ”.

Ít năm sau, thương hoàn cảnh của ông, bà Nguyễn Thị Biểu (SN 1957) tự nguyện về “góp gạo thổi cơm chung”, cùng ông vượt qua khó khăn. “Người dân ai cũng biết hai ông ấy bị oan nên họ không đàm tiếu gì cả. Một mình tôi làm mọi việc trong gia đình. Tôi làm đủ việc, từ bán cá, làm mướn để có tiền chăm lo cho gia đình. Anh Bê không làm được gì nhiều vì sức khỏe không có. Con thì nhỏ. Sau chúng tôi có thêm một cháu trai nữa, vất vả càng thêm bội phần”, bà Biểu tâm sự.

Hành trình gian nan tìm công lý

img
Vợ chồng ông Trần Bê

Dẫu được trả tự do nhưng nỗi đau thể xác và đặc biệt phải mang tội danh “Giết người” khiến ông Bê luôn đau đáu trong lòng. Nhưng vì cuộc sống mưu sinh, kiếm ăn từng bữa nên phải đến đầu năm 2000, khi con cái đã lớn, cuộc sống bớt nỗi lo toan, ông Trần Bê mới làm đơn khiếu nại yêu cầu Công an, VKSND tỉnh Khánh Hòa khôi phục danh dự và bồi thường vật chất cho ông.

Vậy nhưng, Công an tỉnh khi đó có văn bản trả lời với nội dung: “Sự việc xảy ra đã 19 năm, khi đó Bộ luật Hình sự đầu tiên (năm 1985) chưa ra đời nên chưa quy định điều luật “truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội”. Mặt khác, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với loại tội này đã hết (5 năm kể từ khi sự việc xảy ra). Nghị định 47 ngày 3/5/1997 của Thủ tướng Chính phủ quy định việc giải quyết bồi thường thiệt hại do công chức, viên chức nhà nước, người có thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng gây ra có hiệu lực từ ngày 15/5/1997. Căn cứ vào những quy định trên, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa không thể tiến hành bồi thường về vật chất, danh dự của ông”.

“Nghe vậy tôi như chết lặng, có lẽ 2 từ “trong sạch” với tôi không tìm lại được nữa”, ông Bê chia sẻ.

Không chịu từ bỏ, ông Bê vẫn quyết định tự đi minh oan cho mình. Từ TX Ninh Hòa, cứ mỗi lần dành dụm được một ít tiền, ông Bê lại khăn gói đi khắp nơi ở tỉnh Khánh Hòa gửi đơn. Nhưng ròng rã bao năm, đến đâu ông cũng vẫn chỉ nhận được cái lắc đầu. “Khoảng năm 2016, tôi gửi đơn đến Cục Bồi thường nhà nước (Bộ Tư pháp) thì họ có công văn đề nghị VKSND Tối cao xem xét, chỉ đạo VKSND tỉnh Khánh Hòa giải quyết theo thẩm quyền. Ban Nội chính Tỉnh ủy Khánh Hòa cũng có văn bản trả lời trường hợp của tôi thuộc thẩm quyền giải quyết của VKSND tỉnh này. Dần dần sự việc mới được giải quyết và đến nay mới chính thức tổ chức xin lỗi”.

Sẽ bồi thường?

“Thay mặt Nhà nước, VKSND tỉnh Khánh Hòa xin lỗi ông Trần Bê và gia đình vì những oan sai do Viện KSND tỉnh Phú Khánh (nay là tỉnh Khánh Hòa) gây ra, mong muốn gia đình chấp nhận lời xin lỗi”, ông Trần Đình Hồng, Phó viện trưởng Viện KSND tỉnh Khánh Hòa vừa dứt lời tại hội trường UBND xã Ninh Giang (TX Ninh Hòa) trong sáng 5/9, cũng là giây phút ông Trần Bê cùng người thân rớm lệ. “Tôi đã được trả lại sự trong sạch. Thế nhưng để nghe được từ “xin lỗi” trong vài chục giây ấy là cả một hành trình kéo dài gần 40 năm”, ông Bê đáp ngắn gọn.


Ngày 5/9, tại cuộc gặp ở hội trường UBND phường Ninh Giang, trước sự chứng kiến của chính quyền và bà con, ông Trần Bê chấp nhận lời xin lỗi của các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Khánh Hòa. Ông Bê cho biết, danh dự ông đã được khôi phục, nhưng những nỗi đau về thể xác những ngày ở trong trại giam cần phải được bồi thường.

“Những oan trái, đau khổ về thể xác và tinh thần mà các cơ quan chức năng gây ra cho tôi là rất lớn. Do vậy, tôi chấp nhận lời xin lỗi này, nhưng đề nghị các cơ quan có thẩm quyền phải xem xét bồi thường thiệt hại cho tôi”, ông Bê bày tỏ.

Ông Trần Đình Hồng, Phó viện trưởng Viện KSND tỉnh Khánh Hòa cho biết theo Luật Bồi thường nhà nước năm 2009 thì đã hết thời hiệu xem xét xin lỗi, cải chính công khai đối với hai ông Bê và Phái nên Viện KSND tỉnh Khánh Hòa không thực hiện được. Nay áp dụng quy định của luật mới ban hành năm 2017, trường hợp xin lỗi và cải chính công khai thì không có thời hiệu, nên đã tổ chức công khai xin lỗi, cải chính, phục hồi danh dự đối với ông Bê.

“Chúng tôi hứa nếu điều kiện để bồi thường về vật chất mà các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương cho phép thì chúng tôi sẽ tiến hành các thủ tục để bồi thường cho ông Bê. Còn nếu không được thì chúng tôi mong ông và gia đình thông cảm vì pháp luật quy định như thế”, ông Hồng nói và cho biết thêm người bị án oan với ông Bê là ông Phái đã qua đời nên thực hiện theo nguyện vọng của người đại diện gia đình ông, Viện đã đăng thông tin xin lỗi trên báo và niêm yết tại phường Ninh Giang.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.