Xã hội

40 nhân tài ở Đà Nẵng xin nghỉ việc do... khủng hoảng lòng tin?

23/05/2018, 12:26

Theo nhận định của ĐBQH, việc 40 nhân tài ở Đà Nẵng xin nghỉ việc có thể xuất phát từ "khủng hoảng lòng tin".

pham-minh-chinh

Trưởng ban Tổ chức T.Ư Phạm Minh Chính khẳng định sẽ có chính sách để công chức yên tâm cống hiến

Vừa qua, Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao TP Đà Nẵng (Trung tâm) cho biết tính đến ngày 18/4/2018, thành phố cử 647 lượt học viên đi học theo Đề án 922, đã có 460 lượt học viên tốt nghiệp và bố trí công tác. Sau đó, có 93 người xin rút khỏi Đề án, bao gồm 40 người đã về công tác xin nghỉ việc và rút ra khỏi đề án đưa ra lý do sức khỏe, gia đình hoặc mong muốn tìm công việc khác phù hợp hơn.

Liên quan đến chính sách đãi ngộ nhân tài vào cơ quan Nhà nước làm việc và những bất cập còn tồn tại dẫn đến tình trạng trên, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, Uỷ viên Bộ Chính trị Phạm Minh Chính – Trưởng Ban Tổ chức T.Ư cho biết, tới đây sẽ giao cho Ban Tổ chức, Bộ Nội vụ và Ban Công tác đại biểu xây dựng đề án theo hướng để cán bộ, công chức yên tâm cống hiến cho sự nghiệp chung.

Về chế độ đãi ngộ cán bộ, công chức quá thấp, không đáp ứng điều kiện sống, theo Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, vấn đề này được giải quyết trong Nghị quyết cải cách về tiền lương.

dương trung quốc 40 nhân tài đà nẵng xin nghỉ việc

ĐBQH Dương Trung Quốc.

Cũng nêu quan điểm về vấn đề trên, ĐB Dương Trung Quốc cho rằng, yếu tố quan trọng nhất trong việc trọng dụng nhân tài là dùng đúng người, đúng việc và trả lương cho họ một cách hợp lý. Theo ông Quốc, ở nhiều nơi, nhân tài chỉ là ở vấn đề bằng cấp mà thôi. Hoặc có nơi rất nhiều tiến sĩ, nhưng không rõ nhu cầu dùng họ làm việc gì để phát huy hết năng lực.

Vì thế theo ông, quan trọng nhất chính là sử dụng nguồn nhân lực phù hợp, cộng với chế độ đãi ngộ tương xứng.

Về trường hợp ở Đà Nẵng, theo ĐB Dương Trung Quốc, các cơ quan chức năng cần phải phân tích kỹ bản chất vấn đề, chứ không nên nhìn hiện tượng rồi vội vã kết luận.

“Tại Đà Nẵng hiện đang diễn ra sự khủng hoảng sau hàng loạt sự việc phát sinh, trong đó có vấn đề về chính sách và công tác cán bộ. Trong sự khủng hoảng ấy, có cả khủng hoảng lòng tin của người dân”, ông Quốc nhân định.

Theo ông Quốc, nếu muốn có đội ngũ nhân lực tốt, các cơ quan nhà nước cũng phải thay đổi hàng loạt chính sách cho phù hợp. Nếu không tạo ra sự cạnh tranh tích cực, thì các cơ quan nhà nước mất nhân lực là đương nhiên.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.