Hồ sơ tài liệu

4.000 chiến đấu cơ Trung Quốc “mất tích”, Ấn Độ "đánh rơi" bom

28/01/2016, 07:22

Hơn 4.000 chiến đấu cơ của Trung Quốc “mất tích”, Chiến đấu cơ Ấn Độ “sơ ý” đánh rơi bom xuống khu dân cư...

J6
Những chiếc J-6 nguyên bản của Trung Quốc “mất tích” gây ra nhiều đồn đoán.

Hơn 4.000 chiến đấu cơ của Trung Quốc bị “mất tích”

Theo TTXVN, trong một bài viết vừa được tờ “Tin tức Thế giới” tại Mỹ trích dẫn, nhà bình luận quân sự Trung Quốc Cao Phong cho biết, trong 10 năm qua, quân đội Trung Quốc đã có bước phát triển kinh ngạc khi sản xuất J-20 (máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4).

Trước năm 2010, J-6 đã về hưu, J-7 cũng “rút về tuyến hai”, chỉ còn 700 – 800 chiếc J-7 vẫn đang phục vụ. Ngoài ra, Trung Quốc vẫn còn khoảng 200 chiếc J-8, nhưng trong vòng 15 năm nữa, tất cả có thể sẽ được cất vào kho hoặc đưa đi phá hủy.

Trong số đó, đáng chú ý là số phận của J-6. Có thông tin nói rằng Trung Quốc đã sản xuất hơn 4.000 chiếc J-6, nhưng từ năm 2006 – 2010, những chiếc máy bay vốn đóng vai trò chủ lực của không quân Trung Quốc những năm 1960 – 1970 này bất ngờ “biến mất”, gây ra nhiều đồn đoán ở bên ngoài.

Tạp chí “Bình luận Quân sự Kanwa” từng đăng ảnh vệ tinh cho thấy chí ít có 55 chiếc máy bay chiến đấu không người lái J-6 được bố trí ở vùng biển Đông bộ Trung Quốc và ở Quảng Đông, tỉnh nằm ở phía Nam nước này.

Các căn cứ ở vùng biển Đông bộ Trung Quốc nơi nhiều nhất được bố trí 6 chiếc máy bay chiến đấu không người lái J-6 và vẫn đang đang được mở rộng. Từ đó có thể thấy không quân Trung Quốc rất coi trọng sức chiến đấu của loại máy bay chiến đấu không người lái được cải tạo từ những chiếc J-6 nguyên bản này.

Nga cảnh báo công dân nguy cơ bị IS bắt cóc ở Thổ Nhĩ Kỳ

du-lich
Thổ Nhĩ Kỳ vốn là một địa điểm du lịch truyền thống của du khách Nga.

Theo Spunik news, Cơ quan Du lịch Liên bang Nga ngày 27/1, đã ban bố cảnh báo về việc các phần tử thánh chiến thuộc nhóm "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng đang lên kế hoạch bắt cóc công dân nước này ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Thông báo cho biết theo nguồn thông tin từ các cơ quan chức năng, các thủ lĩnh của nhóm khủng bố IS có kế hoạch bắt cóc công dân Nga ở Thổ Nhĩ Kỳ làm con tin, sau đó đưa họ tới các vùng lãnh thổ do IS kiểm soát rồi thực hiện "các vụ hành quyết công khai". Thậm chí, những con tin này sẽ bị dung làm "lá chắn sống" chống lại Chính phủ Syria và các lực lượng liên minh.

Mặc dù hiện các hãng lữ hành Nga bị cấm tổ chức tua du lịch tới Thổ Nhĩ Kỳ sau vụ không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay chiến đấu Su-24 của Nga ở khu vực biên giới với Syria hồi cuối năm ngoái, cảnh báo trên được đưa ra đối với tất cả công dân, du khách Nga vẫn đang ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Chiến đấu cơ Ấn Độ “sơ ý” đánh rơi bom xuống khu dân cư

an_do_nem_bom_khu_dan_cuplo1_ezwi
Hãng tin ANI đưa tin vụ năm quả bom rơi xuống khu dân cư Ấn Độ trên Twitter

Theo PLO, một chiến đấu cơ của không quân Ấn Độ (IAF) đã vô tình làm rơi năm quả bom xuống một khu dân cư của nước này.

Hãng tin ANI cho biết, năm quả bom đã rơi xuống khu vực thị trấn Gugdi, thuộc huyện Barmer của bang Rajasthan. Tuy nhiên, không có trường hợp thương vong nào được báo cáo.

Các nhân chứng cho hay nhiều ngôi nhà bị nứt và người ta có thể nghe tiếng nổ trong vòng bán kính 10 km. Sự cố xảy ra vào thời điểm khi Ấn Độ thắt chặt an ninh để tổ chức các hoạt động kỷ niệm Ngày Cộng hòa lần thứ 67, ngày Hiến pháp độc lập của nước này chính thức có hiệu lực (21/6/1950).

Liên hợp quốc xem xét trừng phạt Tổng thống Nam Sudan

20160126_085654_harianterbit_Presiden_Salva_Kiir
Tổng thống Nam Sudan Salva Kiir

Liên hợp quốc đang xem xét áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với một số nhân vật cao cấp của chính phủ và phe đối lập tại Nam Sudan, trong đó có Tổng thống Salva Kiir và thủ lĩnh phe đối lập Riek Machar, sau khi cả hai bên không tuân thủ thỏa thuận hòa bình đã được ký kết vào tháng 10/2015, đặc biệt hai bên chưa ngừng bắn và chưa thành lập một chính phủ đoàn kết và hòa hợp dân tộc mặc dù đã qua hạn chót ngày 22/1 vừa qua.

Ngoài Tổng thống và thủ lĩnh đối lập ở Nam Sudan, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cũng đang cân nhắc áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với hai nhân vật cao cấp khác của quốc gia châu Phi này là Tổng tham mưu trưởng quân đội Nam Sudan, tướng Paul Malong và người đứng đầu lực lượng an ninh nội bộ Akol Koor.

Hai nhân vật này bị cáo buộc đã vi phạm nhân quyền nghiêm trọng tại Nam Sudan.

Các biện pháp trừng phạt có thể bao gồm cấm xuất ngoại trên phạm vi toàn cầu và đóng băng các tài sản tại các ngân hàng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.