Thời sự Quốc tế

5 tỷ người có thể chết vì đói nếu chiến tranh hạt nhân giữa Mỹ - Nga xảy ra

Theo một nghiên cứu mới, nếu xảy ra chiến tranh hạt nhân giữa Mỹ và Nga thì sẽ có khoảng 2/3 dân số thế giới (5 tỷ người) có thể chết vì đói.

Nghiên cứu do Đại học Rutgers (Mỹ) thực hiện, được đăng tải trên tạp chí Nature Food cho thấy xung đột hạt nhân giữa các cường quốc có thể làm gián đoạn chuỗi cung ứng lương thực trên toàn cầu, khi tro bụi và bồ hóng sau các vụ nổ hạt nhân che lấp ánh sáng mặt trời, dẫn tới giảm năng suất mùa màng trên thế giới.

Các nhà nghiên cứu phân tích hướng gió có thể đẩy khói, tro bụi từ các vụ nổ hạt nhân lan rộng, làm xuất hiện mây mù tại các nước xuất khẩu lương thực chính trên thế giới như Mỹ, Trung Quốc. Nếu thiếu ánh sáng mặt trời, năng suất mùa màng, sản lượng cá, gia súc, gia cầm trên toàn cầu giảm 90% trong 4 năm xung đột giữa các cường quốc hạt nhân.

Các nhà khoa học ước tính chiến tranh hạt nhân giữa Nga và Mỹ nếu xảy ra có thể khiến 5 tỷ người trên thế giới chết đói. Còn nếu xảy ra cuộc chiến hạt nhân ở quy mô nhỏ hơn giữa Pakistan và Ấn Độ, hậu quả để lại đối với chuỗi cung ứng lương thực cũng rất nặng nề, làm giảm 7% năng suất lương thực toàn cầu trong 5 năm và khiến 2,5 tỷ người thiệt mạng.

img

Ảnh minh họa. Ảnh - AFP

Theo nghiến cứu, nếu xảy ra xung đột hạt nhân giữa các cường quốc, tình trạng mất an ninh lương thực sẽ gây nhiều thiệt hại về người hơn so với các vụ nổ hạt nhân.

Do đó, các nhà nghiên cứu kêu gọi cần ngăn chặn chiến tranh hạt nhân kịp thời để tránh thảm họa xảy ra với loài người.

Những lo ngại xung đột hạt nhân nổi lên trong bối cảnh Nga đang thực hiện chiến dịch quân sự tại Ukraine và Trung Quốc tăng cường tập trận gần Đài Loan - hòn đảo Bắc Kinh coi là một phần lãnh thổ chờ thống nhất, tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ lực nếu cần thiết.

Tổng thống Nga Vladimir Putin từng có lần thông báo đã đặt các lực lượng hạt nhân vào trạng thái “sẵn sàng tác chiến” làm dấy lên quan ngại xung đột hạt nhân có thể xảy ra ở phương Tây 30 năm sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.

Trong khi đó, Trung Quốc đang thực hiện nhiều cuộc tập trận xung quanh Đài Loan nhằm phản ứng trước các chuyến thăm hòn đảo của các nghị sĩ Mỹ trong thời gian gần đây. Cùng lúc, phương Tây cảnh báo Bắc Kinh đang mở rộng kho hạt nhân.

Cũng trong thời gian này, thế giới đang đối mặt với nguy cơ khủng hoảng lương thực, gián đoạn sản xuất và cung ứng lương thực do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, xung đột tại Ukraine và dịch Covid-19. Theo Chương trình Lương thực Thế giới, 345 triệu người trên thế giới hiện đối mặt với mất an ninh lương thực, tăng 200 triệu người so với trước đại dịch.

Nguy cơ khủng hoảng lương thực đã khiến một số quốc gia như Ấn Độ, Malaysia giới hạn xuất khẩu gà, lúa mì. Các nhà nghiên cứu nhận định nguy cơ xảy ra xung đột trên toàn cầu dẫn tới hậu quả mất an ninh lương thực có thể khiến các quốc gia hạn chế xuất khẩu hoặc tích trữ lương thực.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.