Hạ tầng

50 năm đồng hành cùng người lao động ngành GTVT

29/02/2016, 06:38

Bám sát nhiệm vụ của mình, 50 năm qua, Công đoàn GTVT Việt Nam luôn gương mẫu đi đầu...

10

Ngày 31/12/1976, đoàn tàu khách Thống Nhất đầu tiên lăn bánh trở lại sau 30 nămđường sắt Bắc-Nam gián đoạn bởi chiến tranh

Bài 1: Công đoàn ngành ra đời trong khói lửa chiến tranh

Công đoàn GTVT Việt Nam được thành lập trên cơ sở các Công đoàn: Đường sắt, Đường sông, Đường biển, Vận tải ô tô, Quản lý đường bộ, Cục Công trình kiến thiết cơ bản, Các xí nghiệp công nghiệp thuộc ngành GTVT từ T.Ư đến địa phương với 12,5 vạn CNVC thuộc 250 Công đoàn cơ sở.

Kiên cường bám trụ, giữ cầu, giữ đường

Chỉ sau khi giành được độc lập 1 năm, năm 1946, Công đoàn Hỏa xa (Đường sắt Việt nam) được thành lập. Năm 1952, công đoàn vận tải ô tô ra đời, sau đó phát triển thành Công đoàn Vận tải Thủy Bộ (tổ chức tiền thân của Công đoàn GTVT Việt Nam). Sau sự kiện ngày 5/8/1964, bị thất bại nặng nề trong trận không chiến, đế quốc Mỹ ồ ạt đổ quân vào miền Nam và mở rộng đánh phá miền Bắc rất ác liệt. Đất nước bước vào trận chiến mới. CNVC trong ngành GTVT và nhân dân cả nước thực hiện chế độ thời chiến.

Cùng với phong trào Thi đua 3 sẵn sàng, 3 đảm đang, phong trào Thi đua bám cầu bám đường, tiếng hát át tiếng bom trong ngành GTVT nhanh chóng lan rộng trong cả nước. Từ ngày 21 -25/3/1966, ngành GTVT tổ chức “Đại hội Thi đua đảm bảo GTVT, quyêt tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Ngày 25/3, Bác Hồ đến dự, nói chuyện, khen thưởng các tập thể cá nhân anh hùng, chiến sĩ thi đua tiêu biểu xuất sắc. Sau đại hội khí thế thi đua làm việc, lao động, phục vụ chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu trong toàn ngành sục sôi với tâm thế mới: “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt, xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”.

Đầu năm 1973 sau Hiệp định Paris, một phong trào thi đua mới trong toàn ngành được CNVC hưởng ứng tích cực, nhanh chóng  khắc phục hậu quả đánh phá của giặc Mỹ: Phong trào thi đua rà phá bom mìn, thủy lôi khơi thông khu vực cảng Hải Phòng, Quảng Ninh, tiếp nhận hàng viện trợ quốc tế; Khẩn trương sửa chữa hệ thống cầu đường, trọng tâm là QL1, cầu Hàm Rồng, cầu Ghép, hệ thống bến cảng, đường thủy, hàng không. Đặc biệt, trên tuyến đường Hồ Chí Minh với hơn 20.000 km dọc ngang dãy Trường Sơn hàng vạn cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong kiên cường dũng cảm chiến đấu mở đường sáng ngời ý chí quyết tâm  cùng  quân và dân cả nước làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975.

Ngày 30/9/1966, Đảng ủy GTVT T.Ư được thành lập, lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện hoạt động của ngành từ T.Ư tới cơ sở. Giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc bước vào giai đoạn gay go quyết liệt, để có một tổ chức mạnh, thống nhất trong toàn, ngày 18/11/1966 Ban thư ký (nay là Đoàn Chủ tịch) đã quyết định thành lập Công đoàn GTVT Việt Nam gồm các Công đoàn: Đường sắt, Đường sông, Đường biển, Vận tải ô tô, Quản lý đường bộ, Cục Công trình kiến thiết cơ bản, Các xí nghiệp công nghiệp thuộc ngành GTVT từ T.Ư đến địa phương và cơ sở với 12,5 vạn CNVC thuộc 250 công đoàn cơ sở.

Nhiệm vụ trọng tâm của Công đoàn GTVT Việt Nam lúc đó là tổ chức, vận động CNCV hăng hái thi đua lao động sản xuất, phục vụ chiến đấu và chiến đấu trong tình hình mới. Một số cơ sở phải sơ tán, di chuyển xa trung tâm đô thị, điều kiện ăn, ở đi lại khó khăn. Các đơn vị vận tải và đảm bảo giao thông tăng cường hoạt động phân tán, lưu động, đặc biệt từ Thanh Hóa tới Quảng Bình, Vĩnh Linh được coi là tuyến lửa, thường xuyên phải đối mặt với bom đạn của không quân và hải quân Mỹ. Hơn 7.000 lần giặc Mỹ đánh phá vào các mục tiêu GTVT, phá hủy hầu như hoàn toàn hệ thống cầu, đường, phà, nhà ga, bến cảng và các phương tiện vận tải.

Thực hiện lời kêu gọi của Bác: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, CNVC ngành GTVT cùng nhân dân đẩy mạnh thi đua sản xuất, sẵn sàng chiến đấu, đảm bảo giao thông thông suốt, vận tải quân lương ra tiền tuyến. Mặc cho địch đánh phá điên cuồng, cán bộ, CNVC ngành Giao thông vẫn kiên cường bám trụ với tinh thần địch phá ta sửa ta đi, mở đường mà tiến, đánh địch mà đi. Khắp miền Bắc là một trận địa, phong trào thi đua “Ruộng rẫy là chiến trường, cuốc cày là vũ khí, tay búa tay súng hậu phương thi đua với tiền phương” vì miền Nam ruột thịt. Các nhà máy xí nghiệp cử công nhân tham gia đội dân quân tự vệ, nhiều ụ pháo phòng không trên nóc nhà và xung quanh công sở trực chiến bắn máy bay địch. Hàng nghìn, hàng vạn công nhân được gọi lên đường nhập ngũ và chi viện kỹ thuật làm cầu đường cho tiền tuyến. Trong những năm chiến tranh ác liệt, đội ngũ CNVC trong ngành kiên cường bám trụ, sẵn sàng làm việc, chiến đấu hy sinh vì Tổ quốc.

Dồn sức khôi phục mạng lưới giao thông

Sau khi đất nước thống nhất, nhiệm vụ trọng tâm của ngành GTVT là khẩn trương khôi phục lại hệ thống cầu đường, nhà ga bến cảng, đẩy mạnh sản xuất cơ khí, dịch vụ, quản lý giao thông trong cả nước. Cùng với việc vận động CNVC hăng hái thi đua lao động sản xuất, Ban Thường vụ Công đoàn ngành luôn kiên trì chỉ đạo thực hiện chức năng chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động.

Năm 1978, Công đoàn GTVT chủ động đề xuất với Bộ GTVT, Bộ LĐ-TB&XH khảo sát kiến nghị Tổng Công đoàn trình Nhà nước bổ sung chế độ độc hại cho công nhân trực tiếp làm nghề cạo rỉ, sơn, hàn trong xi-téc, hầm tàu thủy, vận hành máy phát điện trên 180 KVA; đề xuất tổ chức phong trào thi đua ngành nghề, vận động CNVC hăng hái lao động giỏi, lao động sáng tạo; Tổ chức hội nghị biểu dương các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích phát huy sáng kiến cải tiến hợp lý hóa nâng cao năng suất lao động. Nhiều tập thể cá nhân được sự trợ giúp của chuyên gia Liên Xô (cũ), Trường Đại học Bách khoa, Đại học Xây dựng, Viện Khoa học công nghệ GTVT đã có những sáng kiến góp phần tăng năng suất lao động 300% như: Thiết kế lắp đặt hệ thống cầu trục điều khiển bằng rơ-le của Công ty Cầu 12, Xí nghiệp Cơ khí 121 thuộc Xí nghiệp Liên hợp công trình II (CIENCO1); Xí nghiệp liên hợp cầu Thăng Long.

Trên công trường đường sắt Thống Nhất, CNVC tấp nập hăng say lao động, khắc phục mọi khó khăn về đời sống, vật tư thiết bị sửa chữa, xây mới từng đoạn đường, từng cây cầu. Sau 14 tháng tự lực tự cường làm ngày làm đêm, ngày 31/12/1976, hệ thống đường sắt Thống Nhất đã nối liền Nam - Bắc trong niềm vui khôn tả.

Trên các công trường rà phá bom mìn, nạo vét luồng lạch, bến cảng nhiều tập thể, cá nhân cùng bộ đội công binh, hải quân dũng cảm khơi thông luồng, lạch tạo thuận lợi cho tiếp nhận hàng hóa. Phong trào “giải phóng nhanh hàng hóa tại các bến cảng”, “phong trào yêu xe như con, quý xăng như máu”, “lái xe tốt an toàn” được đông đảo CNVC ngành vận tải ô tô trong cả nước hưởng ứng.

Trên các công trình sửa chữa, xây dựng cầu đường, nhiều tập thể, cá nhân thuộc Liên hiệp các xí nghiệp giao thông 1, 4, 5 ,6 8, Xí nghiệp liên hợp cầu Thăng Long và các sở GTVT trong cả nước đồng loạt tổ chức nhiều phong trào thi đua đảm bảo giao thông phục vụ kịp thời cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Tây Nam, phía Bắc và phát triển kinh tế, dân sinh. Nhiều công trình tiêu biểu ghi dấu ấn tự lực tự cường của CNVC ngành GTVT trong giai đoạn này như: Hệ thống đường bộ quốc lộ, tỉnh lộ và đường xương cá trong cả nước; hàng loạt cầu An Dương, cầu Ròn, cầu Mẹt, cầu Thăng Long, Chương Dương, cảng Hải Phòng, Chùa Vẽ, Nghệ Tĩnh, Sài Gòn… Năm 1980, Ban thường vụ Công đoàn GTVT Việt Nam đã chủ động đề xuất và phối hợp với các ngành Xây dựng và Nông nghiệp tổ chức phong trào liên kết thi đua phục vụ nông nghiệp và phát triển nông thôn với các nội dung như: Cung ứng, vận tải nguyên nhiên vật liệu, vật tư, thiết bị, nhu yếu phẩm, phân bón, tổ chức xây dựng hệ thống đường giao thông nông thôn, sản xuất lương thực, thực phẩm, tham gia xây dựng các công trình trọng điểm của đất nước như: Thủy điện Sông Đà, Trị An, Nhiệt điện Phả Lại, Ninh Bình… Sau 5 năm tổng kết đánh giá, sáng kiến đề xuất của Công đoàn GTVT Việt Nam về tổ chức phong trào thi đua liên kết được duy trì và phát triển thành phong trào cụm thi đua các Công đoàn ngành và Liên đoàn lao động địa phương do Tổng liên đoàn lao động Việt Nam chỉ đạo.

Trước những khó khăn về đời sống của CNVC, Ban Thường vụ Công đoàn ngành đề xuất Bộ GTVT cải tiến Xí nghiệp quốc doanh, đẩy mạnh phong trào thi đua lao động sáng tạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, chỉ đạo tổ chức các hoạt động kinh tế phụ như tăng gia, chăn nuôi, tổ chức và cải tiến các hoạt động căng tin tại cơ sở. Nhiều công ty, xí nghiệp có cách làm hay, bố trí một bộ phận nhỏ CNVC thành lập tổ, phòng, trung tâm, hợp tác xã tăng gia, chăn nuôi, dịch vụ để hàng tháng CNVC có thêm sản phẩm lương thực, thực phẩm ngoài tiền lương ít ỏi của thời bao cấp, cấm vận. Từ thực tiễn chỉ đạo hoạt động ngành nghề, Công đoàn ngành được Bộ giao chủ trì công tác Thi đua, Khen thưởng. Đây là thí điểm của ngành GTVT - Công đoàn ngành đầu tiên của hệ thống Công đoàn cả nước.

Nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Công đoàn GTVT Việt Nam

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.