Thị trường

50% thực phẩm chức năng rởm lừa người tiêu dùng

30/12/2015, 13:25

Với hơn 10.000 sản phẩm TPCN đang được lưu thông trên thị trường, câu hỏi có bao nhiêu sản phẩm đạt chất lượng...

10

Lực lượng chức năng kiểm đếm số hàng giả vừa thu giữ - Ảnh: Thành Long

Với hơn 10.000 sản phẩm thực phẩm chức năng (TPCN) đang được lưu thông trên thị trường, câu hỏi có bao nhiêu sản phẩm đạt chất lượng, bị làm giả, quảng cáo công dụng thổi phồng đánh lừa người tiêu dùng… được đặt ra nhưng chưa được trả lời.

Còn nhan nhản TPCN giả

Tại hội thảo Bảo vệ người tiêu dùng tổ chức sáng 29/12, tại Hà Nội, ông Trần Hùng, Phó chánh Văn phòng Ban chỉ đạo 389 cho biết, chỉ tính riêng trong cao điểm xử lý hàng giả, từ 15/7 đến 15/10/2015, cơ quan chức năng đã thanh tra, kiểm tra phát hiện và xử lý 3.823 vụ việc vi phạm liên quan đến dược phẩm, mỹ phẩm, TPCN; thu nộp NSNN 22,319 tỷ đồng; trị giá hàng hóa, tang vật tiêu hủy 19,803 tỷ đồng; trị giá hàng hóa chưa tiêu hủy và tang vật bị tịch thu là 14,895 tỷ đồng; khởi tố 4 vụ án hình sự với 5 đối tượng.

Ông Hùng cũng cho biết thêm, các cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý nhiều vụ vi phạm liên quan tới việc sản xuất, kinh doanh TPCN giả, kém chất lượng; điển hình như vụ thu giữ 20 tấn TPCN giả, có nhiều thành phần không đúng như doanh nghiệp công bố tại TP Hà Nội và thu giữ 12 tấn TPCN giả, không rõ nguồn gốc tại TP HCM. “Phần lớn các mặt hàng TPCN giả, kém chất lượng đều nhập từ Trung Quốc qua đường tiểu ngạch. Về đến Việt Nam, được các cơ sở thay bao bì, nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ và mang đi tiêu thụ. Những sản phẩm làm giả này được bán ra thị trường với giá cao hơn hàng thật”, ông Hùng nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Tiến Vũ, Phó phòng Nghiệp vụ Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết: Trong năm 2015, đã xử lý vi phạm chất lượng ATTP khoảng 11 nghìn vụ. Trong quá trình kiểm tra kiểm soát, quản lý thị trường, chúng tôi nhận thấy các mặt hàng vi phạm chất lượng chủ yếu tập trung vào các nhãn hàng TPCN dành cho xương khớp, giảm cân, tăng cường sinh lực.

PGS.TS. Lê Văn Truyền, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: “Theo một số đánh giá, khoảng 50% sản phẩm TPCN được kiểm tra trên thị trường có vi phạm về chất lượng với những hình thức tinh vi…”.

Bên cạnh những vi phạm về xuất xứ, thành phần chất lượng sản phẩm thì theo ông Trần Hùng, người tiêu dùng còn rơi vào mê trận của “quảng cáo thổi phồng công dụng” của cả những TPCN được cấp phép. Chính những quảng cáo thổi phồng gây nên sự hiểu lầm cho người tiêu dùng. Ông Hùng dẫn chứng, cứ mỗi lần một sản phẩm TPCN nào có công dụng cho xương cốt được quảng cáo trên tivi là mẹ tôi lại đòi mua bằng được. Vì bà cho rằng quảng cáo trên tivi là đúng sự thật.

Còn ông Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội TPCN nhận định, TPCN chỉ là đồ ăn thức uống cung cấp các đại chất dinh dưỡng, vi chất dinh dưỡng, phi chất dinh dưỡng nhưng lại quảng cáo, công bố như một “thần dược” như: Nutricep mạnh gấp 3 lần đông trùng hạ thảo tự nhiên; làm ngừng sản xuất cholesterol xấu ở trong gan…, như vậy là lừa dối người tiêu dùng.

Khó quản lý do chưa ban hành tiêu chuẩn

Theo nhận định của PGS. TS. Lê Văn Truyền, khái niệm về TPCN còn rất mơ hồ do thiếu sự thống nhất và rõ ràng trong định nghĩa TPCN. Chính bởi sự thiếu định nghĩa chính xác, thống nhất và quy chế quản lý khác nhau, thiếu hòa hợp giữa các quốc gia là những yếu tố góp phần làm cho thị trường TPCN rối loạn. Ở Việt Nam, với khoảng 50% sản phẩm TPCN có vi phạm về chất lượng với những hình thức tinh vi… “Làm sao định hướng quản lý để bảo vệ sức khỏe NTD. Bên cạnh đó, các chính sách đưa ra phải bảo đảm được phát triển kinh tế - xã hội, tạo một hành lang pháp lý lành mạnh, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam qua từng thời kỳ. Thầy thuốc phải hiểu TPCN, có thể không kê đơn nhưng phải hướng dẫn cho người tiêu dùng sử dụng TPCN. Cơ quan quản lý phải thống nhất được biện pháp quản lý, đừng làm rối thêm “ma trận” TPCN”, ông Truyền nhấn mạnh

Ông Trần Đáng cũng cho biết, để kiểm soát được thị trường TPCN, cần thiết phải ban hành bộ tiêu chuẩn TPCN, xây dựng hệ thống kiểm nghiệm TPCN…

Còn theo ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP, TPCN xuất hiện ở Việt Nam 15 năm nay, mặc dù theo quy định, quản lý thực phẩm phải theo quy chuẩn. Tuy nhiên, ngay cả hệ thống quy chuẩn của Việt Nam hiện nay chưa bao hàm được tất cả các mặt hàng. “Hiện nay, chúng tôi tiếp tục chỉ đạo ban hành thêm quy chuẩn cho một số mặt hàng hiện chưa có tiêu chuẩn về TPCN. Để công bố sản phẩm vẫn phải dựa trên các chỉ tiêu hóa chất, vi sinh không được vượt quá so với quy định về vệ sinh ATTP. Tới đây sẽ tập trung ban hành đến người dân trên cơ sở chuyển dịch quy chuẩn của quốc tế”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.