Tài chính

55 triệu thẻ ATM bị quên, lãng phí 2.750 tỷ đồng

16/05/2018, 08:06

Hơn 55 triệu thẻ ngân hàng đang bị “bỏ quên” dẫn tới một nguồn lực khổng lồ đang bị lãng phí.

12

Lượng thẻ ngân hàng phát hành song không được khách hàng dùng đến, không phát sinh doanh thu lên đến 55 triệu đơn vị, tương ứng chi phí phát hành hơn 2.750 tỷ đồng

Đua nhau phát hành thẻ ATM, lãng phí lớn

Trong vài năm trở lại đây, các ngân hàng đua nhau phát hành thẻ để mở rộng thị trường. Riêng năm 2017, theo số liệu từ Hội Thẻ Việt Nam, 4 ông lớn trong ngành Ngân hàng là: Vietinbank, Vietcombank, BIDV và Agribank đã phát hành gần 2,3 triệu thẻ năm 2017. Chi phí phát hành tính ở mức thấp nhất đối với gần 2,3 triệu thẻ trên là 115 tỷ đồng.

Hội Thẻ Việt Nam cũng thống kê trong toàn ngành Ngân hàng năm 2017 tăng mạnh lượng thẻ phát hành với con số gần 15,6 triệu thẻ mới, bằng 20% số thẻ đang hoạt động thực tế trên thị trường. Với phép tính như trên, chi phí thấp nhất để phát hành số thẻ này là 780 tỷ đồng. Chưa tính, trong số này còn có một số lượng lớn các loại thẻ cao cấp với chi phí phát hành cao hơn, gấp 2-3 lần. Do đó, chi phí phát hành thực tế chắc chắn cao hơn nhiều con số 780 tỷ đồng.

Đáng chú ý, số lượng thẻ ngân hàng phát hành tính đến cuối năm 2017 là 132 triệu thẻ. Nhưng theo số liệu của Hội Thẻ Việt Nam, chỉ có 77 triệu thẻ hoạt động thực sự, 55 triệu thẻ còn lại nằm im trong ví người dùng, không phát sinh giao dịch, không mang lại doanh thu. Nếu áp dụng phép tính như trên, chi phí thấp nhất để phát hành số thẻ không dùng đến này là 2.750 tỷ đồng, đồng nghĩa một nguồn lực xã hội rất lớn bị lãng phí.

Đua tăng phí để bù chi phí thẻ “rác”?

Chị L.T.Tâm (Hải Dương) cho biết, hiện đang sử dụng hai thẻ ngân hàng để giao dịch tiền hàng. Hàng tháng chị phải trả rất nhiều loại phí như phí chuyển khoản mỗi lần chuyển tiền, phí duy trì hàng tháng... “Không hiểu sao khi mình nộp tiền vào tài khoản của mình, chỉ khác tỉnh thôi mà cũng phải đóng phí cho ngân hàng? Tôi mang tiền để vào hệ thống ngân hàng, ngân hàng có vốn để kinh doanh, mà “đè” ra thu phí có vô lý không?”, chị Tâm đặt câu hỏi.

Ngoài phí như chị Tâm đề cập, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cũng cho biết, ở Việt Nam, các ngân hàng áp dụng nhiều loại phí vô lý khác như phí in sao kê, phí truy vấn tài khoản, phí chuyển tiền nội mạng... “Liệu những loại phí vô lý này có phải để bù đắp cho chi phí phát hành thẻ “rác”?”, ông Hiếu đặt câu hỏi?

"Qua theo dõi các hệ thống thanh toán lớn, tốc độ tăng trưởng giá trị giao dịch hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng và hệ thống chuyển mạch đều đạt trên 30% thanh toán không dùng tiền mặt; thanh toán qua internet tăng trưởng 81% và mobile tăng gần 70%. Năm 2017 là năm thứ 3 liên tiếp tỷ lệ rút tiền mặt giảm so với năm trước, từ 15% về 10%. Ngân hàng Nhà nước đang khuyến khích để người dân sử dụng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt trong thời gian tới."

Ông Phạm Tiến Dũng
Vụ trưởng Vụ Thanh toán
(Ngân hàng Nhà nước)

Hiện nay, nhiều ngân hàng trong cuộc đua phát hành thẻ đã miễn phí phát hành cho khách hàng. Tuy nhiên, Chủ tịch Hội Thẻ Việt Nam Đào Minh Tuấn lại chỉ ra rằng: Khi phát hành thẻ, ngân hàng không thu khoản này cũng sẽ thu khoản kia, như thu phí duy trì tài khoản hay phí thường niên. Riêng khoản phí thường niên với thẻ tín dụng đã lên đến vài trăm nghìn đồng, thậm chí cả triệu đồng/năm với những loại thẻ cao cấp. Chính vì thế, dù chi phí của nhiều ngân hàng tăng cao, song họ cũng thu về doanh thu lớn từ phí dịch vụ.

Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đã thống kê, thu nhập thuần từ hoạt động dịch vụ của hệ thống ngân hàng năm 2017 tăng 34,7% so với năm 2016. Đồng thời, dự báo nguồn thu từ hoạt động kinh doanh này sẽ còn tăng lên trong tương lai.

Trở lại vấn đề thẻ “rác”, làm thế nào để xử lý? Một chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng cho biết: Khác với “sim rác”, thẻ ngân hàng đã được định danh (gồm họ tên, ngày tháng năm sinh, địa chỉ thường trú, ngày mở thẻ...), song giống ở chỗ không phát sinh doanh thu.

Tuy nhiên, trong ngành ngân hàng hiện nay, mở thẻ là có thêm tài khoản, có tài khoản là có khách hàng, có khách hàng là có tất cả. Ngay cả các định chế lớn như Visa hay Master cũng thực hiện chiến lược này. Thế nên, việc ngân hàng giao chỉ tiêu cho nhân viên phát hành thẻ là điều dễ hiểu.

Còn về câu chuyện ngân hàng có thu phí để bù cho việc phát hành thẻ thừa hay không, vị này cho biết, điều này phụ thuộc vào chiến lược từng ngân hàng. Bởi, hiện nay có nhiều loại phí mà ngân hàng A thu nhưng ngân hàng B lại không thu. “Có ngân hàng bỏ tiền đầu tư và sẵn sàng chịu lỗ 10 năm”, vị này nói.

Theo Chủ tịch Hội Thẻ Việt Nam, trong bối cảnh hiện nay, phương thức thanh toán ngày càng đa dạng, như thanh toán online, thanh toán di động, QR Code... Do đó, các ngân hàng không nhất thiết chỉ tập trung vào phát hành thẻ mà cũng nên tính toán chiến lược đầu tư phù hợp.

Nhằm đảm bảo phát hành sử dụng thẻ tín dụng của các tổ chức tín dụng, NHNN ngày 15/5 đã ban hành văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng kiểm soát chặt chẽ hoạt động phát hành thẻ tín dụng, đảm bảo tuân thủ đúng quy định tại Thông tư số 19/2016 ngày 30/6/2016 quy định về hoạt động thẻ ngân hàng và Thông tư số 26/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 19/2016/TT-NHNN.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.