Xã hội

58% phụ nữ kết hôn bị bạo hành, không ai bảo vệ?

04/12/2014, 07:26

Theo nghiên cứu của UNODC (Cơ quan phòng chống tội phạm và ma túy Liên hợp quốc), ở Việt Nam 77% vụ việc bạo lực giới được hòa giải nhưng không đạt kết quả mong đợi và bạo lực vẫn tiếp diễn.

Nạn nhân bị bạo lực gia đình chia sẻ với phóng viên
Nạn nhân bị bạo lực gia đình chia sẻ với phóng viên

Từng muốn chết vì 15 năm bị bạo hành

Từ 15 năm qua, chị Trần Thị Sự (Gia Lâm, Hà Nội) cứ nhìn thấy chồng là sợ rúm người. Theo lời chị, từ ngày chị sinh cô con gái thứ ba là anh dần thay đổi tính tình. Chả cần lý do, chồng chị sẵn sàng “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với chị bất kể là ngày hay đêm, cả khi chị đang ngủ hay đi làm đồng. Không màng đến sức khỏe của vợ, cứ khi nào thích là chồng xông vào, xé quần xé áo, bắt chị quan hệ tình dục. Đã hai năm nay, chị không bước chân được vào chính ngôi nhà của mình, bởi cứ nhìn thấy chị là chồng chị “tay dao, tay gạch” đánh, đuổi đi. Chồng chị đã ngang nhiên đưa người đàn bà khác về nhà sinh sống.   

Theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, bạo lực gia đình là nguyên nhân khiến mỗi năm có tới 8 nghìn vụ ly hôn; 27% phụ nữ bị ngược đãi phải nhập viện, hơn 10% phải điều trị y khoa.

Nhiều lần bị chồng đánh phải nhập viện, chị Sự đã cầu cứu đến công an xã, chính quyền địa phương, thế nhưng lần thì cơ quan chức năng khuyên nhủ “chuyện gia đình, đóng cửa bảo nhau”, lần thì tạm giam chồng chị 24h rồi lại thả ra, nên rốt cục, chồng chị Sự vẫn “chứng nào, tật nấy”. “Có lần tôi bị chồng đánh máu me bê bết, tìm đến Công an xã báo cáo, nhưng chồng tôi chỉ bị tạm giữ 24h rồi được thả ra. Sau mỗi lần tôi đi trình báo, thì đòn, roi giáng xuống mình còn nhiều hơn, mạnh hơn”, chị Sự cho biết. 

Bài toán ly hôn được đặt ra để chia tài sản hòng mong có nơi trú thân của chị cũng đang vào ngõ cụt. Chị Sự cho biết, để ly hôn và nhận 50% tài sản chung hiện có của hai vợ chồng, chị phải đóng thuế 5%/tổng giá trị tài sản (mảnh đất đang sống) ước tính khoảng 70 triệu đồng. Chị than thở: “Tiền đâu ra mà đóng chứ, thế nên đành rút đơn ly hôn về”.

Theo số liệu nghiên cứu Quốc gia về bạo lực gia đình với phụ nữ, 58% phụ nữ từng kết hôn đã trải qua ít nhất một hình thức bạo lực gia đình trong suốt cuộc đời của họ. 

Bảo vệ thực tế còn xa pháp lý

Theo nghiên cứu của UNODC, có đến 54% người bị bạo lực cho rằng biện pháp xử lý của Công an là chưa nghiêm minh, chỉ có 8% đã được cán bộ tư pháp, trợ giúp pháp lý giúp đỡ; 66% người bị bạo lực gia đình không hài lòng với việc hòa giải tại cộng đồng.

Ông Trần Nguyên Tú, Phó Trưởng phòng Quản lý chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý, Cục Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp cho hay, trên thực tế, đã có hệ thống trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bạo lực giới. Từ năm 2011-2013, các trung tâm này đã thực hiện trợ giúp pháp lý cho 42.140 phụ nữ, trong đó, có 1.061 nạn nhân bạo lực gia đình, 54 nạn nhân bị mua bán và 268 nạn nhân bị bóc lột và xâm hại tình dục. Năm 2013, các trung tâm đã thực hiện 1.275 vụ việc trợ giúp pháp lý cho phụ nữ là nạn nhân bạo lực gia đình; trong đó tham gia tố tụng hình sự 93 vụ. Riêng 6 tháng đầu năm 2014, trợ giúp pháp lý cho 85 vụ việc bạo hành gia đình. Tuy nhiên, ông Tú cũng cho rằng, con số này vẫn rất nhỏ so với nhu cầu thực tế.

Theo Luật sư Nguyễn Hưng Quang (Văn phòng Luật sư NH Quang và các cộng sự) chính sách và pháp luật trong lĩnh vực phòng chống bạo lực gia đình khá đầy đủ, tuy nhiên sự chồng chéo, chưa rõ ràng trong các quy định đã gây khó đối với người thực thi pháp luật. 

Nhằm bảo vệ quyền lợi người bị bạo hành, ông Nguyên Tú đề xuất, bổ sung quy định tất cả nữ giới là nạn nhân của bạo lực giới đều được trợ giúp pháp lý; hoàn thiện chính sách, pháp luật hình sự và tố tụng hình sự để bảo đảm quyền lợi và lợi ích hợp pháp của nạn nhân; tăng cường chất lượng và mạng lưới trợ giúp pháp luật đến từng khu dân cư…

Vũ Anh  

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.