Xã hội

6 bài học trong xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam

24/11/2021, 09:37

Theo Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, văn hóa đã hun đúc nên tâm hồn, khí phách, bản lĩnh Việt Nam, làm rạng rỡ lịch sử vẻ vang của dân tộc.

Văn hóa làm rạng rỡ lịch sử vẻ vang của dân tộc

Sáng nay (24/11), tại hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa trình bày Báo cáo tóm tắt về việc Kế thừa, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc; Xây dựng, phát triển văn hóa sau 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước; Các định hướng, giải pháp chủ yếu nhằm phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

img

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa

Báo cáo nêu rõ: Văn hóa Việt Nam là thành quả hàng nghìn năm lao động sáng tạo, đấu tranh kiên cường dựng nước và giữ nước của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, là kết quả giao lưu và tiếp thu tinh hoa của nhiều nền văn minh thế giới để không ngừng hoàn thiện mình.

Văn hóa Việt Nam đã hun đúc nên tâm hồn, khí phách, bản lĩnh Việt Nam, làm rạng rỡ lịch sử vẻ vang của dân tộc; hình thành nên những giá trị văn hóa Việt Nam cao đẹp, bền vững: Yêu nước, đoàn kết, cần cù, dũng cảm, tài trí, lạc quan, hiếu học, nghĩa tình, hòa hiếu, khoan dung…

Kế thừa, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, ngay từ khi ra đời và lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định ba mặt trận quan trọng của cách mạng nước ta là chính trị, kinh tế và văn hóa.

Đề cương Văn hóa Việt Nam năm 1943 của Đảng khẳng định ba nguyên tắc vận động quần chúng xây dựng văn hóa là "Dân tộc hóa"; "Đại chúng hóa"; "Khoa học hóa". Tính chất của nền văn hóa mới Việt Nam được xác định là "dân tộc về hình thức, tân dân chủ về nội dung".

Tại hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ Nhất khai mạc ngày 24/11/1946 tại Nhà hát lớn TP Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Nền văn hóa mới của nước nhà lấy hạnh phúc của đồng bào, của dân tộc làm cơ sở"; "Văn hóa phải làm thế nào cho ai cũng có lý tưởng tự chủ, độc lập, tự do"...

Người nêu chân lý: "Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi" và lưu ý trong công cuộc kiến thiết nước nhà, có 4 vấn đề phải coi trọng ngang nhau: Chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa.

Tháng 7/1948, tại Việt Bắc, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai. Trong thư gửi các đại biểu tham dự hội nghị, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: "Chúng ta cần phải xây dựng một nền văn hóa kháng chiến kiến quốc của toàn dân".

Sau hai hội nghị quan trọng này, các lực lượng văn hóa, văn nghệ cùng toàn dân toàn quân nô nức đi vào cuộc kháng chiến với khẩu hiệu "Cách mạng hóa tư tưởng, quần chúng hóa sinh hoạt".

img

Toản cảnh Hội nghị

Nhiều kết quả quan trọng sau 35 năm đổi mới

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, sau 35 năm đổi mới đất nước, việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đạt được những kết quả quan trọng.

Thứ nhất, nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác văn hóa tiếp tục được đổi mới, cơ bản đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Thứ hai, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa từng bước được nâng cao; nhân dân đóng góp sức người, sức của, tổ chức các hoạt động, xây dựng thiết chế, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa.

Thứ ba, việc xây dựng môi trường văn hóa đạt được kết quả tích cực, điển hình như phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" gắn với Cuộc vận động "Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, xây dựng nếp sống và văn hóa ứng xử nơi công cộng"; nhiệm vụ bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc hài hoà với phát triển kinh tế - xã hội; huy động được nhiều nguồn lực giữ gìn di sản văn hóa truyền thống...

Thứ tư, việc xây dựng văn hóa trong chính trị gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Tiếp tục xây dựng và thực hiện quy hoạch cán bộ, quy chế văn hóa công sở, cải cách thủ tục hành chính, quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan...

Thứ năm, việc xây dựng văn hóa trong kinh tế bước đầu có chuyển biến về nhận thức và hành động. Xây dựng văn hóa kinh tế, trong đó quan trọng nhất là văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân, văn hóa kinh doanh.

Thứ sáu, bản sắc, giá trị văn hóa, con người Việt Nam tiếp tục được kế thừa, phát huy cao độ khi đất nước gặp khó khăn, thử thách do thiên tai, dịch bệnh, nhất là đại dịch Covid-19 từ cuối năm 2019 đến nay.

Thứ bảy, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam với bạn bè thế giới.

6 bài học kinh nghiệm trong xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam

Tuy nhiên, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cũng cho biết, qua 35 năm đổi mới, việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam còn không ít hạn chế, yếu kém, chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Quan điểm xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp chưa được triển khai mạnh mẽ, chưa thật sự thấm sâu trong các tầng lớp xã hội. Việc quán triệt và thực hiện đường lối, quan điểm, nghị quyết của Đảng về văn hóa có lúc, có nơi chưa đạt yêu cầu đề ra.

Việc thể chế hóa đường lối, quan điểm, nghị quyết của Đảng về xây dựng, phát triển văn hóa, con người chưa theo kịp yêu cầu; Môi trường văn hóa gia đình - nhà trường - xã hội có lúc, có nơi chưa lành mạnh, có mặt xuống cấp; Việc xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế tuy đã được triển khai, nhưng kết quả chưa tương xứng...

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nêu 6 bài học kinh nghiệm trong xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam sau 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước.

Thứ nhất, không ngừng đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng về xây dựng, phát triển văn hóa, con người đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Coi trọng công tác lãnh đạo, quản lý, tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân về vai trò, vị trí văn hóa, con người; việc chỉ đạo thực hiện phải thường xuyên, liên tục, lan tỏa, thấm sâu, có trọng tâm, trọng điểm.

Thứ hai, đẩy nhanh việc thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng về văn hóa, con người thành các văn bản quy phạm pháp luật, các chính sách và nguồn lực cụ thể, thiết thực, nhất là các chính sách đặc thù liên quan đến quản lý và hoạt động văn hóa, tạo môi trường pháp lý khơi dậy mọi tiềm năng, nguồn lực xã hội xây dựng và phát triển văn hóa, con người.

Thứ ba, hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa trên cơ sở đặc điểm vùng miền, dân tộc, tôn giáo, từng nhóm đối tượng, phù hợp với nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân. Trong đó, đảm bảo vai trò chủ đạo của Nhà nước trong xây dựng văn hóa, con người; Xây dựng một số thiết chế văn hóa tiêu biểu, có trang thiết bị hiện đại, chuyên nghiệp tại một số tỉnh, thành phố trọng điểm.

Thứ tư, chú trọng quy hoạch, đào tạo, bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý văn hóa ở các cấp có đức, có tài, có kinh nghiệm; Xây dựng đội ngũ chuyên gia, các nhà khoa học, văn nghệ sĩ giỏi chuyên môn, có khả năng hội nhập quốc tế chủ động, tích cực; Phát hiện, đào tạo, sử dụng tài năng văn hóa, văn nghệ...

Thứ năm, xây dựng môi trường văn hóa đồng bộ trong gia đình, nhà trường và xã hội; Cổ vũ, động viên nhân tố mới, điển hình tiên tiến; kiên quyết đấu tranh loại trừ cái xấu, các ác, cái tiêu cực tha hóa con người, ảnh hưởng đến truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc...

Thứ sáu, xây dựng văn hóa trong chính trị, trong kinh tế, chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"; Xây dựng các tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội thực sự trong sạch, vững mạnh; Cán bộ, đảng viên gương mẫu về mọi mặt, thực sự là tấm gương, là động lực, niềm tin để nhân dân học tập, noi theo; Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.