Chất lượng sống

6 giờ "cân não" phẫu thuật khối u hiếm gặp

04/05/2018, 06:20

Một bệnh nhân mắc u hiếm gặp vừa được các bác sĩ BV Tai Mũi Họng T.Ư cứu sống thành công sau ca mổ...

9

Bệnh nhân “từ cõi chết trở về” sau 6 giờ phẫu thuật khối u hiếm

Ca mổ thành công ngoài mong đợi

​Theo chia sẻ của PGS. Lê Minh Kỳ, Trưởng khoa Ung bướu, BV Tai Mũi Họng T.Ư, khi tiếp nhận nữ bệnh nhân Nguyễn Thị L. (52 tuổi, trú tại Anh Sơn, Nghệ An), các bác sĩ đều xác định đây là một ca bệnh đặc biệt hiếm gặp. Theo đó, bệnh nhân bị u nguyên sống đã to như trái bưởi, ôm hết vùng cổ lan dần phần nền sọ. Trước khi tìm đến với BV Tai Mũi Họng T.Ư, bệnh nhân đã thăm khám nhiều nơi, tuy nhiên không đơn vị nào “dám” nhận phẫu thuật vì vị trí khối u nguy hiểm nằm “vắt” từ nền sọ xuống cột sống và đặc biệt, còn “bao quanh” động mạch cảnh trong, nếu phẫu thuật có thể gây biến chứng nặng, thậm chí bệnh nhân tử vong trên bàn mổ.

“Nếu không phẫu thuật, bệnh nhân chỉ sống được một thời gian và chắc chắn sẽ tử vong. Trên thế giới chỉ ở các trung tâm y khoa lớn mới phẫu thuật được u này trong khi bệnh nhân cũng không có điều kiện đi nước ngoài. Do vậy, dù “cân não” rất nhiều nhưng chúng tôi quyết định nhận ca mổ này với hi vọng mang lại sự sống cho bệnh nhân”, BS. Kỳ cho biết.

U nguyên sống phát triển từ tàn tích rất nhỏ của sụn khớp và có thể người bệnh đã mang nó từ trong bụng mẹ. Loại u này hay bị nhầm với u amidan hoặc u bên họng. Tỷ lệ để mắc là 1/1 triệu người. Khối u này phát triển chậm nhưng rất nguy hiểm, gây đau đầu, cổ, nhìn đôi, xẹp cột sống, liệt tứ chi, rối loạn thở, ngừng thở… Các khối u nguyên sống không đáp ứng với hóa trị, xạ trị và các loại thuốc nên phẫu thuật là phương pháp duy nhất để điều trị. Nhưng phẫu thuật cũng sẽ rất khó khăn khi các khối u phát triển trên cột sống hoặc hộp sọ và vây quanh đó là những dây thần kinh - mạch máu quan trọng.

Sau hai lần hội chẩn căng thẳng bàn về giải pháp phẫu thuật với các bác sĩ Ngoại thần kinh, BV Bạch Mai, nhóm kíp mổ quyết định phối hợp thực hiện ca mổ cho bệnh nhân L. dù hy vọng chỉ là 50/50. Ca mổ kéo dài suốt 6 giờ đồng hồ.

Vào ca mổ, việc đầu tiên các bác sĩ phải thực hiện là bảo vệ động mạch cảnh của bệnh nhân đang bị khối u bao trọn quấn quanh. Vì vậy, bác sĩ buộc phải mổ mở và kết hợp cùng mổ nội soi, “phóng tích” từng phần nhỏ của khối u để giải phóng dần cho động mạch cảnh.

Các thiết bị kỹ thuật hỗ trợ cũng hết sức hiện đại với dao mổ siêu âm, hệ thống nội soi có định vị 3 chiều không gian, bác sĩ có thể nhìn rõ từng chi tiết nhỏ nhất. Nếu không có sự hỗ trợ này thì khi mổ mở dù có tinh mắt đến đâu thì việc định vị khối u và “vùng nguy hiểm” cũng là vô cùng khó khăn.

Dù kinh nghiệm cầm dao mổ vùng đầu cổ dày dặn nhưng BS. Kỳ cho hay: “Ở ca mổ này, cả kíp mổ căng thẳng từ giây phút đầu tiên đến giây phút cuối cùng, bởi chỉ sơ suất một chút nếu chạm vào động mạch cảnh, máu sẽ phun không cầm được, nguy cơ tử vong của bệnh nhân rất cao”.

Sau khi phóng thích khối u để bảo vệ phần động mạch cảnh, các bác sĩ lại “toát mồ hôi” xử lý phần khối u “ăn” trên sọ não. Điều vô cùng may mắn là khối u mới chỉ “ăn” đến màng cứng của não, chưa vào thân não, do vậy việc giải quyết nhẹ nhàng hơn rất nhiều.

Cuối cùng, là lấy u vùng tuỷ sống cổ bởi khối u cũng “ăn” sang cả đốt sống C1, đây cũng là một giai đoạn phẫu thuật khó khăn bởi nguy cơ gây liệt tứ chi cho bệnh nhân rất cao nếu chạm vào tuỷ sống cổ của bệnh nhân.

Sau 6 giờ liên tục thực hiện phẫu thuật, các bác sĩ đã thở phào nhẹ nhõm vì ca mổ thành công ngoài mong đợi.

Cái kết ngọt ngào khi đặt lòng tin ở bác sĩ

Có thể nói, đây là ca mổ lấy khối u nguyên sống rất lớn ở vùng nền sọ - cột sống và cổ bên, lần đầu tiên được thực hiện thành công tại Việt Nam.

Nằm trên giường bệnh, dù giọng nói còn chưa “tròn vành, rõ chữ”, bà L. bảo, sau ca mổ, bà như từ “cõi chết trở về”. Ngồi bên cạnh chăm mẹ, chị Nguyễn Thị Thương, còn gái bà L. cho biết, cách đây gần một năm, mẹ chị thấy khó nói, khó thở, nên gia đình cho đi khám. Tuy nhiên, khi khám ở tuyến huyện, bác sĩ chẩn đoán bà bị xoang. Sau đó các dấu hiệu này ngày một nặng hơn và một phần cổ sưng to. 

Đến đầu năm 2018, chị quyết định đưa mẹ đi khám ở BV Ung bướu Nghệ An, sau chụp chiếu, các bác sĩ cho biết mẹ chị có khối u ở vùng cổ gáy. Lo lắng, chị đưa mẹ thẳng lên tuyến trên và tìm đến Bệnh viện Tai Mũi Họng T.Ư thăm khám, chụp CT, MRI và kết quả cho thấy đó là khối u thành sau cổ. 

Chị Thương chia sẻ: “Trước ca mổ, gia đình cũng được các bác sĩ giải thích khối u rất phức tạp và hiếm gặp, duy nhất phương án mổ là mang lại hiệu quả điều trị, tuy nhiên kết quả tiên lượng thành công chỉ 50/50”. Chị Thương cho hay, theo tư vấn của bác sĩ, đây là ca bệnh u hiếm vô cùng phức tạp nên nếu ca mổ không thành công, bệnh nhân có thể tai biến liệt nửa người, liệt toàn thân, mù lòa hoặc chảy máu não, thậm chí là có thể tử vong ngay trên bàn mổ… Tuy nhiên, không đắn đo nhiều, gia đình đã nhanh chóng quyết định cho bệnh nhân mổ.

“Khi tìm đến bệnh viện là gia đình em đã đặt trọn vẹn lòng tin vào các bác sĩ. Và hy vọng của gia đình đã thành hiện thực, gánh nặng lo lắng được trút bỏ sau 6 giờ đứng ngồi không yên ngoài phòng mổ khi BS. Kỳ thông báo ca mổ của mẹ em đã thành công”, khuôn mặt chị Thương rạng rỡ khi nhắc lại giây phút đón nhận tin vui.

Hiện, bà L. có thể đi lại, dần ổn định và đang trong quá trình phục hồi.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.