Xã hội

6 lần theo “Bảo vật quốc gia” tiếp lửa miền Nam

30/04/2020, 19:47

Có nhiều chuyến, tàu vận chuyển vũ khí chỉ còn cách đích đến 60 hải lý nhưng địch truy lùng gắt gao nên đành phải ngậm ngùi quay về.

img
Trung tá Hồ Hữu Độ bên hình ảnh tàu C41 năm xưa

Trung tá Hồ Hữu Độ có dáng đậm, da ngăm rắn chắc - đúng phong thái của người lính Hải quân quen sóng gió. Ở tuổi “xưa nay hiếm”, lại do ảnh hưởng bom đạn trong những năm chiến tranh khiến ông nghe khó nhưng những ký ức về đoàn tàu không số năm xưa vẫn còn nguyên vẹn.

Chuyến đi bão táp đầu tiên

Chàng trai Hồ Hữu Độ (SN 1944) ở làng chài ven biển của xã Quỳnh Bảng, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An. Năm 1962, học hết lớp 10 (hệ 10/10), khoa cử không thành, Độ tích cực tham gia hoạt động đoàn thể ở xóm làng. Tháng 4/1963, anh xung phong đi lính Hải quân, huấn luyện ở huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An.

Sau hơn 1 năm khổ luyện, tháng 5/1964, anh lính trẻ được điều ra Hải Phòng làm nhiệm vụ. “Lúc đó tôi không biết mình được điều ra để làm gì nhưng trong người thấy rất đỗi tự hào vì nghe chỉ huy nói là nhiệm vụ… đặc biệt”, ông Độ nhớ lại.

Sau 3 tháng học thiên văn, ông được điều xuống làm nhiệm vụ trên tàu C41. Kỳ lạ ở chỗ tàu chỉ có la bàn, hải độ; không vô tuyến cũng chẳng có định vị, lại có đầy đủ ngư lưới cụ. Đặc biệt, kể từ khi nhận tàu, các chiến sỹ đều phải ăn mặc như các ngư dân và cách ly hoàn toàn với đơn vị, gia đình.

Tháng 10/1964, tàu C41 được lệnh ra bến tàu K15 (Đồ Sơn, Hải Phòng) nhận hàng. Sau đó, tàu tiếp tục di chuyển ra Bãi Cháy để đo đạc lại độ lệch la bàn rồi ra vịnh Sửng Sốt (nằm trong quần thể Vịnh Hạ Long) neo đậu. “Không lâu sau, lãnh đạo Bộ Tư lệnh Hải Quân đi ca nô ra trực tiếp giao nhiệm vụ và trao cho thuyền trưởng một bộ hải đồ đi biển với tỷ lệ lớn. Thuyền phó và tôi lập tức xác định lại các đường kẻ trên hải đồ để xây dựng kế hoạch đi chi tiết. Các anh em khác thì tranh thủ sơn lại tàu cho khác với ban đầu, chuẩn bị chuyến ra khơi đầu tiên”, ông Độ kể.

19h tối một ngày đầu tháng 10/1964, 18 chiến sỹ trên tàu C41 được lệnh nhổ neo xuất phát, đúng lúc gió mùa Đông Bắc tràn về. Do ảnh hưởng của gió mùa, biển động dữ dội, trời mưa xối xả. Từng đợt sóng cuồn cuộn gào thét rồi chồm lên liên hồi như muốn nuốt chửng con tàu, giữa màn đêm đen kịt.

“Ra khỏi cửa Vạn, các chiến sỹ đều bị say sóng nhưng tàu vẫn được lệnh đi. Qua ngày thứ nhất, thời tiết càng xấu, các chiến sĩ bắt đầu xuống sức. Tàu được lệnh đi vào cảng phía Bắc đảo Hải Nam (Trung Quốc) để tránh gió và bổ sung thực phẩm. Chiều cùng ngày, tàu tiếp tục hành trình bất chấp thời tiết xấu”, ông Độ tiếp mạch kể.

Những ngày sau đó, các chiến sỹ trên tàu C41 cưỡi sóng, đạp gió, phá sương mù, tự dò trên hải độ đi ra địa phận quốc tế rồi vòng xuống phía Nam. Cho đến ngày thứ 5, trời bắt đầu hé nắng, mù tan dần, kiểm tra thì thấy tàu có sai lệch nhỏ nhưng cơ bản vẫn đi đúng theo kế hoạch. Sau khi xác định được vị trí đảo của Malaysia, tàu chuyển hướng vào Vịnh Thái Lan, rồi tiếp tục bắt được đèn của trạm Côn Đảo, Hòn Khoai thì thẳng tiến vào bến Cà Mau.

Theo ông Độ, thời gian này do địch còn chưa nghi ngờ nên các chuyến hàng được vận chuyển khá thuận lợi. Trở ngại lớn nhất là do công tác bí mật nên tàu thường chọn những thời điểm thời tiết xấu để đi nên mọi sinh hoạt của cán bộ, thủy thủ rất khó khăn.

“Đi giữa sóng to gió lớn, muốn nấu cơm, nấu cháo hay luộc trứng, anh em phải dùng một tấm vải màn lót dưới vung nồi. Vậy mà nhiều lần đang bắc bếp, gặp ngay sóng to, thuyền lắc mạnh khiến cả nồi và mọi thứ bên trong bay tung tóe. Chưa kể, nhiều anh em say sóng, ăn được tí gì là nôn hết. Ngoài ra, thời tiết xấu nên việc xác định vị trí của tàu và hướng đi gặp nhiều khó khăn.

Sau chuyến đầu vào Cà Mau, ông Độ còn tiếp tục theo tàu C41 hoàn thành thêm 3 chuyến đưa vũ khí vào Vũng Rô (Phú Yên). Đến tháng 5/1965, ông được điều về đi học sỹ quan ở Trường sỹ quan Hải Quân tại Quảng Yên (Quảng Ninh). Tháng 7/1967, ông Độ tiếp tục được điều về làm thuyền phó tàu C41 và tiếp tục hoàn thành 2 chuyến vận chuyển vũ khí, tiếp viện cho miền Nam. Chuyến thứ 5 đi tháng 11/1968, vào Bà Rịa - Vũng Tàu; chuyến thứ 6 đi tháng 5/1970, vào Bạc Liêu. Cuối năm 1971, ông được điều lên làm thuyền trưởng tàu C41, cho đến cuối tháng 2/1973 ông thì được điều đi học ở Nga.

Hàng chục cán bộ, chiến sĩ nằm lại biển khơi

Nhấp ngụm trà nóng, cựu binh Hồ Hữu Độ kể tiếp: Có nhiều chuyến, tàu vận chuyển vũ khí chỉ còn cách đích đến 60 hải lý nhưng địch truy lùng gắt gao nên đành phải ngậm ngùi quay về điểm xuất phát.

Ấy là chuyến hàng tháng 2/1970, lúc đó ông Độ là thuyền phó tàu C41. Sau hai ngày đầu suôn sẻ, ngày thứ 3 trời bắt đầu mưa và xuất hiện 1 máy bay Mỹ rà soát ngay trên đầu. Địch cứ rà đi rà lại một hồi rồi bay đi. Ngày thứ 6, đến điểm quay tàu vào vịnh Thái Lan, các đảng viên trên tàu tổ chức họp chi bộ.

Tàu C41 còn gọi là tàu 641 có tên đầy đủ là Tàu Vận tải Quân sự HQ671. Tàu dài 31,5m, rộng 5,8m, cao từ đáy đến đỉnh cột cờ 11,7m, lượng giãn nước 165 tấn, là loại tàu Quảng Châu (trọng tải 50 tấn) do Trung Quốc sản xuất năm 1962, viện trợ cho Hải quân Việt Nam năm 1964. Tập thể đội tàu đã 2 lần được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Được tặng thưởng: 4 Huân chương Quân công, 8 Huân chương Chiến công và nhiều phần thưởng cao quý khác… Ngày 25/12/2017, tàu được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia và đang được lưu giữ tại Bảo tàng Quân chủng Hải quân.


“Có linh cảm không lành, nhưng nếu nói là tàu đã bị lộ thì không có căn cứ nên tôi đề xuất chúng ta cứ tắt đèn mà đi, nếu lộ thì địch sẽ có động thái ngay. Ý kiến được cả chi bộ đồng ý”, ông Độ nhớ lại và kể tiếp, tàu vừa tắt đèn thì máy bay địch lập tức ập đến thả 4 quả pháo sáng, cả một vùng biển sáng rực. Nhanh ý, tàu của ta liền nhấp nháy điện sáng rồi tắt như đang gặp sự cố sửa điện, một lúc sau mới cho đèn sáng.

Hai phút sau đó, một tàu khu trục và một tàu đổ bộ áp sát tàu C41 khóa đầu và khóa đuôi. Tàu được lệnh quay lại, luồn lách di chuyển lên hướng Hồng Kông. Lúc này trên tàu vẫn treo cờ nước bạn, địch nghi ngờ là ngư dân nên giãn ra và đi bên cạnh.

Cho đến sáng hôm sau, hai tàu địch vẫn theo sát tàu C41, có thời điểm chỉ cách tàu của ta khoảng 50m. Anh em chiến sĩ vẫn bình tĩnh luồn lách, cho đến tận quần đảo Hoàng Sa.

“Tàu C41 được lệnh tiến vào Hòn Đông (thuộc quần đảo Hoàng Sa, bị Trung Quốc chiếm đóng) neo đậu nhưng tàu địch vẫn chạy phía ngoài theo dõi. Sáng hôm sau, tàu địch đi ra xa thì tàu C41 nhổ neo quay về Hải Phòng”, ông Độ nhớ lại.

Kể đến đây, giọng ông chùng xuống, nghẹn ngào: “Chúng tôi may mắn hơn đồng đội là còn sống quay về. Có thời điểm, chúng ta xuất phát 4 tàu thì duy chỉ 1 tàu quay về được, 3 tàu khác vĩnh viễn nằm lại trong lòng biển khơi. Hàng chục cán bộ, thủy thủ đã anh dũng hy sinh cùng với con tàu của mình để giữ bí mật tuyến đường vận chuyển”.

Đưa ánh mắt về phía xa xăm, ông Độ kể: Đêm 29 rạng sáng ngày 30 xuân Mậu Thân (1968), quân dân các tỉnh ven biển miền Trung và Tây Nguyên đồng loạt nổ súng mở màn cuộc tổng tiến công và nổi dậy, sau đó đồng loạt nổ ra khắp các tỉnh thành miền Nam. Để đảm bảo chi viện vũ khí, đạn dược cho quân, dân miền Nam, Bộ Tư lệnh Hải quân đã cho 4 tàu C165, C43, C56 và C235 chở theo hàng trăm tấn vũ khí xuất kích chi viện. Tuy nhiên, duy chỉ tàu C56 chở 37 tấn vũ khí vào Lộ Giao (Bình Định). Khi cách bến 40 hải lý, tàu gặp tàu và máy bay địch phong tỏa, Sở chỉ huy buộc phải yêu cầu Tàu C56 quay trở về miền Bắc.

Tàu C165 chở hơn 64 tấn vũ khí xuất phát đêm 25/2 đến Vàm Lũng (Cà Mau). Đến ngày 29/2, tàu bị 8 tàu chiến địch bao vây, 18 cán bộ, chiến sĩ đã dũng cảm chiến đấu, nhưng địch quá mạnh. Để đảm bảo bí mật cho tuyến đường, các chiến sỹ trên tàu đã điểm hỏa, con tàu cùng 18 thủy thủ mãi mãi nằm lại biển khơi.

Tàu C43 khởi hành đêm 27/2 chở 37 tấn vũ khí vào bến Ba Làng An (Quảng Ngãi). Rời bến được 1 ngày thì tàu bị hỏng máy, cán bộ, thủy thủ đã tìm cách khắc phục và tiếp tục hành trình. Sau đó, tàu gặp 6 tàu chiến và máy bay trực thăng của địch, các chiến sĩ vừa chiến đấu vừa cho tàu cơ động vào gần bờ, bắn rơi và làm hư hỏng 2 máy bay địch. Do địch đông và hỏa lực mạnh, cán bộ, thủy thủ phải rút lên bờ và hủy tàu; 3 chiến sĩ hy sinh, 12/14 đồng chí còn lại bị thương.

Tàu C235 gồm 20 cán bộ, chiến sĩ đưa hàng tới bến Hòn Hèo (Khánh Hòa). Bằng sự mưu trí, quả cảm, cán bộ, chiến sĩ tàu C235 đã vượt qua vòng vây địch thả được hàng ở bến Ninh Phước. Khi bị 7 tàu địch bao vây xả súng, các chiến sĩ đã chiến đấu ngoan cường cho đến khi khoang máy trúng đạn, thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh lệnh cho thương binh rời tàu, còn mình và một số đồng chí ở lại hủy tàu rồi vào bờ sau. 14 cán bộ, chiến sĩ tàu C235 đã hy sinh, 1 đồng chí bị địch bắt, chỉ có 5 đồng chí thoát được vượt rừng Trường Sơn cho đến tận 6 tháng sau mới về tới Hải Phòng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.