Hồ sơ tài liệu

6 thuyền viên Việt bị bắt cóc và mối lo IS

12/11/2016, 10:52

Vụ 6 thuyền viên bị bắt cóc ở vùng biển Philippines dấy lên quan ngại về sự gia tăng của khủng bố châu Á.

Phi

Philippinescho phép Malaysia và Indonesia tiến vào vùng lãnh hải nước này để thực hiện các cuộc truy đuổi Abu Sayyaf

Hang ổ khủng bố

Hôm qua, tin 6 thuyền viên Việt Nam bị bắt cóc ở ngoài khơi tỉnh Basilan, miền nam Philippines khiến cộng đồng thế giới và Việt Nam vô cùng quan ngại. 

Miền Nam Philippines là hang ổ của nhóm khủng bố Abu Sayyaf. Nhóm phiến quân Hồi giáo ly khai này có căn cứ tại đảo Jolo và Basilan. Được thành lập từ đầu những năm 1990, Abu Sayyaf quy tụ khoảng 400 phần tử Hồi giáo cực đoan chủ yếu hoạt động ở miền Nam Philippines, tiến hành nhiều vụ bắt cóc tống tiền, đánh bom và hành quyết dã man con tin. Nhóm này bị cáo buộc là thủ phạm các vụ tấn công khủng bố tồi tệ nhất tại Philippines, trong đó có vụ đánh bom một con phà tại Vịnh Manila năm 2004 làm hơn 100 người thiệt mạng.

Hồi đầu tháng này (5/11), hai thuyền trưởng tàu cá Indonesia cũng bị bắt cóc ngoài khơi bang Sabah, miền Đông Malaysia, khu vực mà nhóm phiến quân Abu Sayyaf ở Philippines bị cáo buộc tiến hành hàng loạt vụ bắt cóc tương tự.

Vụ bắt cóc 6 thuyền viên thu hút sự quan tâm của toàn thế giới, bởi nhóm phiến quân Hồi giáo Abu Sayyaf thề trung thành với Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) hồi giữa tháng 4/2016 vừa qua.  Hiện nhóm này bị nghi ngờ vẫn đang giữ 15 con tin khác, trong đó có 1 con tin người Hà Lan, 5 người Malaysia, 2 người Indonesia và 7 người Philippines.

 Trả lời Báo Giao thông về việc 6 thuyền viên Việt Nam trên tàu Royal 16 nghi bị bắt có và 1 người khác bị thương ở ngoài khơi Philippines, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cho biết:

“Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Philippines liên lạc khẩn cấp với các cơ quan chức năng sở tại để xác minh thông tin và tìm cách giải quyết vụ việc sớm nhất.

Chiều 11/11, Đại sứ quán Việt Nam tại Philippines đã liên hệ với Bộ Ngoại giao và các cơ quan chức năng Philippines để tìm hiểu thông tin và tìm các biện pháp giải cứu sáu thuyền viên. Đại sứ quán cho biết thuyền viên bị thương trong tình trạng tỉnh táo và đang được điều trị tại Bệnh viện Brent của Philippines. Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao cũng đã thông báo vụ việc đến các cơ quan chức năng trong nước đề nghị khẩn trương phối hợp với các cơ quan chức năng của Philippines điều tra vụ việc”.

Chính phủ Philippines đã nhiều lần cam kết sẽ đưa ra xét xử nhóm khủng bố Abu Sayyaf và cam kết sẽ “vô hiệu hoá” những tay súng bắt cóc và kiên quyết không đàm phán với tổ chức khủng bố. 

Biện pháp đối phó 

Những vụ việc bắt cóc và sát hại con tin thời gian gần đây ở Philippines khiến dấy lên nhiều lo ngại, liệu tư tưởng cực đoan của IS đã lan tới đâu trong lòng châu Á nói chung và cụ thể ở đây là Đông Nam Á.

Dabiq - Tạp chí tuyên truyền của tổ chức khủng bố nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) từng công bố danh sách “mục tiêu tấn công”, trong đó có 3 nước Đông Nam Á.

Theo đó, IS đưa ra một danh sách 12 nước sẽ là mục tiêu tấn công của tổ chức này trong tương lai gần, trong đó có 3 nước Đông Nam Á (Indonesia, Philippines, Malaysia). IS cho rằng, các nước này là “những nước có đảng phái chính trị, tổ chức và phong trào Hồi giáo liên quan tới chính trị và bầu cử đều bị cho là phản đạo”.

Trước đó, ngày 10/11, Philippines đã nhất trí cho phép Malaysia và Indonesia tiến vào vùng lãnh hải của  mình để thực hiện các cuộc truy đuổi Abu Sayyaf. Hiện 3 nước đang tìm cách giải quyết các vụ bắt cóc và cướp biển do nhóm Abu Sayyaf tiến hành. Chính phủ Indonesia cũng kêu gọi các ngư dân nước này tránh hoạt động trong vùng biển Sabah gần biên giới với Philippines cho đến khi tình hình an ninh trong khu vực trở lại bình thường. 

Giới chức Indonesia cảnh báo tình hình an ninh ở khu vực vùng biển giữa Malaysia và Philippines trong 3 tuần qua là đáng báo động. Ngày càng xảy ra nhiều vụ cướp, bắn súng và bắt cóc được cho là do các tay súng Abu Sayyaf thực hiện. Trước đó, ngày 3/11, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte có cuộc gặp thủ lĩnh Nur Misuari của Mặt trận Giải phóng Hồi giáo Moro (MNLF) tại Dinh Tổng thống; nhằm thúc đẩy tiến trình hòa giải dân tộc. Nur Misuari là người sáng lập MNLF năm 1969. Ông đã chạy trốn từ tháng 9/2013 sau khi bị cáo buộc là cầm đầu một cuộc nổi dậy đẫm máu, theo Reuters

Trước đó, ông Duterte cho biết đã ra lệnh cho tòa án hủy bỏ lệnh bắt giữ Misuari để có thể thảo luận với nhà lãnh đạo này về việc thiết lập tiến trình hòa bình và  đối phó với nhóm khủng bố Abu Sayyaf. Ông Duterte đã từ chối đàm phán và ra lệnh quét sạch Abu Sayyaf  khỏi lãnh thổ Philippines. Ông Duterte và thủ lĩnh Misuari đã có cuộc thảo luận để tìm cách chấm dứt tình trạng nổi loạn ở miền Nam nước này trong 50 năm qua.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.