An ninh hình sự

6 tình huống Hồ Duy Hải có thể phải đón nhận sau phiên giám đốc thẩm

08/05/2020, 14:22

Luật sư Diệp Năng Bình cho biết, có 6 tình huống có thể xảy sau phiên giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải.

img
Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình làm chủ tọa phiên giám đốc thẩm

Viện KSND Tối cao đề nghị tuyên hủy hai bản án, thực nghiệm lại hiện trường vụ án

Từ ngày 6/5, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao đã mở phiên giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải giết người, cướp tài sản xảy ra tại bưu điện Cầu Voi (xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, Long An). Phiên tòa do Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình làm chủ tọa.

Tham dự phiên giám đốc thẩm còn có đại diện VKSND Tối cao, TAND Tối cao, đại diện các cơ quan tố tụng của tỉnh Long An và luật sư Trần Hồng Phong (luật sư bảo vệ cho Hồ Duy Hải).

Theo đại diện Viện Kiểm sát, kết luận về thời gian Hải có mặt ở bưu điện đều từ những chứng cứ gián tiếp. Cụ thể, dữ liệu của bưu điện có cuộc điện thoại của Hải nhưng là từ buổi trưa (lúc 11h25 ngày 13/1/2008), không có ý nghĩa chứng minh gì.

Lời khai của nhân chứng Vũ Đình Thường chỉ nói nhìn thấy có 1 thanh niên, cũng chỉ nói về khoảng thời gian là "khoảng 19h nhìn thấy". Anh Đinh Vũ Thường nói có nhìn thấy gì "có ánh đèn màu sáng" nhưng cũng không có căn cứ chứng minh đấy là điện thoại.

Người bán hoa quả gần bưu điện cũng chỉ xác nhận có chị Vân (một trong hai nạn nhân) đến mua hoa quả, còn không xác nhận được người đưa tiền cho Vân mua hoa quả là Hồ Duy Hải.

Cơ quan điều tra giải thích, Thường là đối tượng tình nghi nên lời khai không đưa vào hồ sơ nhân chứng. Nhưng lời khai này là một chứng cứ quan trọng trong vụ án nên đề nghị cung cấp cho Viện Kiểm sát và hội đồng giám đốc thẩm.

Từ những lập luận trên, đại diện Viện Kiểm sát đề nghị cần thực nghiệm lại hiện trường vụ án. Trong đó, tính cả thời gian Hải có mặt ở tiệm cầm đồ, đi trả xe... rồi từ đó đến bưu điện. "Chứ chúng ta không ngồi đây để suy diễn về khoảng thời gian", đại diện Viện Kiểm sát nói.

Đại diện Viện Kiểm sát cũng cho rằng tòa án hai cấp sơ thẩm, phúc thẩm đã có sai lầm nghiêm trọng trong việc đánh giá động cơ, mục đích. Bởi khi xét xử, tòa án phải đánh giá toàn diện những vấn đề đó, hai bản án đó phải hủy và xem xét lại.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình đồng tình đây là những chứng cứ gián tiếp. Tuy nhiên, ông Bình cho rằng nếu tách ra từng lời khai, tình tiết, chứng cứ một cách độc lập thì không nói lên điều gì, nhưng tổng hợp lại thì sẽ có vấn đề.

"Tại sao lại có nhiều vấn đề trùng hợp nhau đến như vậy với lời khai của Hải. Chúng ta không thể lấy từng việc, chẻ ra để phủ định từng cái", ông Bình đặt vấn đề.

Ông Bình cũng đề nghị viện kiểm sát đánh giá tính hợp lý những tài liệu luật sư Trần Hồng Phong cung cấp về lời khai của Đinh Vũ Thường vào ngày 17/12/2011.

Sau khi phân tích những mâu thuẫn trong vụ án mạng này, đại diện Viện KSND Tối cao vẫn bảo lưu quan điểm tất cả đều là những chứng cứ gián tiếp, chưa đủ cơ sở khẳng định người thanh niên đó là Hải. Do vậy, Viện KSND Tối cao đề nghị Hội đồng thẩm phán tuyên hủy hai bản án mà các cấp tòa đã kết tội Hồ Duy Hải.

6 tình huống pháp lý có thể xảy ra

Bình luận về số phận của tử tù Hồ Duy Hải trước thời điểm phán quyết của Hội đồng thẩm phán, luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn luật sư TP HCM) cho rằng, giám đốc thẩm là một thủ tục đặc biệt nhằm xem xét lại bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật, bị kháng nghị do phát hiện có những vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong quá trình giải quyết vụ án.

Nếu TAND Tối cao chấp nhận kháng nghị của Viện KSND Tối cao thì Hải sẽ được huỷ bản án tử của mình mà các cấp tòa đã tuyên trước đó. Như vậy, vụ án có thể được đình chỉ hoặc được điều tra và xét xử lại.

Luật sư Bình phân tích: Căn cứ Điều 388 (Bộ luật Tố tụng hình sự 2015) quy định về "Thẩm quyền của Hội đồng giám đốc thẩm" thì số phận của tử tù Hồ Duy Hải sẽ được định đoạt theo các hướng sau:

Một là, Hội đồng thẩm phán không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị.

Hai là, hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và giữ nguyên bản án, quyết định đúng pháp luật của Tòa án cấp sơ thẩm hoặc Tòa án cấp phúc thẩm bị hủy, sửa không đúng pháp luật

Ba là, hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật để điều tra lại hoặc xét xử lại;

Bốn là, hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và đình chỉ vụ án;

Năm là, sửa bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật;

Sáu là, đình chỉ xét xử giám đốc thẩm.

Cũng theo luật sư Bình, quyết định của Hội đồng giám đốc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày ra quyết định. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày ra quyết định, Hội đồng giám đốc thẩm phải gửi quyết định giám đốc thẩm cho người bị kết án, người đã kháng nghị; Viện Kiểm sát cùng cấp; Viện Kiểm sát, Tòa án nơi đã xét xử sơ thẩm, phúc thẩm; cơ quan thi hành án hình sự, cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng nghị hoặc người đại diện của họ; thông báo bằng văn bản cho chính quyền xã, phường, thị trấn nơi người bị kết án cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người bị kết án làm việc, học tập.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.