Đường bộ

60 năm trưởng thành từ tuyến lửa của “thợ cầu đường Cienco4”

21/09/2022, 12:48

60 năm vượt qua nhiều thử thách, thương hiệu Cienco4 đã và đang tiếp tục khẳng định vị thế, uy tín trên nhiều công trình trọng điểm quốc gia.

60 năm cùng đất nước nở hoa, 60 năm không ít thăng trầm, vất vả nhưng những người thợ cầu đường Cienco4 với sự dẻo dai, cung cách quản lý sáng tạo và tầm nhìn dài hạn đã không ngừng phát triển, thích ứng với thời cuộc, ghé lưng chung vai làm bừng sáng mạng lưới hạ tầng giao thông đưa đất nước hội nhập sâu rộng…

Mở đường trong “chảo lửa”

Một buổi sáng cuối tháng 9/2022, tại căn phòng khách rộng chưa đầy 20m2, ngồi bên các thế hệ cán bộ, nhân viên của Tập đoàn Cienco4, ông Đào Thanh lại bồi hồi nhớ lại những tháng ngày hào hùng của Cục Công trình I (tiền thân của Cienco4) trong công cuộc mở đường chi viện giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

img

Tuyến đường 20 tháng 7 (đường Trường Sơn) do Cục Công trình I mở đường trong chiến tranh chống Mỹ - Ảnh minh họa

Ở tuổi 98, giọng nói của vị Bí thư Đảng ủy đầu tiên của Cục Công trình I bắt đầu run rẩy, song, câu chuyện về quãng thời gian “sống bám cầu, bám đường, chết kiên cường dũng cảm” trên dải đất miền Trung vẫn được kể lại với khí thế đầy rạo rực.

“Một trong những thiên anh hùng ca phải kể đến chính là đường 20 tháng 7. Tuyến đường như lưỡi kiếm thọc sâu dần vào mạng sườn hậu cứ của địch của đường số 9 - Khe Sanh”, ông Thanh nói và cho biết, sau thắng lợi bẻ gãy chiến lược bình định của Mỹ, cục diện chiến trường miền Nam chuyển sang thế chiến dịch lớn đòi hỏi lực lượng GTVT nỗ lực lớn hơn trong vùng giáp ranh với chiến trường, phục vụ nhu cầu quân sự.

Trong thời kỳ chống chiến tranh phá hoại của Mỹ, Cục Công trình I đã mở được 7 đường vòng dài 655 km, bảo dảm giao thông và quản lý vận tải 154 km đường goòng, huy động ô tô, mô tô goòng, tay goòng, máy sà lan, cầu giây thiên tuyến vận chuyển gần nửa triệu tấn hàng hóa vào tiền tuyến lớn miền Nam.

Từ ngày 4/3/1972 - 15/1/1973, trên toàn tuyến của Cục Công trình I bị đánh 548 trận bom.

Sau khoảng 18.000 ngày đêm chiến đấu, lao động, gần 700 cán bộ, công nhân Cục công trình I đã ngã xuống để mở đường chi viện.

Giữa năm 1976, Chính phủ quyết định mở một con đường nối QL15A ở Lệ Ninh (Quảng Bình) với tuyến số 9 thuộc vùng địch kiểm soát và đặt tên là đường 20 tháng 7.

“Cục Công trình I được giao nhiệm vụ thi công tuyến đường này. Hơn 6.000 cán bộ, công nhân, thanh niên xung phong (TNXP), 40 máy gạt C100, T100, DT54 và hàng trăm thiết bị khác đã lên đường với tinh thần không đạn bom nào có thể ngăn nổi”, ông Thanh nói.

Tiếp tục trở về thuở đầu Cục Công trình được chuyển từ Hà Nội vào Nghệ An, đổi tên thành Cục Công trình I nhận nhiệm vụ xây dựng, đảm bảo giao thông các tuyến đường trọng điểm Khu IV cũ, ông kể: Tiếp nhận công việc tại khu IV, bên cạnh khoảng 3.000 kỹ sư, công nhân chuyên nghiệp, Cục còn có tới 15.000 TNXP từ Nam Định, Thái Bình, Hà Tĩnh,… để “bắt tay” vào công trình đầu tiên là đường 21.

Riêng về phương tiện cơ giới, khi ấy, Cục chỉ được trang bị 6 máy ủi để ưu tiên thi công những vị trí khó nhất, nhiều khối lượng đất, đá nhất. Việc thi công chủ yếu dựa vào sức người.

“Khó khăn là vậy nhưng mặt trận đường 21 vẫn ghi dấu chiến công tuyệt diệu. Chỉ trong 420 ngày đêm, hàng nghìn công nhân, TNXP đã chọc thủng 53 km rừng già mở tuyến mới từ ngã ba Thạch Nhọc - Tân Đức, chia lửa cho mặt trận đường từ Địa Lợi - La Khê tuyến 15A bị uy hiếp”, ông nhớ lại.

Tự hào về kết quả Cục Công trình I đạt được nhưng ngược về quá khứ, ông Đào Thanh vẫn chưa quên được sự khốc liệt của “chảo lửa” Khu IV.

Đó là khi tuyến đường 20 tháng 7 thi công được khoảng 10 km bị địch phát hiện. Chúng ráo riết dội bom đến nỗi suốt dọc đường không còn nguyên một chiếc lá khô. Công nhân Cục Công trình I và các TNXP phải vừa kiên cường chiến đấu, vừa bám tuyến để mỗi ngày mở thêm 1 km đường.

Là khi Mỹ xác định ngã ba Đồng Lộc là đoạn trọng yếu quân ta di chuyển qua để tiếp tế lương thực, vũ khí cho chiến trường miền Nam và tiếp tế cho quân mở đường, chúng đã mở một chiến dịch đánh suốt ngày đêm.

Đường tiếp tế bị đánh phá, Đội C2 đảm đương trách nhiệm mở đường Đông Trường Sơn đến đầu Sê Băng Hiêng rơi vào cảnh thiếu lương thực, chỉ huy đội phải xuống nhà dân gần đó xin sắn, ngô, gạo nấu cháo cho công nhân. Hai người sau đó đã phải ngã xuống vì đói.

“Trong chảo lửa khốc liệt ấy, sự hi sinh là vô kể”, ông Thanh chia sẻ, hướng ánh mắt xa xăm nghĩ về Diêu (ông Phạm Diêu khi ấy là Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Cục Công trình I), một trong những chỉ huy mở tuyến đường 21. “Cậu ấy bị đánh bom, nằm xuống trong lúc lên chỉ huy công trình. Đau xót hơn, thời điểm Diêu hi sinh cũng chính là lúc cậu ấy sắp được đề bạt làm Cục phó Cục Công trình I.

Đó còn là Nguyễn Huyền Trang, một thanh niên xung phong trẻ tuổi làm nhiệm vụ gác phòng không. Một hôm, máy bay địch ập đến bất ngờ, xả băng đạn 20 ly, Trang bị thương nặng nhưng vẫn dồn hết sức còn lại của mình đánh vang lên hồi kẻng báo động. Đồng đội kịp đi ẩn nấp nhưng Trang hi sinh trong tư thế bàn tay nắm chặt dùi kẻng”, ông Thanh xúc động kể.

img

Bằng nền tảng vững chắc cùng kinh nghiệm, uy tín xây dựng trong suốt 60 năm phát triển, trong suốt những năm qua, Tập đoàn Cienco4 vẫn tiếp tục dấn thân thi công các công trình lớn như: hầm đường bộ, đường cao tốc, sân bay,...

Vượt nỗi đau chiến tranh, chuyển mình sau giải phóng

Miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất, Cục Công trình I được đổi tên thành Xí nghiệp Liên hợp Công trình I và tiếp tục chuyển thành Liên hiệp các Xí nghiệp giao thông 4 từ năm 1982 để tập trung lực lượng khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục kinh tế. Đồng thời, hoàn thành nhiệm vụ đảm bảo giao thông thông suốt trên 300 km đường bộ và hai bến phà trên QL1A.

Ngược dòng thời gian về những ngày đầu sau giải phóng, tâm thức của ông Phạm Quang Vinh, nguyên Tổng giám đốc Cienco4 (giai đoạn 2007 - 2010) hướng ngay đến công trình cầu Bến Thủy.

Đó là công trình được xây dựng trong năm tái thiết đất nước. Mặc dù điều kiện thi công, trang thiết bị còn thô sơ, lạc hậu nhưng đơn vị vẫn kiên cường dồn sức người, sức của để làm cây cầu Bến Thủy có chiều dài 630m gồm 12 trụ (4 trụ giữa sông), mặt cầu rộng 11,5m.

“Điều kiện thi công còn khó khăn, trang thiết bị lạc hậu, kỹ thuật lao lắp dầm chữ T nặng 60 tấn thực hiện bằng cầu nổi 100T tự chế tạo.

Trong bối cảnh ấy, khó có thể tin rằng tập thể Liên hiệp các Xí nghiệp giao thông 4 lại làm nên những điều kỳ diệu từ cây cầu Bến Thủy - công trình đòi hỏi chất lượng phải được quốc tế công nhận.

Không biết bao nhiêu đêm công nhân ngâm mình dưới lòng nước lạnh, dồn tiếng búa chát chúa vào những cọc bê tông để thay bằng cột thép. Rồi lũ về, bão ập đến, tiếng gọi nhau át cả tiếng mưa.

Thế nhưng, sau 7 năm thi công với trái tim gan góc của người thợ cầu, đến năm 1990, cầu Bến Thủy chính thức hoàn thành nối hai bờ sông Lam”, ông Vinh kể.

Theo ông Vinh, nhờ sự đổi mới trong cơ chế quản lý sản xuất, từ năm 1981 - 1985, Liên hiệp các Xí nghiệp giao thông 4 đã xây dựng gần 100 công trình lớn, nhỏ phục vụ giao thông vận tải, sản xuất nông nghiệp và thủy lợi địa phương.

Đặc biệt, những năm đầu thập niên 90, thế kỷ XX, việc sản xuất kinh doanh chuyển sang vận hành theo cơ chế thị trường gây khó khăn, lúng túng cho các Tổng công ty, sự cạnh tranh ngày càng gay gắt. Song, bằng ý chí vươn lên, Cienco4 đã bám sát và mở rộng thị trường, chủ động tìm kiếm nguồn vốn, từng bước xóa bỏ cơ chế bao cấp.

Từ năm 1992 - 1995, Tổng công ty đã thi công và đưa vào sử dụng hơn 50 công trình cầu lớn, nhỏ trên các tuyến quốc lộ, nâng cấp 40 km nền mặt đường,…

Phạm vi hoạt động không ngừng được mở rộng. Nếu năm 1991 trở về trước chỉ hoạt động ở 4 tỉnh Thanh - Nghệ - Tĩnh - Bình thì đến năm 1995 đã mở rộng hoạt động tại 36 tỉnh trong nước và nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào.

“Năm 1995, đơn vị chính thức mang tên Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 4. Từ một đơn vị chỉ thi công những gói thầu với đối tác trong nước, năm 1996, Cienco4 lần đầu tiên liên danh với nước ngoài (Tập đoàn Sam Whan Hàn Quốc) và thắng thầu thực hiệ dự án 19 cầu QL1A trên tuyến TP.HCM - Cần Thơ. Đây cũng là mốc son đầu tiên của Cienco4 tổ chức thực hiện một dự án theo thông lệ quốc tế.

Từ năm 1996 - 2000, Cienco4 vươn dài cánh tay khắp mọi miền Tổ quốc với đưa nhiều dự án được đưa về đích vượt kế hoạch như: Dự án 19 cầu Sài Gòn - Cần Thơ, dự án QL18, dự án đường Láng - Hòa Lạc, dự án nâng cấp QL1A Vinh - Đông Hà, cầu Quán Hàu, cầu Hiền Lương,…”, ông Vinh nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.