Giáo dục

7 điều các ông bố có thể làm tổn thương con mình nhưng lại không nhận ra

25/08/2020, 01:00

Đôi khi cách nói, cách hành xử của người bố tưởng chừng rất bình thường, nhưng nó lại khiến cho đứa con cảm thấy tổn thương vô cùng.

1. Kiểm soát quá mức con cái

Người bố đóng vai trò thiết yếu khi con cái bước vào độ tuổi đến trường. Thông thường, cách nói chuyện của người bố phong phú hơn người mẹ, điều này giúp cho trẻ xây dựng kỹ năng giao tiếp tốt hơn.

Tuy nhiên, mọi chuyện sẽ khác khi người bố kiểm soát quá mức cách nói chuyện của con cái với bạn bè và mọi người xung quanh. Việc kiểm soát này có thể khiến trẻ khó có bạn trong lớp. Người bố chỉ nên hướng dẫn, đưa ra một số lời khuyên khi trẻ có những ứng xử chưa phù hợp.

img

Người bố chỉ nên hướng dẫn, đưa ra một số lời khuyên khi trẻ có những ứng xử chưa phù hợp.

2. Ít dành thời gian cho con cái

Đành rằng người bố đóng vai trò trụ cột chính trong nhà nên việc bận rộn với công việc là điều khó tránh khỏi. Thế nhưng, việc dành quá nhiều thời gian cho công việc mà không giao tiếp với con cái, về lâu dài sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới mối quan hệ của 2 cha con.

Hãy nhớ rằng, sự hiện diện của người bố sẽ giúp nâng cao lòng tự trọng của trẻ, giúp chúng có thể vượt qua một số vấn đề trong thời thơ ấu và gắn kết tình cảm cha con hơn.

3. Bao bọc con cái quá mức

Có những ông bố bao bọc con cái tới mức không để chúng gặp bất kỳ mối nguy hiểm nào. Khi trẻ chưa cảm nhận được nguy hiểm là gì, nhưng người bố đã sẵn sàng xông pha không cho con cái tiếp xúc, điều này hoàn toàn không tốt như mọi người nghĩ. Việc bao bọc như vậy sẽ khiến cho trẻ không dám đối mặt với những rủi ro, không thể tự lập, vô tình khiến trẻ trở thành một con người yếu đuối.

4. Bố không tôn trọng mẹ

Nếu con cái luôn thấy bố tức giận, cáu kỉnh, thiếu tôn trọng mẹ mình, vô tình người bố đã đặt một nền móng không tốt cho các mối quan hệ sau này của con cái. Việc trẻ thấy người bố bày tỏ tình yêu với người mẹ sẽ khiến chúng sau này biết yêu thương vợ/chồng mình hơn.

img

Khi cãi nhau, người bố to tiếng với người mẹ sẽ khiến tâm lý trẻ trở nên bất ổn. (Ảnh minh họa)

Ngay cả khi đã ly hôn, người bố nên làm những gì có thể để đối xử với vợ cũ một cách tôn trọng. Bằng cách này, người bố đang là tấm gương để con cái đối xử một cách tôn trọng với người thân của mình.

5. Ngăn không cho con cái thể hiện cảm xúc

Trong khi các bé gái chủ yếu được khuyến khích thể hiện cảm xúc của mình, các bé trai thường được dạy rằng cần phải che giấu cảm xúc thật. Kết quả của cách giáo dục này sẽ khiến cho con cái bị dồn nén cảm xúc, sinh ra tâm lý căng thẳng, trầm cảm và khiến chúng tự cô lập bản thân.

6. Kỷ luật quá mức

Việc trẻ con hư và bị phạt là điều quá bình thường. Con cái làm sai cần phải bị kỷ luật nhưng không phải dưới hình thức trừng phạt một cách quá mức như đòn roi chẳng hạn. Thay vào đó, người bố nên đặt ra các quy tắc, giới hạn một cách hợp lý, nhắc nhở mọi hành động bốc đồng đều dẫn tới những hậu quả đáng tiếc.

img

Con cái làm sai cần phải bị kỷ luật nhưng không phải dưới hình thức trừng phạt một cách quá mức như đòn roi.

Việc dạy dỗ con, kỷ luật khi con làm sai nếu không có thêm tình yêu vào sẽ khiến cho chúng cảm thấy sợ hãi, về lâu dần sinh ra tính phản kháng, không nghe lời.

7. Che giấu những thất bại

Không ai có đủ thời gian để một mình trải nghiệm hết mọi thứ, tự mình rút ra những bài học sau thất bại. Vì vậy, cách tốt nhất để giảm thiểu những thất bại là nhìn người khác thất bại như thế nào, sau đó suy nghĩ kỹ trước khi thực hiện những hành động tương tự.

Vì thế, người bố không nên che giấu những quyết định bản thân từng sai lầm, những trở ngại đã từng không thể vượt qua. Khi kể ra những điều này, người bố đang giúp con mình tránh những sai lầm tương tự trong tương lai.

Trẻ sẽ nhìn bố như một tấm gương và hiểu rằng sai lầm là không đáng sợ, việc chấp nhận chúng và dũng cảm vượt qua để đạt được những mục tiêu cao hơn mới là điều quan trọng nhất.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.