Thời sự

8 điều Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư phải kiên quyết chống

12/11/2018, 07:07

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Quy định số 08 của Ban Chấp hành T.Ư về trách nhiệm nêu gương...

nguyen-thanh-song

Ông Vũ Thanh Sơn, Phó vụ trưởng phụ trách Vụ Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ 

Báo Giao thông trao đổi với PGS. TS. Vũ Thanh Sơn, Phó vụ trưởng phụ trách Vụ Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ (Ban Tổ chức T.Ư) về một số nội dung đáng chú ý của quy định này.

“Chỉ đích danh” gần 200 ủy viên T.Ư

Thưa ông, chúng ta đã từng có quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo. Vậy, quy định lần này có gì khác so với trước đây và nó có phải hoàn toàn mới?

Trước hết, đây là quy định mới hoàn toàn nhưng không phủ định Quy định 101-QĐ/TW của Ban Bí thư ngày 7/6/2012 và Quy định số 55-QĐ/TW của Bộ Chính trị ngày 19/12/2016. Điểm đặc biệt là quy định này được cấp cao nhất ban hành - Ban Chấp hành T.Ư, còn 2 quy định trước do Bộ Chính trị và Ban Bí thư ban hành. Rõ ràng, tính pháp lý và hiệu lực của nó cao hơn, có tác động rất mạnh mẽ, lan toả trong toàn hệ thống chính trị.

Một điểm đột phá nữa là đối tượng điều chỉnh của quy định này là các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành T.Ư. Đây là trọng tâm, là điểm nhấn của quy định.

Trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 8 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, quy định nêu gương lần này chỉ đích danh gần 200 Ủy viên T.Ư, khẳng định đối tượng điều chỉnh của quy định hoàn toàn tập trung vào các lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước. Thực tế, Quy định 101 và 55 chưa đề cập đối tượng điều chỉnh cụ thể là các Ủy viên T.Ư mà chỉ nói chung là cán bộ, đảng viên, lãnh đạo chủ chốt các cấp.

Như vậy, sau khi ban hành Quy định mới này, chúng ta sẽ có đồng thời 3 quy định phát huy hiệu lực về trách nhiệm nêu gương, bao quát đầy đủ các đối tượng điều chỉnh từ cán bộ, đảng viên từ cấp cao nhất tới đảng viên ở cấp cơ sở. Một điểm đáng chú ý nữa là quy định lần này xác định rất cụ thể yêu cầu trách nhiệm nêu gương.

Việc xây dựng nội dung quy định đã được tiến hành ra sao, thưa ông?

Việc xây dựng nội dung được chắt lọc cẩn trọng, cân nhắc kỹ lưỡng, tiếp thu ý kiến tối đa các góp ý. Nội dung quy định được chúng tôi xây dựng kéo dài trong 10 tháng. Ban Tổ chức T.Ư đã tổ chức 3 cuộc hội thảo toàn quốc và xin ý kiến của các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đặc biệt là xin ý kiến 3 lần các Ủy viên T.Ư, 3 lần giải trình với Ban Bí thư, Bộ Chính trị…

Nói như vậy để thấy những thông tin và nội dung đưa vào quy định này đã được cân nhắc hết sức thận trọng, không gây phản cảm hay hiểu lầm, hoặc để các đối tượng thù địch lợi dụng bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Chúng tôi xây dựng nội dung nêu gương có tiếp thu tư tưởng, phong cách nêu gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy “một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”, chúng ta cũng muốn xây dựng những tấm gương như vậy.

Quy định nêu rõ gắn việc thực hiện quy định với kiểm điểm, đánh giá, xếp loại cán bộ, đảng viên và lấy phiếu tín nhiệm theo quy định. Theo ông, điều này có ý nghĩa thế nào?

Chúng ta phải coi đây như là sự ràng buộc hành động, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, để tăng cường hiệu lực của quy định này. Mục tiêu đặt ra của quy định là đưa việc nêu gương trở thành việc làm tự giác, thường xuyên, nếp văn hóa của cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị, trước hết là các lãnh đạo cấp cao. Do đó cần đề cao tính tiên phong, gương mẫu, trách nhiệm…

Nếu gắn với việc kiểm điểm, đánh giá thì phần nào cũng thể hiện trách nhiệm và ý thức của mỗi cán bộ đảng viên phải luôn nghĩ đến chuyện mình làm gì để nêu gương, thực sự gương mẫu với cấp dưới. Hơn nữa, việc thực hiện trách nhiệm nêu gương cần cũng có kiểm tra, đánh giá theo quy định.

Cảnh tỉnh, răn đe để tự soi, tự sửa

Có ý kiến cho rằng, một số quy định có những nội dung khá chung chung với những khái niệm “định tính” như độc đoán, chuyên quyền, quan liêu, thờ ơ, vô cảm trước những khó khăn, bức xúc của nhân dân… Theo ông, cách nào để nhận diện chính xác những hành vi như vậy?

Mục tiêu của quy định mang giá trị tinh thần, chuẩn mực đạo đức nên nếu chúng ta quy định cụ thể bằng những nội dung định lượng sẽ không còn mang giá trị của quy định nêu gương nữa.

Với những nội dung định lượng đã có một số quy định khác lượng hoá rồi. Ví dụ, hành vi vi phạm của cán bộ Đảng viên được lượng hoá ở các mức độ khác nhau, rất cụ thể trong Quy định 102 của Uỷ ban Kiểm tra T.Ư. Giá trị của quy định nêu gương mang tính tinh thần, là sự điều chỉnh về hành vi, giá trị đạo đức, mang tính cảnh tỉnh, răn đe với mục đích tự soi, tự sửa, tự điều chỉnh thái độ, hành vi…

Quy định cũng nhắc đến việc cán bộ đảng viên tự chủ động từ chức khi thấy mình không còn đủ năng lực, điều kiện, uy tín… Song, cách nào để một cán bộ, đảng viên cảm thấy họ không còn đủ năng lực, uy tín, thưa ông?

Quy định nêu gương này mang tính khuyến khích nên chúng ta dùng từ “chủ động” xin từ chức khi thấy không còn đủ điều kiện, năng lực và uy tín để thực hiện nhiệm vụ. Ở đây muốn đề cao sự tự nhận thức, hiểu biết và trách nhiệm của cán bộ lãnh đạo.

Vừa qua, Quốc hội cũng chất vấn về vấn đề này và Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho biết sau này sẽ có quy định cụ thể về quy trình xin từ chức. Tức là sẽ có văn bản khác quy định về việc này.

Theo ông, việc nêu gương của từng lãnh đạo cấp cao có nên được xem như một lời cam kết trước toàn Đảng, toàn dân, cũng là cam kết với chính bản thân vị lãnh đạo đó?

Trước hết, nêu gương giống như lời cam kết chính trị của từng Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban chấp hành T.Ư, đây là sự cam kết với chính mình và với toàn Đảng, toàn dân. Sự nêu gương của các lãnh đạo cấp cao sẽ tạo sự lan tỏa mạnh mẽ từ trên xuống dưới trong toàn hệ thống chính trị, tạo hiệu ứng tích cực trong toàn xã hội, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng trong tình hình hiện nay, bởi họ đều là những lãnh đạo giữ trọng trách rất cao, có tầm ảnh hưởng rất lớn trong hệ thống chính trị.

Quy định đã ban hành, vậy tới đây Ban Tổ chức T.Ư sẽ có hướng dẫn thế nào để quy định sớm được triển khai thực hiện?

Chúng tôi đã và đang tổ chức tuyên truyền giá trị nội dung quy định, chuẩn bị nội dung phổ biến, quán triệt trực tuyến toàn quốc, dự kiến vào ngày 23/11.

Về dài hạn, lãnh đạo Ban Tổ chức T.Ư đã giao nhiệm vụ cho các vụ chuyên môn xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện, theo dõi, giám sát, kiểm tra và sơ kết hàng năm để báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư, BCH T.Ư vào kỳ họp cuối năm hàng năm.

Việc giám sát thực hiện Quy định sẽ được tổ chức triển khai ra sao, thưa ông?

Quy định nêu gương phân công cụ thể trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân liên quan. Trong đó, giao MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội trong phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm giám sát việc thực hiện quy định này. Việc giám sát và hình thức giám sát phải bám sát quy định của Đảng và Nhà nước, như Luật Mặt trận Tổ quốc có Điều 27 quy định về các hình thức giám sát. Cụ thể như thành lập các đoàn giám sát; kết hợp, lồng ghép với các đoàn giám sát thực hiện các nghị quyết, quy định của Đảng…

Cảm ơn ông!

8 điều cấm kỵ

Ủy viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư, Uỷ viên BCH T.Ư phải nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết chống:

1.Chủ nghĩa cá nhân, cục bộ, bản vị. Lợi dụng tập thể để né tránh trách nhiệm hoặc lấy danh nghĩa tập thể thực hiện mục đích cá nhân. Nói không nhất quán, nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít.

2. Độc đoán, chuyên quyền, quan liêu, xa dân, thờ ơ, vô cảm trước những khó khăn, bức xúc của nhân dân. Định kiến với người góp ý, phê bình. Trực tiếp, mượn danh hoặc cung cấp tài liệu cho người khác để nói, viết, đăng tin, bài sai sự thật nhằm đề cao tập thể, cá nhân mình hoặc hạ thấp uy tín của tập thể, cá nhân khác trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội.

3. Chủ trì tham mưu, ban hành cơ chế, chính sách trái chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng hoặc gây thiệt hại đối với lợi ích của Nhà nước, tập thể và công dân.

4. Chạy hoặc tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền, chạy phiếu bầu, chạy phiếu tín nhiệm. Can thiệp không đúng thẩm quyền, trách nhiệm, trái quy định vào công tác cán bộ; đề bạt, bổ nhiệm, bố trí cán bộ không đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định, nhất là đối với người nhà, người thân.

5. Tham nhũng, hối lộ dưới mọi hình thức; tặng quà, nhận quà vì vụ lợi. Can thiệp không đúng thẩm quyền, trách nhiệm, trái quy định vào công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; đối với việc đề xuất, cho chủ trương, thẩm định, phê duyệt, đấu thầu, chỉ định thầu các dự án...

6. Lãng phí công quỹ, tài sản, phương tiện, nhân lực và thời gian làm việc. Tổ chức đoàn đi công tác ở trong và ngoài nước không đúng thành phần, thời gian và nội dung yêu cầu công việc. Sống, sinh hoạt, tiêu dùng, giải trí xa hoa, lãng phí.

7. Lợi dụng doanh nghiệp hoặc để doanh nghiệp lợi dụng nhằm vụ lợi. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, uy tín để sử dụng, vay, mượn tiền, tài sản, phương tiện của tổ chức, cá nhân trái quy định.

8. Để vợ (chồng), bố, mẹ, con, anh chị em ruột lợi dụng chức vụ, quyền hạn, uy tín của mình để vụ lợi. Để vợ (chồng), con đẻ, con nuôi sống xa hoa, phô trương, lãng phí hoặc sa vào tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật.

(Trích Điều 4, Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành T.Ư)

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.