Quản lý

8 dự án đường sắt “hút” nhà đầu tư ngoài ngành

24/01/2015, 00:14

Một số nhà đầu tư muốn được chuyển nhượng khai thác tuyến đường sắt Đà Lạt - Trại Mát, Yên Viên - Cái Lân...

81

Nguồn vốn XHH sẽ giúp đường sắt phát triển, tăng thị phần vận tải, từ đó người dân sẽ được hưởng lợi từ loại hình vận tải giá rẻ này

Làm rõ quyền lợi và trách nhiệm của nhà đầu tư

Cụ thể, ITL đang muốn thuê lại bãi hàng container ga Yên Viên trong 20 năm để thực hiện Dự án xây dựng Trung tâm ĐS logistics. Nếu được chấp thuận, dự kiến dự án này sẽ được hoàn thành trong vòng 4 tháng với tổng mức đầu tư khoảng 85 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành, Trung tâm ĐS logistics sẽ có diện tích rộng 15.700 m2 chia làm ba khu vực văn phòng, xếp container rỗng và đường đi tác nghiệp xe hàng. Dự án khi hoàn thành sẽ nâng cao năng lực xếp dỡ container, hàng hóa tại ga Yên Viên, gia tăng sản lượng container thông qua ga này gấp hai lần (giai đoạn 1) và gấp ba lần (giai đoạn 2). Dự án này cũng sẽ thu hút hành khách sử dụng dịch vụ đường sắt như một trung tâm dịch vụ tổng hợp gồm vận chuyển đường sắt, đường bộ, kho bãi, hải quan.

Dự án đầu tư cải tạo bãi hàng container ga Yên Viên là một trong 8 dự án của VNR đang được các nhà đầu tư ngoài ngành quan tâm. Thực tế, các nhà đầu tư khi “dòm ngó” đến đường sắt thường “để mắt” đến các bãi hàng, chuỗi dịch vụ thương mại tiện ích tại các ga, kinh doanh kho bãi logistics. Hình thức đầu tư chủ yếu là BOT. Chỉ có một nhà đầu tư quan tâm khai thác theo hình thức nhượng quyền khai thác tuyến đường sắt Đà Lạt - Trại Mát. Một nhà đầu tư quan tâm khôi phục tuyến Đà Lạt - Tháp Chàm...

“VNR phải tích cực tiếp tục đổi mới, tái cơ cấu, cổ phần hóa triệt để các công ty vận tải và hạ tầng. Đổi mới tư duy quản trị doanh nghiệp theo hướng thị trường, không lệ thuộc Nhà nước. Trong năm 2015 cố gắng có ít nhất một tuyến đường sắt xã hội hóa”

Bộ trưởng Đinh La Thăng

Đại diện Đường sắt VN cho biết, Công ty CP Đầu tư Đèo Cả cũng đang mong muốn được nhượng quyền khai thác vận tải đường sắt. Vừa qua, Bộ GTVT cũng đã giới thiệu một số tuyến tiềm năng như: Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân; tuyến Hà Nội - Hải Phòng...

Đối với hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt xây dựng mới, đại diện Cục Đường sắt VN cho biết, sẽ kêu gọi đầu tư xã hội hóa dự án đường sắt vào cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng để sớm kết nối với đường sắt quốc gia, giảm tải đường bộ trên tuyến Hà Nội - Hải Phòng. Trường hợp nhà đầu tư không đủ khả năng thực hiện theo hình thức BOT, Nhà nước sẽ đầu tư GPMB và xây dựng các công trình trực tiếp phục vụ chạy tàu. Còn lại các hạng mục nhà ga, bãi hàng, khu dịch vụ... sẽ được kêu gọi xã hội hóa. Nhà đầu tư sẽ được quyền quản lý và khai thác các công trình do mình đầu tư trong khoảng thời gian theo hợp đồng đã ký.

Ông Trần Ngọc Thành, Chủ tịch HĐTV VNR cho biết, để kêu gọi được đầu tư bên ngoài vào đường sắt, cần công khai rõ và minh bạch các lợi ích mà nhà đầu tư sẽ được hưởng, đồng thời kèm theo đó là trách nhiệm của họ ra sao. “Chúng tôi đã sắp xếp thứ tự ưu tiên phương án kêu gọi xã hội hóa đầu tư các dự án. Trong đó, VNR ưu tiên kêu gọi xã hội hóa xây dựng các tuyến đường sắt mới ra khu công nghiệp và cảng biển. Tiếp đến là thí điểm nhượng quyền khai thác một số tuyến”, ông Thành nói.

Gỡ vướng thể chế

Để xã hội hóa đầu tư đường sắt hiệu quả, phương án chuyển nhượng khai thác một số tuyến được các cơ quan chức năng tính đến. Thực tế, đã có một số nhà đầu tư muốn được chuyển nhượng khai thác tuyến đường sắt Đà Lạt - Trại Mát, Yên Viên - Cái Lân...

Tuy nhiên, đại diện Cục Đường sắt VN cho biết, Luật Đường sắt hiện nay mới quy định việc bán khoán và cho thuê một số tài sản đường sắt, chứ chưa quy định chuyển nhượng. Chúng tôi đang đề xuất bổ sung vấn đề chuyển nhượng khai thác vào chương trình sửa đổi Luật Đường sắt tới đây. Hơn nữa, Cục cũng đề xuất bổ sung, sửa đổi Quyết định 84 của Chính phủ, Thông tư 21 của Bộ Tài chính về mức thu phí, giá thuê sử dụng kết cấu hạ tầng...

Phía VNR, ông Thành kiến nghị cần ban hành cơ chế ưu đãi cho nhà đầu tư về thuế, chính sách miễn giảm thuế đất và miễn phí khi chuyển nhượng quyền khai thác, kinh doanh đối với công trình nhà đầu tư bỏ vốn.

Theo bà Trịnh Thị Hằng Nga, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ GTVT), dù Luật Đường sắt mới đề cập bán khoán cho thuê, nhưng về việc chuyển nhượng trước mắt có thể thí điểm một số tuyến như đã đề xuất. “Thực tế, các văn bản đang dẫm chân lên nhau nên khó thực hiện. Trước mắt cần sửa Quyết định 84 và Luật Đường sắt”, bà Nga nói.

Tại cuộc họp bàn việc triển khai thực hiện Đề án xã hội hoá đầu tư vào đường sắt hôm qua (22/1), Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu cần sớm công khai các hạng mục đường sắt kêu gọi xã hội hóa để thu hút đầu tư. “Đây là thời điểm đổi mới mạnh mẽ để đường sắt tương xứng với tiềm năng, lợi thế sẵn có như: Vận chuyển được khối lượng lớn, giá cước thấp so, phục vụ được đa số tầng lớp bình dân”, Bộ trưởng nói.

Để đẩy mạnh việc xã hội hóa, Bộ trưởng yêu cầu Vụ Pháp chế phối hợp với các bên liên quan rà soát lại văn bản quy phạm pháp luật để sửa đổi phù hợp. Trước mắt là Luật Đường sắt, hướng đến yêu cầu xã hội hóa. Đề xuất các thể chế chính sách rõ ràng, công khai, minh bạch để thu hút nhà đầu tư.

Thiện Anh

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.