Doanh nghiệp

90% dự án khởi nghiệp thất bại từ ý tưởng

14/11/2016, 08:25

Có tới 90% dự án khởi nghiệp (Startup) tại Việt Nam bị thất bại ngay từ ý tưởng.

18

Mô hình nuôi vịt biển của nông dân Đoàn Văn Vươn được đánh giá là mô hình khởi nghiệp thành công

Có tới 90% dự án khởi nghiệp (Startup) tại Việt Nam bị thất bại ngay từ ý tưởng. Đây cũng là thông tin được đưa ra tại Hội thảo “Đầu tư cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và tiềm năng thị trường Việt Nam”, ngày 13/11.

Vịt biển ông Vươn “cháy hàng”

Những ngày cuối thu, nhà hàng cung cấp các món ăn chế biến từ vịt biển Đoàn Văn Vươn, kỷ niệm một năm thành lập. Được biết, vịt biển do ông Vươn nuôi hiện nay đang trở thành món ăn “hot” do thịt ngon, thơm và được nuôi bằng thức ăn sạch do gia đình chế biến theo quy trình nghiêm ngặt. Do số lượng cung ứng ra thị trường có hạn nên khách hàng muốn ăn vịt biển này phải gọi điện đặt trước. Hai nhà hàng tại Hà Nội và Hải Phòng luôn chật kín khách dù giá đắt gấp ba lần so với vịt thường. Nhà hàng tại Hà Nội thậm chí còn treo biển hướng dẫn khách muốn ăn thịt tươi thì phải đến vào thứ ba và thứ năm, nếu muốn mua thì phải đặt trước theo số điện thoại trước 2-3 ngày. Ngoài thịt vịt, ông Vươn cũng rất thành công khi bán trứng vịt biển và tôm rảo khi các hệ thống bán lẻ đều phản hồi hết sức tích cực do được các bà nội trợ yêu thích. Chia sẻ với PV, ông Đoàn Văn Vươn cho biết, ông sẽ mở rộng quy mô đàn vịt từ hơn 1.000 con hiện nay lên gấp ba lần và định hướng sẽ đưa vịt biển xuất khẩu.

Không phải ngẫu nhiên mà mô hình chăn nuôi vịt biển Đoàn Văn Vươn lại có sự thành công như ngày nay. Đây chính là kết quả từ sự chung tay giúp đỡ của rất nhiều người từ nghiên cứu mô hình, thiết kế logo, cung cấp con giống vịt, cách tiếp cận vốn vay, hướng dẫn kỹ thuật, cách xử lý đóng gói sản phẩm và tiếp thị thị trường… Mỗi một khâu đều có sự chung tay giúp đỡ của cá nhân, đơn vị phía sau. Ông Vươn cho hay, nếu không có sự giúp đỡ này, bản thân ông không biết làm như thế nào. Dù thời gian chưa dài nhưng mô hình này được đánh giá là mô hình khởi nghiệp thành công với bước đi bài bản và có tầm nhìn phát triển mà không phải bất cứ mô hình khởi nghiệp nào cũng đạt được.

Việt Nam là một trong những nước có chi phí khởi nghiệp thấp

Có mặt tại hội thảo ngày 13/11, Eddie Thai, người đầu tư dự án 500 Startup Việt Nam cho hay: Phong trào khởi nghiệp ở Việt Nam đang diễn ra sôi nổi. Không phải chỉ có 500 bạn trẻ nhóm khởi nghiệp tìm đến anh mà là hàng nghìn trường hợp. “Giới trẻ ngày càng có trình độ cao hơn, rất cởi mở, sẵn sàng chia sẻ bí quyết. Chính vì thế, điều quan trọng là phải giúp đỡ, tư vấn để họ hiện thực hóa các mục tiêu của mình”, Eddie Thai nói.

"Các Startup phải biết sắp xếp thứ tự ưu tiên cho các cơ hội. Bởi, năng lực tài chính ban đầu thường là từ bản thân, bạn bè, gia đình... nên thường bị giới hạn. Chính vì thế, nếu không khéo léo chọn “điểm rơi” thì sẽ rơi vào khả năng là thử nhiều con đường nhưng chưa đi hết đã hết vốn mà không thành công”.

Ông Nguyễn Hoàng Ly
Chủ tịch Công ty Komtek

Tuy nhiên, anh Eddie Thai cho rằng, có tới 90% ý tưởng không thể đầu tư. Trong đó có những ý tưởng thất bại ngay từ ban đầu. Thậm chí có trường hợp xây dựng được mô hình khởi nghiệp nhưng trong quá trình tìm hỗ trợ về vốn, tư vấn, kỹ thuật… đã kiệt sức mà “chết”. “Không thể một sớm, một chiều nhìn thấy thành công của các Startup. Ở Singapore hay các nước khác cũng thế. Có những Startup chỉ trong thời gian ngắn nhưng có người mất cả chục năm”, nhà đầu tư trẻ chia sẻ.

Cũng theo Eddie Thai, hiện chi phí cho một Startup ở Việt Nam đã thấp hơn nhiều so với những năm trước và cũng thấp hơn so với các nước khác. “Tôi đã chứng kiến nhiều nhà đầu tư đã và đang tìm cách đặt chân tới Việt Nam để tìm kiếm cơ hội đầu tư, nhất là trong lĩnh vực công nghệ cao. Điều này xuất phát từ môi trường kinh doanh của Việt Nam ổn định và ngày càng được cải thiện theo hướng tăng cường minh bạch, hoàn thiện khuôn khổ pháp luật, cải cách thủ tục hành chính…”, Eddie Thai nhận định.

Bên cạnh nguồn vốn và sự hỗ trợ từ các quỹ đầu tư mạo hiểm, TS. Lương Minh Huân (Viện Phát triển doanh nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI) cho hay, cơ quan này hàng năm vẫn tổ chức các cuộc thi về khởi nghiệp; Kết nối các ý tưởng khởi nghiệp với các doanh nghiệp lớn để tạo ra mạng lưới có lợi cho cả đôi bên; Hỗ trợ các Startup về mặt pháp lý... Theo ông Huân, nếu làm tốt việc hỗ trợ, kết nối Startup số lượng doanh nghiệp thành lập sẽ nâng lên và tiến tới đạt được mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.